Bắc Kinh cập nhật danh sách các nguồn tin tức được phép chia sẻ trên Internet nhằm thắt chặt kiểm duyệt
Chính quyền Trung Quốc đã công bố danh sách các nguồn tin tức trên internet được chấp thuận, loại ra một số hãng thông tấn đã từng xuất bản các bài báo chống tham nhũng thay vì tuân theo đường lối của đảng. Các nhà phê bình đã lên án hành động này như một bước tiến sâu hơn nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận trên internet Trung Quốc.
Hôm 20/10, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố danh sách sửa đổi các nguồn tin tức trên internet, nêu tên 1,358 hãng thông tấn. Số lượng các tổ chức được chấp thuận đã tăng gần gấp bốn lần kể từ năm 2016. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên một số tài khoản công khai trên mạng xã hội và ứng dụng được đưa vào [bản danh sách này].
Phát ngôn viên của CAC chỉ ra rằng các nhà cung cấp dịch vụ tin tức trên internet của Trung Quốc phải tuân thủ danh sách mới nhất, và những người vi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt.
Những trường hợp bị loại ra đáng chú ý bao gồm hai hãng thông tấn có ảnh hưởng là Caixin Media và The Economic Observer. Cả hai đều nổi tiếng với việc xuất bản các bài báo chống tham nhũng và chỉ trích trong lĩnh vực dịch vụ tin tức.
‘Đi ngược lại nền văn minh của nhân loại’
Tác giả, nhà bất đồng chính kiến, và cựu biên tập viên người Trung Quốc Hoàng Kim Thu (Huang Jinqiu) nói với The Epoch Times hôm 20/10 rằng hành động này nhằm phong tỏa tất cả các kênh mà người dân bình thường có thể tự do nói chuyện và thay thế chúng bằng các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông cho biết báo chí phải hoạt động như một cơ quan giám sát xã hội hoặc quyền lực thứ tư độc lập với các nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp của một đất nước.
Cựu biên tập viên này cho biết, “Nếu một đảng chính trị hoặc một chính phủ tài trợ và kiểm soát nó, thì nó sẽ có xu hướng nói dối để có lợi cho chính phủ và lừa dối người dân. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nền văn minh và các giá trị của nhân loại”.
Ông Hoàng xem các kênh thông tấn nhà nước của Trung Quốc như một công cụ để thúc đẩy quy tắc độc đảng hơn là hoạt động như một hãng thông tấn theo đúng nghĩa.
Ông Hoàng nói: “Trong thời đại internet, ai cũng có thể làm ký giả, nhiếp ảnh gia. Bất kỳ hành động nào để tìm cách bịt miệng người dân đều là hành động ngu xuẩn và sẽ trở thành trò cười của nhân loại và lịch sử”.
Nhà bình luận độc lập ở Trung Quốc Ngô Đặc (Wu Te) đã chỉ trích ĐCSTQ vì đã đàn áp các hãng thông tấn trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 20/10.
Ông nói: “Bất chấp danh sách tên được mở rộng, sự kiểm duyệt về cơ bản đã được nâng cao. Không gian tự do của vùng xám trước kia của các tài khoản và ứng dụng công khai đang bị thu hẹp, bởi vì chúng hiện đang bị kiểm soát”.
Ông Ngô mô tả ba lý do cho việc loại trừ Caixin Media ra khỏi danh sách được chấp thuận.
Đầu tiên là người bảo trợ quyền lực nhất của hãng thông tấn này, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), đã thất sủng đối với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thứ hai là, ông Tập củng cố chế độ độc tài của mình thông qua các làn sóng thanh trừng chính trị, không còn cần đến truyền thông như một công cụ để thu hút sự ủng hộ của công chúng đối với ông.
Và thứ ba là, các cuộc điều tra chuyên sâu, có vẻ tự do của tổ chức này đã trở thành một cái gai trong mắt nhà cầm quyền Trung Quốc.
Nhà bình luận này dự đoán rằng công ty bị gạt ra ngoài lề này và tổng biên tập Hồ Thư Lập (Hu Shuli) của nó rất có thể sẽ phải đối mặt với sự đàn áp lớn hơn.
Ông viện dẫn rằng bà Hồ đã trút giận lên ông Tập trên tài khoản mạng xã hội của mình bằng cách đăng một dãy năm đầu heo hôm 02/10. Mặc dù sau đó bà đã xóa hình ảnh này, nhưng mục đích là để khinh miệt ông Tập, vì “đầu heo” đã trở thành một cách nói xúc phạm thông dụng khi đề cập đến ông Tập.
Một chuyên gia khác ở Trung Quốc, họ Thái (Tsai), nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc không hài lòng với cả Caixin và The Economic Observer, đặc biệt là trong những năm gần đây khi các hãng thông tấn bị kiểm soát chặt chẽ.
Ông Thái nói: “Ảnh hưởng to lớn của họ chính xác là một thách thức đối với Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh sẽ cắt đứt huyết mạch của họ, chứ chưa nói gì đến việc những người bảo trợ của họ đang dần mất đi quyền lực”.
Ông Thái cho biết mục đích đằng sau việc kiểm soát dư luận là nhằm quay trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông của Trung Quốc, nơi chủ nghĩa độc tài thống trị Trung Quốc trong thế kỷ 20.
Chuyên gia này nói thêm rằng, “Lãnh đạo Trung Quốc Tập phải thanh trừng báo chí và đặt nó dưới sự kiểm soát tuyệt đối của mình để bảo đảm chiến thắng trong cuộc tái tranh cử tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm 2022”.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: