Bà Yellen: Sự bế tắc của Hạ viện trước gói viện trợ ngoại quốc 95 tỷ USD ‘chẳng khác gì một món quà’ dành cho ông Putin
“Khi Hạ viện tiếp tục trì trệ, Nga đang giành được vị thế và Ukraine buộc phải hạn chế đạn dược và vật tư,” bà Yellen nói.
Hôm thứ Năm (07/03), Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã chỉ trích Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện vì đã không phê chuẩn các gói tài trợ mới nhằm viện trợ cho các lực lượng Ukraine trong cuộc chiến với Nga, xem sự phản đối của Đảng Cộng Hòa “chẳng khác gì một món quà” dành cho Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin cùng các nước đối thủ khác của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.
Trong bài diễn văn trước giới báo chí trước cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Năm (07/02), bà Yellen nhắc lại lời kêu gọi của chính phủ TT Biden yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) sắp xếp một cuộc bỏ phiếu về khoản viện trợ bổ sung trị giá 95 tỷ USD bao gồm khoảng 61 tỷ USD chi tiêu mới liên quan đến Ukraine và hàng chục tỷ USD nữa để viện trợ cho cuộc chiến của Israel chống lại nhóm khủng bố Hamas ở Gaza cũng như củng cố các liên minh và quan hệ đối tác trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Khi Hạ viện tiếp tục trì trệ, Nga đang giành được vị thế và Ukraine buộc phải hạn chế đạn dược và vật tư,” bà Yellen nói. “Hạ viện phải hành động và thể hiện sức mạnh trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho Ukraine trước cuộc xâm lược của ông Putin. Sự thụ động của Quốc hội chẳng khác nào một món quà dành cho ông Putin, Iran, cùng những nước đối thủ khác đang chống lại Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ.”
Hồi tháng Hai, gói chi tiêu bổ sung trị giá 95 tỷ USD được thông qua với sự ủng hộ của một số nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát nhưng không có tiến triển mới nào trong những tuần sau đó tại Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát.
Việc bà Yellen mô tả sự chậm trễ trong việc tài trợ Ukraine như một “món quà” dành cho phía Nga cũng tương tự như những lập luận mà các quan chức khác trong chính phủ TT Biden đã đưa ra trong những tuần gần đây.
“Các đồng minh của chúng ta đang lo lắng trước thông điệp mà chúng ta đang gửi đi là không giúp đỡ Ukraine và chắc chắn điều đó đã ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội Ukraine,” Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào tuần trước. “Nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường này, đó sẽ là một món quà dành cho ông Putin và chúng ta chắc chắn không muốn điều đó xảy ra.”
Thế bế tắc
Ông Johnson bị cô lập và áp lực trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về viện trợ Ukraine trong cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc hôm 27/02 với TT Biden, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York). Bất chấp áp lực này, chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng Hòa cho biết việc giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới hiện tại của Hoa Kỳ phải là “ưu tiên hàng đầu” mà tổng thống nên hành động ngay lập tức.
“Đã có một cuộc thảo luận về gói chi tiêu bổ sung và tôi đã nói rất rõ ràng với Tổng thống cũng như tất cả những người tại cuộc họp này rằng Hạ viện đang tích cực theo đuổi và xem xét tất cả các lựa chọn khác nhau về vấn đề đó và chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó một cách kịp thời. Nhưng một lần nữa, ưu tiên hàng đầu của quốc gia là biên giới của chúng ta và bảo đảm biên giới an toàn,” ông Johnson nói sau cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc. “Tôi tin rằng Tổng thống có thể sử dụng quyền hành pháp ngay hôm nay để thay đổi điều đó. Và hôm nay tôi lại nói trực tiếp với ông ấy, cũng như tôi đã nói với ông ấy nhiều lần, cả công khai và riêng tư trong vài tuần qua.”
Một đề xướng trước đó về gói chi tiêu bổ sung đã dẫn đến một thỏa thuận trị giá 118 tỷ USD bao gồm một số điều khoản về an ninh biên giới nhưng có một số nhượng bộ. Thỏa thuận đó quy định một số cơ quan chức năng sẽ đóng cửa các cửa biên giới, nhưng chỉ khi các cuộc chạm trán ở biên giới hàng ngày đạt đến ngưỡng nhất định trong một tuần và bao gồm các biện pháp đẩy nhanh quá trình giải quyết đơn xin tị nạn, nhưng không ngăn cản họ vào. Đảng Cộng Hòa bác bỏ thỏa thuận đó, vì cho rằng nội dung về an ninh biên giới như vậy là chưa đủ. Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã tìm cách khôi phục chính sách “Ở lại Mexico” thời cựu TT Trump, trong đó yêu cầu những người xin tị nạn phải đợi bên ngoài Hoa Kỳ trong khi yêu cầu tị nạn của họ đang được xét xử, thay vì được thả vào Hoa Kỳ để có thể bỏ qua các vụ kiện nhập cư và vẫn được tự do.
Các đề xướng khác về việc tài trợ cho Ukraine
Dân biểu Brian Fitzpatrick (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã đưa ra một dự luật giảm quy mô đối với khoản chi tiêu bổ sung 95 tỷ USD. Dự luật của ông, được tám dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và sáu dân biểu Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đồng bảo trợ, trị giá khoảng 66.3 tỷ USD, bao gồm 47.7 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, 10.4 tỷ USD dành cho các hệ thống phòng không của Israel như hệ thống đánh chặn hỏa tiễn Iron Dome và hệ thống đánh chặn laser Iron Beam, 4.9 tỷ USD cho các đồng minh và đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và 2.4 tỷ USD để giải quyết các khoản chi từ các hoạt động quân sự đang diễn ra của Hoa Kỳ ở Hồng Hải.
Thỏa thuận của ông Fitzpatrick, mà ông gọi là “Đạo luật Bảo vệ Biên giới, Bảo vệ Dân chủ” cũng bao gồm các điều khoản áp dụng lại chính sách “Ở lại Mexico” trong một năm và yêu cầu Bộ trưởng An ninh Nội địa đình chỉ việc nhập cảnh của những người ngoại quốc không được chấp nhận vào biên giới trên đất liền hay trên biển của Hoa Kỳ nếu ông xác định hành động đó là cần thiết để đạt được quyền kiểm soát hoạt động đối với các địa điểm tại biên giới.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) cũng đang nghiên cứu một phương án viện trợ thay thế cho Ukraine. Thông tin chi tiết về thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông McCaul cho biết kế hoạch có thể sẽ thành hình sau khi Quốc hội đạt được thỏa thuận tài trợ cho chính phủ.
“Tôi nghĩ, trước tiên, chủ tịch Hạ viện muốn thông qua quá trình phân bổ ngân sách thông thường, điều này không hề dễ dàng,” ông McCaul nói với CNN hồi tuần trước. “Và sau khi việc đó được hoàn thành, chúng tôi sẽ giải quyết phần bổ sung. Chúng tôi hiện đang soạn thảo một bản thảo.”
Bà Yellen cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với một đề xướng khác sẽ thanh lý khoảng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga để tài trợ cho Ukraine trong tương lai.