Bắc Hàn ca ngợi lợi ích sức khỏe ‘đặc biệt’ của thịt thiên nga đen trong bối cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng
Theo thông tấn nhà nước Bắc Hàn, nước này đã đang bắt đầu ca ngợi những lợi ích sức khỏe “đặc biệt” khi ăn thịt thiên nga đen được chăn nuôi, đồng thời họ cũng sẽ nuôi cả thỏ khi đất nước này đang phải chống chọi với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Tờ Rodong Sinmun của đảng cầm quyền cho biết trong một bài báo xuất bản vào ngày thứ Hai (01/11) rằng, “Thịt thiên nga đen rất ngon và có giá trị về mặt y học.”
Theo tờ báo này, ông Ri Jong Nam, bí thư đảng ủy tỉnh Hamgyong Nam, đã dẫn đầu buổi lễ khai trương một trung tâm [chăn nuôi] thiên nga đen mới tại trang trại vịt Kwangpho nằm ở quận Jongphyong trên bờ biển phía đông vào ngày trước đó.
Thông tấn nhà nước Bắc Hàn trước đây đã gọi thịt thiên nga đen là “một loại thực phẩm đặc biệt cho sức khỏe trong thế kỷ 21 với hương vị độc đáo và có giá trị dinh dưỡng vô cùng cao,” và quá trình nghiên cứu cách nuôi dưỡng loại “chim cảnh quý hiếm” này để làm thực phẩm đã được bắt đầu vào mùa xuân năm 2019, theo trang NK News đưa tin. Họ cũng nói rằng loại thịt này có chứa các đặc tính hiếm hoi “chống ung thư”.
Trang NK News cho biết, việc nuôi thiên nga đen là nhằm tháo gỡ cho việc chăn nuôi quy mô lớn đã không thể đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm cho toàn bộ Bắc Hàn, cũng như bù đắp cho các hạn chế gia tăng liên quan đến COVID-19 của chính quyền gần đây vốn đã chặn phần lớn nguồn thực phẩm và các mặt hàng nhập cảng khác kể từ đầu năm 2020.
Thiên nga đen là một loài chim nước cỡ lớn, chủ yếu được tìm thấy ở các khu vực đông nam và tây nam nước Úc, mặc dù chúng cũng đã được đưa vào một số quốc gia, trong đó có New Zealand.
Trong khi đó, vào tháng 07/2020, Bộ Lực lượng Vũ trang Nhân dân (MPAF) đã ra lệnh cho các binh sĩ và gia đình của họ phải chăn nuôi thỏ, theo trang DailyNK đưa tin.
Mỗi người lính được lệnh phải nuôi 15 con thỏ và đánh giá mức tăng trưởng của những con vật này, theo trang DailyNK.
Bắc Hàn đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới của mình ngay từ thời đầu đại dịch COVID-19. Mặc dù chính quyền này tuyên bố không hề có ca nhiễm COVID-19 nào được ghi nhận và vào tháng Chín (09/2021) đã từ chối lời đề nghị [viện trợ] gần 3 triệu liều vaccine COVID-19, nhưng khắp nơi đều có các báo cáo rằng đất nước này đã chứng kiến các ca nhiễm bệnh và tử vong do chủng virus này, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Trong khi đó, theo HRW, hoạt động thương mại của nước này với Trung Quốc đã giảm gần 81% vào năm 2020 và chính quyền nước này cũng đã giảm mạnh nhập cảng các nguồn thực phẩm chính cũng như các mặt hàng thiết yếu khác từ Trung Quốc bao gồm cả thuốc men.
Nhiều trận lũ lụt từ tháng Sáu đến tháng Chín năm nay đã làm hư hại hàng nghìn ngôi nhà và hủy hoại mùa màng, gây thêm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng kinh tế, sản xuất nông nghiệp, và tình trạng thiếu lương thực.
Bắc Hàn cũng đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt do các chương trình hạt nhân của họ. Tháng trước (10/2021), họ đã phóng thử một hỏa tiễn đạn đạo “kiểu mới” từ một tàu ngầm ở ngoài khơi bờ biển phía đông vào Biển Nhật Bản.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) và Tổ chức Nông Lương (FAO) cho biết có khoảng 6 triệu người, tức một phần tư dân số nước này, bị suy dinh dưỡng.
Mặc dù vậy, chính phủ Bắc Hàn đã nhiều lần từ chối các đề nghị viện trợ quốc tế.
Việc chăn nuôi thiên nga đen và tán dương những lợi ích cho sức khỏe mà chúng mang lại diễn ra ngay sau khi nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong-Un nói trong một bài diễn văn hôm 29/09 rằng để đem đến cho người dân Bắc Hàn một “cuộc sống ổn định và sung túc, thì cần đặt nỗ lực chủ yếu vào việc phát triển nông nghiệp,” đồng thời lưu ý rằng đảng [cầm quyền] của mình sẽ quyết tâm “xóa bỏ hoàn toàn vấn đề lương thực trong tương lai gần bằng cách nhanh chóng phát triển sản xuất nông nghiệp.”
Nhà [lãnh đạo] độc tài này cũng kêu gọi rằng “dứt khoát phải gia tăng chăn nuôi dê và gia súc và tiến hành ồ ạt phong trào chăn nuôi thỏ” như đã đề ra trong “chính sách thu hoạch thịt từ gia súc ăn cỏ trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc của Đảng này.”
Vào tháng Sáu, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thừa nhận một cuộc khủng hoảng lương thực trên cả nước, và nói với các nhà lãnh đạo cao cấp rằng, “tình hình lương thực của người dân hiện đang trở nên căng thẳng.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: