Bà Yellen: Giảm một số thuế quan cho thương mại Mỹ-Trung trên nguyên tắc có đi có lại có thể giúp giảm lạm phát
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ kỳ vọng Trung Quốc sẽ thực hiện tốt cam kết mua thêm hàng hóa của Hoa Kỳ theo thỏa thuận thương mại mà cựu Tổng thống Donald Trump đã ký năm ngoái, đồng thời lưu ý rằng việc giảm một số thuế quan trên nguyên tắc có đi có lại có thể là một “kết quả mong muốn” giúp giảm bớt lạm phát.
Bà Yellen đưa ra nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, trong đó bà được hỏi liệu việc dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có thể giảm bớt một số áp lực về giá trong nước ở Hoa Kỳ, nơi lạm phát đang ở mức cao nhất trong 30 năm hay không. Bộ trưởng Bộ Ngân khố đã trả lời rằng thuế quan có xu hướng làm tăng giá đối với các doanh nghiệp trong nước và ít nhất một số chi phí đó có xu hướng được chuyển cho người tiêu dùng, vì vậy việc loại bỏ chúng sẽ có tác dụng “giảm lạm phát”.
Đồng thời, bà Yellen cho biết Hoa Thịnh Đốn đang chờ Trung Quốc thực hiện cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ bổ sung của Hoa Kỳ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một của thời cựu Tổng thống Trump.
Bà nói với Reuters rằng, “Đại diện thương mại của chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ xem xét giảm thuế quan bổ sung. Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra trong giai đoạn một, nhưng sự ổn định và có lẽ cuối cùng việc giảm thuế quan theo cách có đi có lại có thể là một kết quả đáng mong đợi.”
Bà Yellen cũng nhắc lại quan điểm đã lặp đi lặp lại của bà rằng áp lực lạm phát bị thúc đẩy bởi sự lộn xộn của chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, điều đó sẽ giảm bớt một khi các vấn đề về phía cung ứng được giải quyết.
Bà Yellen nói trong một cuộc họp báo ở Dublin, Ireland: “Tôi tin rằng khi chúng ta vượt qua đại dịch, những áp lực này sẽ dịu đi, và theo nghĩa đó, tôi tin rằng lạm phát chỉ là nhất thời, và chúng ta không có một nền kinh tế quá nóng trong dài hạn.”
Trong khi các quan chức Trung Quốc kêu gọi các quan chức Hoa Kỳ hủy bỏ thuế quan áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Trump, chính phủ của Tổng thống Biden đã không có những hành động đáng kể theo hướng đó, mặc dù đã nối lại một quy trình loại trừ có thể dẫn đến việc loại bỏ một số thuế quan.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai trước đây cho biết rằng, Hoa Thịnh Đốn sẽ bắt đầu “quy trình loại trừ thuế quan có mục tiêu” để miễn thuế quan trừng phạt với một số hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc, mặc dù bà cam kết sẽ thúc ép Trung Cộng đàm phán “thẳng thắng” nhằm chấm dứt các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh.
Một trong những cách ông Trump tìm cách giải quyết các chính sách thương mại thù địch của Bắc Kinh và giảm bớt thâm hụt thương mại Mỹ-Trung, mà ông rất chỉ trích, là thông qua đàm phán một thỏa thuận được xây dựng xung quanh cam kết của Bắc Kinh mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong các năm 2020 và 2021.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái theo dõi tình trạng mua hàng của Trung Quốc từ Hoa Kỳ so với các cam kết của tổ chức này, Trung Cộng thực hiện ít hơn nhiều so với cam kết đó. Theo viện nghiên cứu, vào năm 2020, tổng mức nhập cảng thiếu hụt [so với cam kết] của Trung Quốc là 73.2 tỷ USD, tương đương 58% mục tiêu, và đến tháng 09/2021, Bắc Kinh đang trên đà kết thúc năm với mức thiếu hụt khoảng 40% so với cam kết.
Hôm 04/10, bà Tai nói trong một cuộc thảo luận của hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức rằng, trong những thập kỷ gần đây, chế độ Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD trợ cấp của nhà nước vào các ngành công nghiệp mục tiêu như thép, năng lượng mặt trời, và nông nghiệp, dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy ở Mỹ và một “cuộc chơi bên mất bên được (zero-sum) trong nền kinh tế thế giới.”
Bà nói tại sự kiện này rằng, “Trên hết, chúng ta phải bảo vệ — tận cùng — lợi ích kinh tế của chúng ta,” và nói thêm rằng bà sẽ “thực hiện tất cả các bước cần thiết để tự bảo vệ chúng ta trước làn sóng thiệt hại gây ra trong những năm qua do cạnh tranh không lành mạnh.”
Ông Robert Atkinson, chủ tịch của Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ Thông tin, một tổ chức tư vấn chính sách công, nói rằng những nhận xét của bà Tai vào tháng Mười không được như mong đợi.
Ông nói với The Epoch Times: “Tôi rất muốn thấy bà ấy nói rằng, ‘Chúng tôi sẽ cho người Trung Quốc hai tháng [để hoàn thành] cam kết giai đoạn một, còn sau đó, hãy quên nó đi. Chúng tôi sẽ không lãng phí thời gian của mình nữa.”
Ông nói, người Trung Quốc là những bậc thầy về “rope- a -dope” , ám chỉ một chiến thuật do võ sĩ huyền thoại người Mỹ Muhammad Ali đặt ra, trong đó một võ sĩ để cho đối thủ tự làm bản thân mệt mỏi [để có cơ hội ra đòn hạ gục].
Ông Atkinson nói: “Ở đây có một mức độ cấp bách cần phải đối mặt. Người Trung Quốc tiếp tục với chiến thuật này càng lâu thì họ càng có nhiều lợi thế hơn so với chúng ta.”
Eva Fu đã đóng góp vào báo cáo này.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: