Bắc Kinh bổ nhiệm cựu lãnh đạo bán quân sự làm chỉ huy mới của lực lượng đồn trú tại Hồng Kông
THƯỢNG HẢI — Cuối hôm Chủ Nhật (09/01), đài truyền hình nhà nước CCTV dẫn lời phát ngôn viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, Bắc Kinh đã bổ nhiệm một cựu lãnh đạo bán quân sự Bành Kinh Đường (Peng Jingtang) làm chỉ huy mới của lực lượng đồn trú PLA ở Hồng Kông.
Ông Bành, người mang quân hàm thiếu tướng, trước đây từng là phó tổng tham mưu trưởng của lực lượng cảnh sát bán quân sự, Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc. Truyền thông nhà nước cho biết việc bổ nhiệm ông đã được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn.
Theo một phương tiện truyền thông nhà nước khác là Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), được xuất bản bởi Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, ông Bành trước đây cũng là tham mưu trưởng của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang ở Tân Cương, nơi các nạn nhân, các nhà hoạt động, các tổ chức bất vụ lợi, và một số chính phủ phương Tây bao gồm cả Hoa Thịnh Đốn đều cho biết Bắc Kinh đang thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác. Nhà cầm quyền này luôn phủ nhận các vụ lạm dụng ở Tân Cương.
PLA vẫn duy trì một đơn vị đồn trú ở Hồng Kông, nhưng các hoạt động của họ phần lớn chỉ mang tính sơ khai. Theo hiến pháp mini của trung tâm tài chính toàn cầu này, tức Luật Căn Bản, thì các vấn đề quốc phòng và đối ngoại đều phải do các nhà lãnh đạo đảng cộng sản ở Bắc Kinh quản lý.
CCTV cũng dẫn lời ông Bành cho biết trong lần bổ nhiệm mới đây của mình, ông sẽ làm việc với tất cả các thành viên của khu đồn trú này để tuân thủ mệnh lệnh của đảng cộng sản cầm quyền và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia.
Hồng Kông đã trở lại dưới quyền cai trị của Trung Quốc vào năm 1997 với lời hứa rằng đảng cộng sản sẽ không can thiệp vào việc quản lý địa phương trong nhiều thập niên, và các quyền cá nhân trên phạm vi rộng sẽ được bảo vệ.
Nhưng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và các nhóm nhân quyền đều nói rằng các quyền tự do đã bị xói mòn, đặc biệt là kể từ khi Bắc Kinh áp đặt một phần của cái gọi là “luật an ninh quốc gia” sau nhiều tháng biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019.
Các nhà chức trách thân Bắc Kinh của Hồng Kông và phía Bắc Kinh luôn phủ nhận việc hạn chế các quyền tự do và nói rằng luật này là cần thiết để lập lại trật tự sau các cuộc biểu tình kéo dài chống chế độ Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: