Bắc Kinh bóng gió về điều mình muốn trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đăng một loạt bốn bài bình luận, trong đó kêu gọi chính phủ mới của Hoa Kỳ “đưa mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc trở lại đúng hướng” sau nhiều năm áp dụng cung cách hành xử mà một bài trong số đó gọi là “đầu độc” mối bang giao song phương.
Trong bài bình luận đầu tiên được công bố hôm 04/02, Tân Hoa Xã viết, “Đối đãi với Trung Quốc như một đối thủ chiến lược lớn hoặc thậm chí địch thủ là một sai lầm lịch sử, định hướng và chiến lược sai lầm mà Hoa Kỳ đã mắc phải. Hiện nay, nhiệm vụ cấp bách nhất của Hoa Kỳ là phải tự điều chỉnh bản thân để đi đúng đường… Đã đến lúc Hoa Kỳ phải thể hiện tầm nhìn xa về chính trị và đi hướng về phía Trung Quốc.”
Bài bình luận này tiếp tục chỉ trích Hoa Kỳ đã hủy hoại mối bang giao giữa hai nước trong bốn năm qua, gián tiếp chỉ trích chính phủ cựu Tổng thống Trump.
“Một số người đã tin tưởng một cách mù quáng vào chính sách ‘Hoa Kỳ trên hết,’ ảo tưởng nghĩ rằng việc ‘tách rời’ khỏi và ‘phá vỡ các chuỗi cung ứng’ có thể ngăn chặn quá trình toàn cầu hóa kinh tế,” bài báo nói trên của Tân Hoa Xã nêu rõ.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất ý tưởng tách rời hai nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các quan chức trong chính phủ của ông cũng nhấn mạnh những rủi ro an ninh quốc gia khi phụ thuộc vào sản xuất Trung Quốc và kêu gọi các lĩnh vực quan trọng của Hoa Kỳ hồi hương.
Hãng truyền thông này cũng đã đăng tải một bài bình luận thứ hai vào cùng ngày, chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ về các chính sách hạn chế thị thực đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Chính phủ Trump đã ban hành các hạn chế thị thực đối với các nhà nghiên cứu có liên hệ với các tổ chức liên kết với quân đội Trung Cộng, với lý do e ngại về rủi ro gián điệp và hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ nhằm làm lợi cho chế độ này.
Bài viết tuyên bố Hoa Kỳ “đã phá hủy nghiêm trọng việc trao đổi nhân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” và lưu ý rằng nhiều sinh viên Trung Quốc đã chọn ở lại Hoa Kỳ sau khi lấy được bằng cấp của họ.
Bài bình luận này không đề cập hay bàn về các mối lo ngại của Hoa Kỳ.
Bài bình luận thứ ba được xuất bản hôm 05/02, tập trung vào quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Tân Hoa Xã chỉ trích rằng chính phủ Trump đã cố gắng cắt giảm đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, khuyến khích các công ty Hoa Kỳ rời khỏi Trung Quốc, và đàn áp các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Hai bài báo trước đó đề cập đến hậu quả của căng thẳng chiến tranh thương mại, khi Hoa Kỳ áp đặt các loại thuế quan trừng phạt để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc khiến nước này đáp trả bằng thuế quan trả đũa. Chính phủ tiền nhiệm cũng liệt một loạt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì những rủi ro an ninh quốc gia hoặc vai trò của các công ty này trong vi phạm nhân quyền ở đại lục.
Tuy nhiên, bài viết này đã không đề cập đến cơ sở lý luận cho các chính sách của chính phủ tiền nhiệm.
Bài bình luận thứ tư được xuất bản hôm 06/02, tập trung vào hợp tác công nghệ.
“Chính phủ tiền nhiệm của Hoa Kỳ đã đàn áp một cách vô lý và đóng cửa hoàn toàn với khoa học và công nghệ của Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Những phương pháp đó thật kinh tởm và xấu xa,” bài báo này nêu rõ. “Việc kìm giữ công nghệ giống như một con đường quanh co dẫn tới tự cô lập.”
Nhiều công ty Trung Quốc có tên trong danh sách đen là các công ty công nghệ, chính điều này khiến họ bị ngăn cản làm ăn với các nhà cung cấp Hoa Kỳ.
Sau đó hôm 07/02, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã chỉ trích chính sách Trung Quốc của chính phủ Tổng thống Biden trong một cuộc phỏng vấn trên CNN. Khi được hỏi về cuộc điện đàm gần đây của Ngoại trưởng Antony Blinken và nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, ông Thôi cho biết, “Quý vị không thể có một chính sách đối ngoại hiệu quả chỉ bằng cách ăn nói cứng rắn hoặc tỏ ra cứng rắn.”
Ông Blinken đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ nhân quyền và các giá trị dân chủ ở Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông.
Tân Hoa Xã đã tóm tắt cuộc điện đàm của họ bằng một giọng điệu khác hẳn.
“Ông Blinken nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng phát triển một mối quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc,” Tân Hoa Xã đưa tin.
Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc Yang Wei kết luận rằng các bài bình luận và luận điệu gần đây của giới chức Trung Cộng cho thấy họ “đang cố gắng hăm dọa để chính phủ ông Biden phải quỳ gối và lắng nghe họ.”
“Trên thực tế, chúng ta đã thấy kết quả [của việc này], đó là chính phủ Hoa Kỳ và Bắc Kinh không thể thống nhất về hầu hết các vấn đề,” ông Yang viết trong một bài bình luận đăng trên Epoch Times tiếng Hoa hôm 07/02.
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ Lý Lâm Nhất (Li Linyi) phân tích rằng các bài bình luận của Tân Hoa Xã thể hiện điều mà chế độ Trung Cộng hy vọng chính phủ Tổng thống Biden sẽ thay đổi trong mối quan hệ này.
Ông Lý nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, “Chế độ Trung Cộng đang đặt quân bài của mình trên bàn,” và họ đang kiểm tra xem liệu chính phủ mới có thực hiện các yêu cầu của chế độ này hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nation” của CBS được phát sóng hôm 07/02, Tổng thống Joe Biden nói, “sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” tuy nhiên mối bang giao mới mà ông muốn xây dựng thì không nhất thiết phải là một mối bang giao của sự xung đột.
Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói trong một sự kiện do một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương — một viện nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn — tổ chức hôm 05/02 rằng, “Trung Quốc nhìn chung là một đối tác, một đối thủ cạnh tranh, và là một địch thủ mang tính hệ thống.”
Ông Macron giải thích rằng Trung Quốc là một đối tác về biến đổi khí hậu, một đối thủ cạnh tranh về thương mại, và là một địch thủ vì tham vọng địa chính trị và những vi phạm nhân quyền của họ.
Nicole Hao
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: