Bắc Kinh bịt miệng truyền thông toàn cầu đối với hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Phần 2 của loạt bài gồm 4 phần ‘Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức.’
Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức đang nhấn mạnh vào sự im lặng của giới truyền thông trước một trong những tội ác lớn nhất của thời đại chúng ta: ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng cưỡng bức trị giá hàng tỷ USD ở Trung Quốc.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng vai trò người gác cổng dựa trên sức mạnh kinh tế to lớn của Trung Quốc, và các chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị của chế độ này ở ngoại quốc, để bịt miệng truyền thông toàn cầu và gây ảnh hưởng đến các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới, trước tội ác nhân quyền thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Được tổ chức từ ngày 17/09 đến ngày 26/09, hội nghị thượng đỉnh đã làm sáng tỏ không chỉ vấn đề này, mà còn làm sáng tỏ điều mà một người tham dự gọi là “ngoại giao im lặng.”
Bất chấp các bằng chứng không thể chối cãi, Bắc Kinh phủ nhận việc họ hiện đang tiến hành thu hoạch nội tạng cưỡng bức và đã yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ những lời chối bỏ này của Trung Cộng. Tuy nhiên, đánh giá của WHO là không chính xác. Theo Ngài Hunt của Anh Quốc, “chính phủ Anh Quốc đã tiết lộ vào năm 2019 rằng đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới được dựa trên việc Trung Quốc tự đánh giá và WHO đã không thực hiện đánh giá của riêng mình về hệ thống ghép tạng của Trung Quốc.”
Các nhà tổ chức của Hội nghị thượng đỉnh Thế giới giải thích rằng áp lực từ phía Trung Cộng đã làm giảm mức độ đưa tin của các kênh truyền thông về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, khiến các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế hàng đầu có rất ít động lực để thực hiện các bước tốn kém cần thiết để giải quyết vấn đề này.
“Nhiều thành viên của giới truyền thông đã không làm tròn nghĩa vụ đưa tin trung thực về tội ác này mà lại chịu khuất phục trước áp lực của Trung Cộng và thay vào đó đã đăng tải các thông tin tuyên truyền được trả tiền,” ban tổ chức viết trên trang web của hội nghị. “Các cộng đồng xã hội trên toàn thế giới không hay biết gì về nguy cơ trở thành thông đồng với tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Hôm 17/09, Tiến sĩ Torsten Trey, người sáng lập tổ chức bất vụ lợi Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) đồng thời là người chủ trì hội nghị, đã tuyên bố rằng hội nghị đang xem xét “vai trò của giới truyền thông và vấn đề về kiểm duyệt. Theo mặc định, thì nhiệm vụ trước tiên của giới truyền thông là đưa tin về sự thật và trung thực, tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng khác của truyền thông là kết nối mọi người. Trong 15 năm qua [kể từ khi tờ New York Times phanh phui câu chuyện về thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc], giới truyền thông chính thống đã thất bại trong việc kết nối những người ở thế giới tự do với những nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Tình trạng gián cách giữa độc giả và nạn nhân này là một khía cạnh khác, một khía cạnh kiểm duyệt thường không được chú ý đến.”
Ông Trey lưu ý rằng Hội nghị thượng đỉnh Thế giới là một nỗ lực nhằm khắc phục gián cách giữa người dân và các nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Tiến sĩ Weldon Gilcrease, giám đốc khoa Ung bướu tại Trường Y của Đại học Utah, nói tại hội nghị thượng đỉnh rằng bằng chứng rộng rãi về hành động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã bị “hầu hết cộng đồng y tế, và quả thực là phần lớn thế giới” không thừa nhận.
Thời điểm ông Gilcrease nỗ lực dừng công việc đào tạo về cấy ghép cho các bác sĩ Trung Quốc tại trường đại học của chính ông, khi đó ông lập luận rằng họ có thể sẽ sử dụng kiến thức đó để tàn sát những người hiến tạng không tự nguyện, bộ phận quản lý của trường đã phản đối ông, khi nói rằng “chắc chắn việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang xảy ra, nhưng việc có lập trường chống lại một quốc gia lớn mạnh như Trung Quốc có thể nguy hiểm cho cả học viện của chúng ta, cũng như cho các lớp giáo dục cấp đại học và sau đại học mà chúng ta phụ trách tại trường của mình.” Ông được bảo rằng “nếu chúng ta nói bất cứ điều gì [về những hành động tàn ác này], thì Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là gửi tất cả sinh viên của họ đến Texas.”
Một số người khác tham dự hội nghị thượng đỉnh đã kêu gọi chấm dứt việc đào tạo quốc tế về kỹ thuật cấy ghép cho các bác sĩ đến từ Trung Quốc. Tiến sĩ Andre Gattolin, một thượng nghị sĩ đến từ Pháp và là đồng chủ tịch của Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), chỉ trích “các quốc gia phát triển mà, nhân danh hợp tác y tế và sức khỏe bất khả xâm phạm, đã tiến hành những đợt chuyển giao kỹ năng và công nghệ mà không có sự đề phòng dẫn đến những lạm dụng đáng xấu hổ mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay ở Trung Quốc.”
Ông Gattolin lưu ý rằng Pháp đã “tích cực tham gia vào việc đào tạo kỹ thuật cấy ghép tạng rất tinh vi cho nhiều bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc.” Kết quả là, “lòng tin của chúng tôi—được trao đi một cách quá ngây thơ—đã bị phản bội. Chúng tôi đã không yêu cầu quyền giám sát đối với những điều có thể đã dẫn đến hậu quả, và những người bị lừa gạt dưới danh nghĩa chia sẻ kiến thức và một thứ chủ nghĩa nhân đạo khoa học nào đó vẫn từ chối thừa nhận phần trách nhiệm của họ.”
Ông Carlos Iglesias Jimenez, một luật sư nhân quyền quốc tế đến từ Tây Ban Nha, nói tại hội nghị thượng đỉnh rằng các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế đã không đủ cứng rắn để đối diện với Trung Cộng và lên án việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Ông nói: “Chúng ta có rất nhiều ví dụ cho việc này, Trung Cộng đã thâm nhập vào rất nhiều tổ chức quốc tế như: Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, bản thân Liên Hiệp Quốc, xoay sở để bảo đảm rằng mọi thứ đều không bị chú ý, mọi thứ đều được che đậy, rằng những sự kiện này không bao giờ có thể được xã hội và toàn thế giới biết đến một cách phổ biến và công khai. Và họ đang thành công với sự im lặng thông đồng của các chính phủ phương Tây và các cơ quan quốc tế cùng các tổ chức quốc tế.”
Theo ông Robert Spalding, chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ đã về hưu, việc Trung Cộng sử dụng [chiến thuật] củ cà rốt và cây gậy để chống lại các quy trình dân chủ quốc tế và các cuộc thảo luận về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức không khác gì là “chiến tranh chính trị.” Ông nói tại hội nghị hôm 19/09 rằng chiến tranh chính trị, dưới hình thức gây ảnh hưởng thông qua giới tinh hoa kinh tế, được sử dụng để ngăn cản các nước dân chủ lên tiếng trước những hành động tàn ác này.
Tướng Spalding bày tỏ, “Chiến tranh chính trị được sử dụng để gây tê, để làm chệch hướng bất kỳ lời chỉ trích nào đối với sự tình của những vấn đề như diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, phong tỏa và kiểm soát người dân Hồng Kông, giam giữ hàng loạt và thu hoạch nội tạng đối với [các học viên] Pháp Luân Công, và sự đàn áp đến cùng đối với… một số thành phần công dân Trung Quốc, đặc biệt là những thành phần mà… Đảng Cộng sản Trung Quốc e sợ.”
Ông Françoise Hostalier, một nghị viên của Quốc hội Pháp, giải thích rằng việc không thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm việc dựa trên các nguyên tắc đạo đức và luân lý khác biệt là bởi vì “Trung Quốc là một đối tác kinh tế không thể tránh khỏi, một đối tác đang ngày càng thành công trong nhiều lĩnh vực khoa học, và điều này dẫn đến việc ngày càng có nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia chịu sự thống trị của họ. Có một rủi ro lớn là các nhà nghiên cứu, các bác sĩ, các phòng thí nghiệm, các nhà tư bản công nghiệp, và các sinh viên của chúng ta, thông qua việc trao đổi khoa học hoặc kinh tế, sẽ thấy bản thân họ thông đồng với các hành vi vô nhân đạo và phạm tội của các đối tác Trung Quốc, những hành động mà vốn trái với mọi luân thường đạo lý, nhưng lại không nhận thức được điều đó.”
Ông Hermann Tertsch, một thành viên của Nghị viện Âu Châu đến từ Tây Ban Nha, chỉ trích giới truyền thông chính thống vì đã không làm tròn nhiệm vụ đưa tin về những tội ác của Trung Cộng. “Các tiêu chuẩn của giới truyền thông, nơi có quyền thống trị các thông tin của thế giới, là các tiêu chuẩn mà đã ngày càng được định ra theo cùng một chiều hướng trong vòng 50 năm qua, và cứ theo chiều hướng này mà tội ác của chế độ độc tài Trung Cộng đã được đối đãi theo một cách rộng lượng như vậy.”
Ông Tertsch nói rằng các hình ảnh phê phán Trung Cộng “đã đang biến mất khỏi các mạng lưới tin tức, không chỉ trên các mạng lưới tin tức của Trung Quốc, nơi vốn không thể tìm thấy thông tin gì về thảm kịch 32 năm về trước [vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn], [mà] còn trên các kênh truyền thông của Tây phương, bởi mong muốn của Trung Cộng hoặc bởi mong muốn của rất nhiều đối tác của Trung Cộng, như chúng ta thấy trong số những người vỗ tay tán thưởng ở Davos, với những người ngợi ca ông Tập Cận Bình, những kẻ nhận được lợi nhuận khổng lồ của các công ty công nghệ lớn, của các mạng lưới thông tin lớn, tất cả chúng ta đều biết danh tính của họ.”
Ông tiếp tục nói rằng chúng ta khoan dung cho những tội ác của Trung Cộng bởi vì “họ sản xuất rất nhiều tại đó, vì họ có nhiều mối quan hệ kinh tế, bởi họ ngưỡng mộ mô hình này, bởi họ muốn áp dụng một mô hình tương tự.”
Theo ông Tertsch, các nền dân chủ ở Tây phương có thể buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm, nhưng “họ ưa chuộng một chế độ toàn cầu nơi mà mọi người đều ẩn danh và có thể hoán đổi cho nhau, và chúng ta có thể lấy nội tạng từ một người và trao cho người trả giá cao hơn hoặc cho người nào đó mà vì một số lý do nào đó phù hợp với chúng ta.”
Theo ông Tertsch, các lợi ích kinh tế “khiến giới tinh hoa phương Tây thông đồng với Đảng Cộng sản Trung Quốc… để che giấu sự kinh hoàng của những vụ cấy ghép, vốn đang lấy đi, chúng ta không biết có bao nhiêu ngàn tù nhân chính trị, tù nhân bình thường, những người từ phong trào Pháp Luân Công, những người bất đồng chính kiến.”
Thế giới phải có trách nhiệm đối diện trực tiếp với hành động tàn ác là thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Vì hành động này chủ yếu được lạm dụng đối với các nhóm công dân rất dễ bị tấn công ở Trung Quốc, cụ thể là các học viên Pháp Luân Công và có khả năng là cả người Duy Ngô Nhĩ, và việc những nhóm dân chúng này đã bị thành mục tiêu để xóa sổ văn hóa, đưa hành động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đến mức độ của một phương pháp diệt chủng, theo như định nghĩa của Liên Hiệp Quốc. Vì nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức cũng là một quy trình y tế thương mại, những người ủng hộ nhân quyền phải đối mặt với một loại tội phạm hoàn toàn mới chống lại loài người: diệt chủng trong y khoa vì lợi nhuận. Giới truyền thông chính thống phải làm tốt hơn nữa trong việc đưa tin về vấn đề này, nếu không sẽ làm mất đi ý nghĩa của bất kỳ tuyên bố nào về một kênh truyền thông có lương tri không thiên vị của cộng đồng.
Quý vị theo dõi phần 1 tại đây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: