Bắc Kinh bóp nghẹt không khí đón Tết khi thắt chặt kiểm soát xã hội
Trung Quốc đã hủy bỏ lễ Giáng Sinh năm 2021, cho rằng nghi thức này đang làm tổn hại đến văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo người dân nước này tránh ảnh hưởng của phương Tây. Đây chỉ là bước đi mới nhất trong chính sách mới của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thắt chặt kiểm soát xã hội, đồng thời hướng Trung Quốc vào các giá trị nội tại.
Lễ Giáng Sinh lần đầu tiên trở nên phổ biến vào những năm 1990, phần lớn là trong giới trẻ. Chất xúc tác chính là các trung tâm dạy Anh ngữ, vì lễ Giáng Sinh chưa bao giờ được tổ chức ở các trường công lập của Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc thường bắt đầu tham gia các lớp học Anh ngữ khi còn nhỏ 3 hoặc 4 tuổi và do đó, khi họ bắt đầu học trung học, Giáng Sinh đã trở thành một nét đặc trưng trong thời thơ ấu của họ.
Đối với đại đa số người Trung Quốc, Giáng Sinh không bao giờ được tổ chức như một ngày lễ tôn giáo. Thay vào đó, sự kiện này tập trung vào ông già Noel, và việc trẻ em trang trí cây thông, hát các bài hát và nhận quà. Đối với sinh viên đại học và thanh niên, thế hệ này lớn lên với việc đón Giáng Sinh bằng cách tổ chức tiệc tùng và mua sắm.
Trong một số năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khuyến khích tổ chức lễ Giáng Sinh mang tính thương mại, vì những hoạt động này giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong những năm khác, lo sợ ảnh hưởng từ ngoại quốc và bị mất kiểm soát, ĐCSTQ sẽ hạn chế các lễ hội Giáng Sinh.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các chính quyền địa phương đã được chỉ thị cấm tổ chức lễ Giáng Sinh lớn. Tuy nhiên, trong hầu hết các năm, các trung tâm mua sắm và cửa hàng được phép trang trí và tổ chức các chương trình khuyến mại vào dịp lễ này.
Tuy nhiên, năm 2021, lễ Giáng Sinh đã bị cấm – ngay cả ở những nơi thờ phượng. Một sắc lệnh của chính quyền đã cấm giáo viên và học sinh “tổ chức bất kỳ sự kiện kỷ niệm nào của lễ hội phương Tây này.” Ở Nam Dương, các quan chức chính phủ nói với trung tâm mua sắm địa phương rằng họ phải gỡ bỏ đồ trang trí. Tại thành phố Lang Phường, các buổi biểu diễn Giáng Sinh đã bị hủy bỏ. Và ở các thành phố khác, các biểu ngữ và đèn chiếu sáng đã bị dỡ bỏ khỏi các không gian công cộng.
Các đảng viên ĐCSTQ không được tham dự các bữa tiệc Giáng Sinh, thay vào đó họ được hướng dẫn để hành động như những “hình mẫu tuân thủ văn hóa truyền thống Trung Quốc”. Người dân đã được khuyến khích tố cáo những người vi phạm các quy định cấm Giáng Sinh.
Cấm Giáng Sinh chỉ là một ví dụ nữa về việc ông Tập đã gia tăng các hạn chế đối với xã hội dân sự. Nhưng điều này có vẻ trái ngược với chiến lược chung của ông là tạo ra văn hóa tiêu dùng và dựa vào tiêu dùng, thay vì xuất cảng, để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Đảng đã ban hành một tài liệu nêu rõ, “Ngày ‘Giáng Sinh’ hoặc ‘Đêm Thánh’ … thấm nhuần sâu sắc văn hóa tín ngưỡng phương Tây,” cáo buộc rằng “một số quốc gia phương Tây dựa vào công nghệ tiên tiến và văn hóa của họ để truyền bá các giá trị và lối sống của họ ở Trung Quốc, thu hút giới trẻ của chúng ta.” Tài liệu này khuyến khích người dân quảng bá văn hóa Trung Quốc và tránh xa văn hóa phương Tây.
ĐCSTQ đã đóng cửa một cách hiệu quả các trung tâm dạy kèm Anh ngữ, đây chính là những nơi tổ chức lễ Giáng Sinh. Theo một trong nhiều quy định mới hạn chế các quyền tự do dân sự của ông Tập, các trung tâm dạy thêm như vậy bị cấm tiếp nhận đầu tư từ ngoại quốc và thu lợi nhuận. Các trung tâm lớn đã ngừng hoạt động như VIPKid, có thời điểm được định giá 3 tỷ USD, tuyển dụng 90,000 giáo viên, và có gần 1 triệu sinh viên Trung Quốc.
Việc đóng cửa các trung tâm dạy thêm tiếng Anh tư nhân sẽ làm giảm đáng kể số lượng trẻ em tiếp xúc với lễ Giáng Sinh, bảo đảm rằng phong tục này cuối cùng sẽ biến mất. ĐCSTQ cũng đang ngăn cản trẻ em Trung Quốc học Anh ngữ. Điều này sẽ khiến họ giảm khả năng kiếm sống hoặc học tập ở hải ngoại trong tương lai. Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng tiếng Anh sẽ là một trở ngại nữa, ngăn cản những ý tưởng mới du nhập vào Trung Quốc.
Khi đất nước hướng về các giá trị nội tại và văn hóa ngoại quốc không được khuyến khích, chủ nghĩa dân tộc đang được quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông. Bộ phim giáo dục lòng yêu nước lấy bối cảnh chiến tranh liên Triều, “Trường Tân Hồ” (“The Battle at Lake Changjin”), đã trở thành một trong những bộ phim bom tấn lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Cho đến nay, bộ phim đã thu về 905 triệu USD, chỉ thua “Người Nhện: Không Đường Về Nhà” (“Spider-Man: No Way Home”) và “Không Phải Lúc Chết” (“No Time to Die”). Bộ phim mô tả những hy sinh anh dũng của quân nhân Trung Quốc, những người đã đơn thương độc mã đánh bại người Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, giải phóng Triều Tiên khỏi sự kìm kẹp của chủ nghĩa tư bản. Những người dẫn dắt dư luận chủ chốt trên mạng xã hội đã kêu gọi người dân Trung Quốc từ bỏ việc tổ chức lễ Giáng Sinh như một lời tri ân đối với gian khổ của những người lính được mô tả trong bộ phim này.
Thúc đẩy các phim bom tấn Trung Quốc sẽ ngăn khán giả xem phim Mỹ. Tuyên truyền của ĐCSTQ sẽ không còn phải cạnh tranh với những ý kiến và thông tin trái chiều từ ngoại quốc. Và điều này có thể giúp tuyển mộ những người trẻ tuổi gia nhập Đảng Cộng sản, vốn chỉ cách đây vài năm vẫn phải chật vật để tuyển thêm người mới.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa lần thứ hai này, ông Tập đã mặc nhận là vị cứu tinh của cả nền văn hóa Trung Quốc và ĐCSTQ. Ông cũng có thể là kẻ giết con ngỗng đẻ trứng vàng, vì các chính sách của ông đã khiến nền kinh tế phát triển chậm lại.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Hồng Ân và An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: