Bắc Kinh cảnh báo ‘trừng phạt’ nếu vận động viên ngoại quốc lên tiếng phản đối tại Thế vận hội
Một quan chức trong ban tổ chức Thế vận hội của Trung Quốc đã cảnh báo các vận động viên ngoại quốc về việc bày tỏ quan điểm thẳng thắn trong Thế vận hội Mùa Đông diễn ra vào tháng tới, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ hành vi nào vi phạm các quy định của Trung Quốc đều có thể khiến họ bị loại khỏi Thế vận hội này.
Ông Dương Thư (Yang Shu), Phó tổng giám đốc Sở Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh 2022 cho biết: “Bất kỳ biểu hiện nào phù hợp với tinh thần Olympic, tôi chắc chắn [người đó] sẽ được bảo vệ, còn bất kỳ điều gì và bất kỳ hành vi hoặc phát ngôn nào đi ngược lại tinh thần Olympic, đặc biệt là chống lại luật pháp và các quy định của Trung Quốc, cũng sẽ chịu sự trừng phạt nhất định.”
Nhiều hình thức ngôn luận bị cấm theo các luật có tính chất hạn chế cao do Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt, khiến những người dân thường khó thể hiện bản thân một cách tự do qua hình thức trực tuyến lẫn trao đổi trực tiếp. Những người bất đồng chính kiến, các luật sư nhân quyền, các ký giả công dân, và những người khiếu kiện chỉ trích chế độ này thường xuyên phải đối mặt với việc bị giam giữ và truy tố với các tội danh được xác định chung chung, chẳng hạn như “kích động gây rối” và “kích động lật đổ.”
Hôm 19/01, ông Dương đã đưa ra các nhận xét nói trên trong một cuộc họp báo trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn tổ chức, khi được hỏi về việc các vận động viên lên tiếng về các vấn đề nhân quyền trong kỳ Thế vận hội này, dự kiến bắt đầu vào ngày 04/02.
Ông đề nghị hủy bỏ việc công nhận các vận động viên này như một hình thức trừng phạt có thể xảy ra, đồng thời trích dẫn các hướng dẫn trong chương trình của các nhà tổ chức Thế vận hội này.
Quy tắc 50 của Hiến chương Olympic cấm mọi hình thức biểu tình hoặc “tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc,” nhưng Olympic Quốc tế đã nới lỏng các hướng dẫn từ năm ngoái để cho phép các vận động viên bày tỏ quan điểm của họ trong thời gian ngoài giờ thi đấu và các buổi nghi lễ.
Một số nhà hoạt động đã kêu gọi các vận động viên Olympic không nên chỉ trích Trung Quốc khi đang ở Bắc Kinh vì sự an toàn của chính họ.
Tại diễn đàn của nhóm vận động nhân quyền Human Rights Watch diễn ra hôm 18/01, ông Rob Koehler, tổng giám đốc của nhóm Vận động viên Toàn cầu, cho biết: “Chúng tôi biết về hồ sơ nhân quyền và sự cho phép tự do ngôn luận ở Trung Quốc, vậy nên không có nhiều sự bảo vệ lắm.”
Các nhà hoạt động nhân quyền cũng đề cập đến trường hợp vận động viên quần vợt ba lần tham dự Olympic, cô Bành Soái (Peng Shuai), người đã mất tích trong nhiều tuần sau khi cáo buộc một cựu quan chức cộng sản quyền lực tấn công tình dục cô. Nhà nghiên cứu Vương Á Thu (Yaqiu Wang) của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng sự biến mất của cô là “một dấu hiệu tốt về những gì có thể xảy ra.”
Anh Noah Hoffman, vận động viên trượt tuyết băng đồng hai lần tham dự Olympic, cho biết đoàn Hoa Kỳ đang cố gắng bảo vệ các vận động viên khỏi những câu hỏi hóc búa trước thềm Thế vận hội này.
“Tôi lo sợ cho sự an toàn của họ khi họ đến Trung Quốc,” anh Hoffman nói tại diễn đàn và nói thêm rằng anh nghĩ các vận động viên nên giữ im lặng. “Họ có thể lên tiếng khi họ trở về nước.”
Hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc ngày càng được theo dõi sát sao khi ngày khai mạc Thế vận hội này sắp đến gần.
Hoa Kỳ cùng với ít nhất bảy quốc gia khác đã nói rằng họ sẽ không cử một phái đoàn chính thức nào [đến Trung Quốc] để tẩy chay việc nhà cầm quyền nước này đối xử ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cũng có những lo ngại về cách bảo vệ dữ liệu cá nhân của các vận động viên. Hoa Kỳ, Anh, Úc, và Hà Lan là một trong số các quốc gia khuyến nghị các vận động viên nên để điện thoại và máy điện toán xách tay ở nhà, đồng thời sử dụng các thiết bị tạm thời để thay thế do có những lo ngại về việc giám sát.
Citizen Lab, một viện nghiên cứu bảo mật toàn cầu có trụ sở tại Toronto, cho biết một ứng dụng dành cho những người tham dự Olympic Bắc Kinh đang có một lỗ hổng bảo mật “khủng khiếp” có thể làm rò rỉ thông tin nhạy cảm của họ, bao gồm số điện thoại, chi tiết hộ chiếu, lịch sử du lịch, và tình trạng sức khỏe.
Ứng dụng dành cho điện thoại thông minh này, có tên MY2022, cung cấp các dịch vụ du lịch, chỗ ở, và ăn uống, đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe của người dùng hàng ngày. Ứng dụng này cũng có một tính năng để người dùng báo cáo nội dung “nhạy cảm về mặt chính trị.”
Ứng dụng này cũng chứa một danh sách đen dành cho các từ khóa như “Pháp Luân Công,” “Tây Tạng Tự do,” và “Thảm sát Thiên An Môn,” các thuật ngữ liên quan đến [các sự kiện] quá khứ và tình trạng lạm dụng liên tục của nhà cầm quyền này, cũng như các thuật ngữ Hoa ngữ áp dụng cho The Epoch Times và chi nhánh của tờ báo này là NTD. The Epoch Times và các phương tiện truyền thông liên kết của tờ báo này đều đang bị chặn ở Trung Quốc vì đã đưa tin chỉ trích về những hành vi lạm dụng [nhân quyền] của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một thời gian dài.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: