Bắc Kinh bị chỉ trích vì sử dụng VĐV người Duy Ngô Nhĩ trong lễ khai mạc Thế vận hội
Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh đã có một khởi đầu không suôn sẻ sau khi vụ việc về một người bảo vệ địa phương đã cư xử không phải phép với một phóng viên người Hà Lan được đưa tin rộng rãi. Sự kiện này lại tiếp tục gây tranh cãi khi một vận động viên trượt tuyết đại diện cho nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp ở miền tây Trung Quốc tham gia nghi lễ rước đuốc đánh dấu lễ khai mạc chính thức của Thế vận hội hôm thứ Sáu (04/02).
Vận động viên trượt tuyết 20 tuổi, Dinigeer Yilamujiang, đã cùng vận động viên Trung Quốc Triệu Gia Văn (Zhao Jiawen) rước đuốc trong lễ khai mạc Thế vận hội, dẫn đến suy đoán rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đã tìm cách giảm thiểu nhận thức của toàn thế giới về việc chế độ này đàn áp người Duy Ngô Nhĩ bằng cách đưa một người Duy Ngô Nhĩ vào vai trò nổi bật và mang tính biểu tượng như vậy.
Thông điệp của nhà cầm quyền này được mô tả một cách điển hình trong bài tweet của ông Trương Chí Thăng (Zhang Zisheng), tổng lãnh sự Trung Quốc tại Zanzibar và Tanzania, người nói: “Tôi rất vui khi được thấy cô Dinigeer Yilamujiang, một vận động viên người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc thắp sáng Vạc Olympic cùng anh Triệu Gia Văn! Tất cả 56 dân tộc Trung Quốc đều là thành viên trong một đại gia đình, tất cả cùng nhau!”
Nhưng lựa chọn đưa cô Yilamujiang vào nghi lễ này nhanh chóng thu hút phản ứng hoài nghi từ nhiều nhà quan sát, đặc biệt là bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, người đã nói trong một chương trình phát sóng của CNN rằng, “Đây là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng chúng ta khỏi vấn đề thực sự đang xảy ra rằng người Duy Ngô Nhĩ đang bị tra tấn, và người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Và chúng ta phải giữ điều đó ở một vị trí quan trọng.”
Anh Kamaltûrk Yalqun, người Duy Ngô Nhĩ đã rước đuốc cho Trung Quốc tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, đã mô tả hành động này là một “màn kịch quan hệ công chúng của Trung Quốc”.
“Chúng tôi và các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc từ lâu đã trở thành phương tiện tuyên truyền cho truyền thông nhà nước Trung Quốc. [Chiến thuật là] để họ mặc trang phục đẹp bất cứ khi nào những sự kiện lớn kiểu này xảy ra, để họ mặc những trang phục dân tộc, để họ hát và nhảy múa, thể hiện khuôn mặt hạnh phúc của họ cùng cộng đồng dân tộc và tất cả những điều đó với thế giới và với cả công dân Trung Quốc trong nước,” anh Yalqun, hiện đang sống ở Boston, nói với The Epoch Times.
Bằng cách chọn một vận động viên Duy Ngô Nhĩ để giúp thắp sáng ngọn lửa Olympic, vinh dự tột cùng cho bất kỳ vận động viên Olympic nào, Trung Quốc đã “nâng vị thế của trò múa rối này lên một mức độ cao hơn,” anh nói. Anh Yalqun cho biết thêm, hành động này được thực hiện do áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với các hoạt động diệt chủng của Bắc Kinh nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương.
Tháng 12/2021, một tòa án độc lập có trụ sở tại London đã công khai những phát hiện của mình rằng chế độ này đã thực hiện một “chính sách có chủ ý, có hệ thống, và phối hợp” nhằm xóa sổ một phần lớn người dân Duy Ngô Nhĩ thông qua một loạt các phương thức bao gồm cả việc bỏ tù hàng loạt trong các điều kiện tù túng và tồi tàn, triệt sản, chia ly các gia đình, và lao động cưỡng bức.
Chủ tọa của tòa án này, ông Geoffrey Nice, đã trình bày chi tiết về các vụ tra tấn, lạm dụng tình dục, sỉ nhục, và sát nhân không đưa ra tòa xét xử trên diện rộng và lặp đi lặp lại trong các nhà tù giam giữ đàn ông, phụ nữ, và trẻ em Duy Ngô Nhĩ. Ông Nice nhắc đến Công ước Diệt chủng năm 1948, vốn nhằm bảo vệ các nhóm quốc gia, dân tộc, và nhóm tôn giáo khỏi bị tiêu diệt, để minh chứng cho phân loại của ông về những gì đang diễn ra ở miền tây Trung Quốc – vốn là diệt chủng chứ không chỉ đơn giản là tống giam hoặc đàn áp hàng loạt.
Trước những lo ngại về nhân quyền như vậy, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Olympic năm nay, nhưng một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của một cuộc tẩy chay như vậy trong dài hạn.
Theo một bản tin của Wall Street Journal, cô Yilamujiang đã thi đấu có phần hờ hững trong cuộc tranh tài hôm thứ Bảy. Trái ngược với thông lệ phổ biến, cô Yilamujiang không trao đổi với các phóng viên và trả lời các câu hỏi của họ sau cuộc tranh tài này, bài báo cho hay.
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Bản tin có sự đóng góp của David Zhang
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: