Bắc Kinh có thể can thiệp để ổn định thị trường khi rủi ro tài chính của Trung Quốc gia tăng
Nền kinh tế Trung Quốc đang thu hẹp và rủi ro tài chính ngày càng gia tăng dưới tác động của các chính sách “zero-COVID” và các đợt phong tỏa khu vực trên khắp cả nước.
Hôm 25/03, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã thành lập quỹ ổn định tài chính đầu tiên của nước này. Được cung cấp bởi các ngân hàng và các tổ chức khác của Trung Quốc, quỹ này nhằm giúp bảo vệ đất nước khỏi những rủi ro tài chính.
Quốc vụ viện Trung Quốc đã yêu cầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các tổ chức khác thành lập quỹ này không muộn hơn cuối tháng Chín. Để đáp ứng thời hạn này, Ngân hàng Nhân dân đã ban hành Luật Ổn định Tài chính (Dự thảo để lấy ý kiến) hôm 06/04, khẳng định điều này là cần thiết vì việc giải quyết các rủi ro tài chính đã trở thành “một chủ đề muôn thuở”.
Mức độ nghiêm trọng của rủi ro tài chính được tiết lộ hôm 10/05 khi Công ty Quản lý Tài sản Phương Đông Trung Quốc công bố Báo cáo Khảo sát Thị trường Tài sản Tài chính Không hiệu quả của Trung Quốc năm 2022. Báo cáo cho biết số dư nợ xấu của các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tăng trong năm nay cùng với tỷ lệ nợ xấu. Các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, công ty tín thác, công ty bất động sản và các tổ chức tài chính địa phương cũng sẻ cảm nhận được áp lực gia tăng từ rủi ro vỡ nợ.
Theo ông Albert Song, một nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị của tổ chức tư vấn độc lập Tianjun, “Rủi ro tài chính nội bộ của Trung Quốc là rất lớn, với nhiều điểm đột phá”. Một ví dụ, ông nói, là cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển bất động sản. Cuộc khủng hoảng này có khả năng ảnh hưởng đến hơn 40 ngành công nghiệp liên quan có thể đang gánh các khoản nợ lớn.
Tiếp tục thúc đẩy cuộc khủng hoảng là tỷ lệ nợ hộ gia đình cao của người dân Trung Quốc, vốn chủ yếu là các khoản thế chấp.
Ông nói, “Trong tình hình suy thoái kinh tế và việc phong tỏa các thành phố do chính sách ‘zero-COVID’, những cuộc khủng hoảng này có thể bùng phát bất cứ lúc nào và có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng.”
Trong số ra ngày 16/05 của tạp chí Cầu Thị (Qiushi), tạp chí chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có một bài báo nổi bật do Đảng ủy của CBIRC viết có tiêu đề “Kiên trì trong việc Ngăn ngừa và Giải quyết các Rủi ro Tài chính Lớn”. Bài báo khẳng định hơn 600 tổ chức tài chính rủi ro cao đã bị đóng cửa hoặc sau đó được khôi phục trong 5 năm qua. Cụ thể được nêu tên là Baoshang Bank, Jinzhou Bank, Hengfeng Bank và Liaoning City Commercial Bank.
CBIRC cũng thông báo khuôn khổ cho Quỹ Ổn định Tài chính Đầu tiên của Trung Quốc đã được tạo ra sau khi huy động được gần 9.7 tỷ USD quỹ khởi tạo.
‘Trận chiến của những Đồng xu bạc’
Bài báo cũng nhắc lại cái gọi là “Trận chiến của những Đồng xu bạc” và “Trận chiến Gạo và Bông”, được khởi xướng bởi ĐCSTQ khi họ chiếm đoạt quyền lực vào năm 1949 và cố gắng thay thế đồng tiền bằng bạc bằng đồng Nhân dân tệ (RMB) và để kiểm soát giá thị trường của hàng hóa.
“Trận chiến của những Đồng xu bạc” xảy ra vào ngày 10/06/1949. Quân đội Thượng Hải và lực lượng cảnh sát đã bao vây và chiếm giữ tòa nhà chứng khoán và bắt giữ 250 người. Giá đồng xu bạc giảm mạnh từ 2,000 nhân dân tệ xuống còn 1,200 nhân dân tệ ngày hôm sau, và giá gạo cũng giảm 10%.
“Trận chiến giữa Gạo và Bông” xảy ra sau đó, ĐCSTQ cố gắng giảm giá hai mặt hàng này ở các thành phố lớn như Thượng Hải bằng cách vận chuyển chúng từ các địa điểm khác.
Để minh họa ý nghĩa của hai hành động này trong việc giúp thiết lập quyền lực cộng sản, bài báo cho rằng điều này có thể so sánh với ba trận chiến lớn giữa ĐCSTQ và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (ROC).
Ông Albert Song đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về những xung đột trong quá khứ của ĐCSTQ với Trung Hoa Dân Quốc trong cuộc phỏng vấn hôm 20/05 với The Epoch Times. Ông cho biết “Trận chiến của những Đồng xu bạc” và “Trận chiến Gạo và Bông” được thúc đẩy bởi sự không tin tưởng của người dân vào ĐCSTQ và việc phát hành đồng nhân dân tệ của họ. ĐCSTQ đã can thiệp thông qua mệnh lệnh hành chính và các biện pháp chính trị, đàn áp các nhà tư bản và doanh nhân quốc gia.
Liên quan đến bài báo của CBIRC, ông Song nói, “Việc ĐCSTQ hiện nhắc lại những sự việc này cho thấy một nghị trình can thiệp và không loại trừ các hành động tương tự, chẳng hạn như các khoản thanh toán ngoại tệ bắt buộc đối với một số thành phố, khu vực kinh tế và tài chính.”
Ông nói thêm, “Việc này cũng có thể làm giảm đáng kể hạn ngạch trao đổi hàng năm 50,000 USD dành cho công dân Trung Quốc để đi du lịch nước ngoài và chi tiêu cho giáo dục và các mục đích khác.”
Các thanh toán ngoại tệ bắt buộc của ĐCSTQ không chỉ áp dụng cho các công dân tư nhân mà còn cho các công ty. Trung Quốc có thông lệ cho phép các công ty xuất cảng giữ một phần thu nhập ngoại tệ của họ để sử dụng vào hoạt động kinh doanh.
Theo Financial Times, một cuộc họp đã được tổ chức hôm 22/04 giữa ngân hàng trung ương của ĐCSTQ, các cơ quan quản lý và các nhà quản lý cấp cao từ nhiều ngân hàng trong nước và quốc tế ở Trung Quốc. Họ đã gặp nhau để tìm hiểu cách giảm thiểu rủi ro của Trung Quốc liên quan đến các lệnh trừng phạt quốc tế.
Một trong những lựa chọn được thảo luận bao gồm tăng tỷ lệ nắm giữ USD trong nước thông qua các khoản thanh toán ngoại tệ bắt buộc, trong đó ngân hàng trung ương của ĐCSTQ yêu cầu các nhà xuất cảng chuyển đổi tất cả các khoản thu nhập bằng ngoại tệ sang Nhân dân tệ.
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.