Bắc Hàn thử nghiệm thành công hỏa tiễn hành trình tầm xa ‘chiến lược’ đầu tiên
Theo Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn (KCNA), cuối tuần qua Bắc Hàn đã phóng thử thành công một hỏa tiễn hành trình tầm xa mới có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 930 dặm.
KCNA đưa tin, hoạt động kéo dài nhiều ngày này đã được xác nhận là một “thành công” bởi các quan chức đứng đầu và các nhà khoa học của Học viện Khoa học Quốc phòng, là những người đã tham gia thử nghiệm loại hỏa tiễn hành trình mới được phóng hôm 11/09 và 12/09.
Theo cơ quan này, hỏa tiễn trên được mệnh danh là “vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng” đã bay được 930 dặm trước khi đánh trúng mục tiêu và rơi xuống lãnh hải của đất nước trong các cuộc thử nghiệm này. Hệ thống vũ khí này đã được phát triển trong hai năm.
Một bức ảnh ghép do KCNA công bố cho thấy hỏa tiễn được bắn từ một bệ phóng, cũng như cho thấy hỏa tiễn đạn đạo này đã bay theo phương ngang. Hỏa tiễn này được cho là đã di chuyển trong 7,580 giây trên không trên lãnh thổ và hải phận của quốc gia cộng sản này trước khi bắn trúng mục tiêu của họ.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) đã cấm Bắc Hàn thử hỏa tiễn đạn đạo và quốc gia này đã bị trừng phạt nặng nề vì các chương trình hỏa tiễn và vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, việc thử nghiệm các hỏa tiễn hành trình thường ít được quan tâm hơn, vì chúng không bị cấm rõ ràng theo UNSC.
Bắc Hàn cũng đã phớt lờ lời đề nghị từ chính phủ TT Biden về việc nối lại các cuộc đàm phán để từ bỏ chương trình nguyên tử của nước này. Các cuộc thử nghiệm mới đây là đáng kể nhất kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Hồi tháng Một, chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức của TT Biden, Bắc Hàn đã bắn thử nghiệm hỏa tiễn hành trình, đồng thời hồi cuối tháng Ba, nước này đã thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn chiến thuật mới.
Tổng thống Donald Trump, người đã gặp ông Kim Jong Un ba lần trong bốn năm tại vị của mình, là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đặt chân lên đất Bắc Hàn.
Ông Park Won-gon, giáo sư Nghiên cứu vấn đề Bắc Hàn tại Đại học Ewha Womans, nói với AFP rằng hỏa tiễn chiến lược mới này “gây ra một mối đe dọa đáng kể,” cho biết thêm rằng ông cho là “rất có thể sẽ có nhiều cuộc thử nghiệm hơn nữa để phát triển các hệ thống vũ khí khác nhau.”
“Nếu Bắc Hàn thu lại đầu đạn nguyên tử đủ nhỏ, đầu đạn đó cũng có thể được đưa lên hỏa tiễn hành trình,” ông Park lưu ý.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang theo dõi tình hình và các quan chức Hoa Kỳ đang liên hệ chặt chẽ với các đồng minh và đối tác sau các báo cáo về những vụ thử hỏa tiễn này.
Chỉ huy tác chiến phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết, “Hoạt động này nhấn mạnh sự tập trung liên tục của CHDCND Triều Tiên vào việc phát triển chương trình quân sự của họ cùng các mối đe dọa gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế của họ. Cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Nam Hàn và Nhật Bản vẫn không lay chuyển.”
Theo các nhà phân tích, các hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn có thể được trang bị bom nguyên tử hoặc bom thông thường đặc biệt gây bất ổn định trong tình huống xảy ra xung đột vì không rõ chúng đang mang loại đầu đạn nào.
Không rõ liệu Bắc Hàn có làm chủ được công nghệ cần thiết để chế tạo đầu đạn đủ nhỏ mang theo trên hỏa tiễn hành trình hay không, nhưng lãnh đạo cầm quyền Kim Jong Un hồi đầu năm cho biết việc phát triển các loại bom nhỏ hơn là mục tiêu đứng đầu.
Ông Kim dường như đã không tham dự cuộc thử nghiệm này, đồng thời KCNA tuyên bố rằng ông Pak Jong Chon, một thành viên của bộ chính trị quyền lực của Đảng Lao động và là bí thư ủy ban trung ương của đảng này, đã giám sát cuộc thử nghiệm.
Lorenz Duchamps
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: