Ba thông cáo chung Hoa Kỳ-Trung Quốc đã lỗi thời
Trung Cộng đã vi phạm tinh thần và mục đích của Ba Thông cáo chung.
Việc chính quyền Trung Cộng vẫn đang tiếp tục gây hấn, bao gồm cả đe dọa Đài Loan, là vi phạm tinh thần và mục đích của Ba Thông cáo chung.
Không có hiệp ước hoặc thậm chí là thỏa thuận ngoại giao nào ở dạng thức thấp hơn tồn tại mãi mãi — đặc biệt khi các mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia, tiến triển theo thời gian do những tính toán sai lầm, tiến bộ công nghệ và/hoặc quá trình thay đổi của các sự kiện nhân loại. Cái gọi là “Ba Thông cáo chung” giữa Hoa Kỳ và chính quyền Trung Cộng là một ví dụ điển hình.
Vào thời đỉnh điểm trong Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã “mở cửa Trung Quốc” cho thế giới văn minh qua việc ban hành Thông cáo chung Thượng Hải vào tháng 02/1972 sau khi họ gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong chuyến công du đến Trung Quốc.
Các điều khoản chính yếu của Thông cáo Thượng Hải này bao gồm những điều sau đây. Hoa Kỳ thừa nhận rằng tất cả người Trung Quốc ở hai bên Eo biển Đài Loan đều ủng hộ rằng chỉ có một Trung Quốc, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ không chống lại lập trường đó. Hoa Kỳ tái khẳng định rằng họ mong muốn tự người Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa bình.
Vào thời điểm đó, hành động này đã gây bàng hoàng cho nhiều nhà quan sát Trung Quốc, như cái cách mà cuộc “Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại” của Trung Quốc đã diễn ra, trong đó thanh thiếu niên Hồng vệ binh của Mao Trạch Đông đã thanh trừng cộng đồng những người được cho là “bất đồng chính kiến” ở Trung Quốc, và hàng triệu người đã bị sát hại, bị tra tấn và cầm tù.
Khi mở cửa Trung Quốc, Hoa Kỳ và giới tinh hoa phương Tây — và đặc biệt là các tập đoàn và ngân hàng đa quốc gia — tin tưởng chắc rằng có thể loại bỏ “những thứ quá tàn bạo” như Cách mạng Văn hóa ra khỏi hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), và theo thời gian, có thể đưa Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu một cách hòa bình thông qua các chính sách mở cửa thương mại và tiếp cận thị trường thế giới cũng như công nghệ phương Tây. Tóm lại, tiền bạc được coi là quan trọng hơn ý thức hệ trong việc giảm thiểu hành vi của Trung Cộng. Một sự kiện có ý nghĩa trọng đại không kém đó là, vào năm 1971, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu cho phép Trung Quốc gia nhập vào Liên Hiệp Quốc, để rồi sau đó những người cộng sản Trung Quốc này (Chicom) bắt đầu hối lộ LHQ (Tổ chức Y tế Thế giới là một ví dụ chính trong trận đại dịch suốt hai năm qua). Uy tín quốc tế mà Trung Quốc có được thông qua hành động này, cũng được coi là củ cà rốt nhằm ngăn chặn các hành vi hiếu chiến của Trung Cộng. Tuy nhiên, phải đến sáu năm sau, Hoa Kỳ mới chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) thông qua việc ban hành Thông cáo chung thứ hai.
Vào ngày 15/12/1978, trong một bài diễn thuyết trước quốc dân, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã công bố “Thông cáo chung về việc Thiết lập Mối Bang giao giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa” (“Thông cáo chung Thứ hai”), trong đó chính thức công nhận chế độ cộng sản của CHND Trung Hoa với tư cách là “Chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”, đồng thời “duy trì các mối liên kết về văn hóa, thương mại và các mối liên hệ không chính thức khác với nhân dân Đài Loan”. Đối với nhiều cựu binh Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến, đặc biệt là những người đã chiến đấu ở Đông Á, bản thông cáo chung này được coi là một sự sỉ nhục cá nhân và bỏ rơi hoàn toàn các đồng minh người Trung Quốc theo chủ nghĩa quốc dân của Hoa Kỳ, những người đã đào thoát sang Đài Loan sau khi Trung Cộng nắm quyền kiểm soát đại lục vào năm 1949. Đài Loan trở thành một suy xét lỡ làng của nhiều người thuộc giới tinh hoa Hoa Kỳ đang háo hức gặt hái những lợi ích kinh tế từ việc bình thường hóa quan hệ và kết giao với Trung Quốc.
Thông cáo chung thứ ba — “Thông cáo Chung về việc Bán Vũ khí cho Đài Loan” — được chính phủ ông Reagan ban hành vào ngày 17/08/1982. Mục tiêu chính của Trung Cộng là giảm số lượng vũ khí mà Hoa Kỳ bán cho Đài Loan, mở đường cho việc “không đánh mà thắng” để cuối cùng sáp nhập hòn đảo này với CHND Trung Hoa trong tương lai. Về cơ bản, Hoa Kỳ đã cam kết với tình huống đó bằng tuyên bố từ bản Thông cáo này như sau: “Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng chúng tôi không theo đuổi chính sách bán vũ khí lâu dài cho Đài Loan … và rằng chúng tôi có ý định giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan, và qua một giai đoạn thời gian sẽ đi đến một phán quyết cuối cùng”. Rõ ràng đó là một điềm báo không may.
Sau khi Ba Thông cáo chung này được đưa ra, các công ty đa quốc gia đã bắt đầu một kỷ nguyên mở rộng kinh tế ở Trung Quốc — sự mở rộng mà thế giới chưa từng chứng kiến trước đây. Lao động giá rẻ, hoạt động tài chính dễ dàng, hối lộ/tham nhũng và sức hút của hơn một tỷ người tiêu dùng Trung Quốc đã (và vẫn là) điệp khúc trong bài ca cám dỗ khiến cho Hoa Kỳ và phương Tây dịch chuyển phần lớn những năng lực sản xuất hàng tiêu dùng và những mặt hàng khác của họ sang Trung Quốc, đồng thời biến nước này thành một cường quốc kinh tế trong 40 năm tiếp theo.
Cùng với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, Trung Cộng ngày càng gia tăng sự hiếu chiến và hành vi hung hăng trên trường quốc tế — trên thực tế, là đi ngược lại với những gì mà những người ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc, đã hứa hẹn. Những hành vi hung hăng của Trung Cộng bao gồm:
- Dập tắt cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
- Nạn diệt chủng ở Tân Cương/Đông Turkestan và Tây Tạng.
- Các cuộc giao tranh ở biên giới với Ấn Độ.
- Đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
- Việc mở rộng chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Cộng được tài trợ bởi thặng dư thương mại khổng lồ với Hoa Kỳ.
- Sự hiếu chiến của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
- Che giấu các thông tin chẩn đoán và lâm sàng về COVID-19 trước cộng đồng quốc tế.
- Đe dọa ngoại giao “chiến lang” đối với Đài Loan (và bất kỳ quốc gia nào ủng hộ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Bắc).
- Sự hiếu chiến công khai của các nhà ngoại giao Trung Cộng trong “cuộc họp tại Anchorage”.
- Việc thực thi luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông vi phạm những lời hứa của Trung Cộng về “quyền tự trị trong 50 năm” trong một cơ cấu “một quốc gia, hai chế độ”.
- Lực lượng Không quân PLA tăng cường xâm phạm Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan (ADIZ) trong những tuần gần đây.
Đã đến lúc phải đơn phương đánh giá lại và sửa đổi Ba Thông cáo nói trên, nếu cần thiết. Do sự phản kháng chính trị ở trong nước đối với việc chính phủ ông Carter thẳng thừng cắt đứt [liên hệ với] Đài Loan, nên [Hoa Kỳ] đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan vào năm 1979 để hệ thống hóa các cam kết của mình đối với Đài Loan, bao gồm điều khoản rất quan trọng này: “Hoa Kỳ phải cung cấp cho Đài Loan các vật phẩm quốc phòng và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết để cho phép Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ”.
Cần lưu ý rằng không có một thông cáo nào trong Ba Thông cáo này, đã từng được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, như yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các hiệp ước. Trên thực tế, Đạo luật Quan hệ Đài Loan là một văn bản pháp lý, không giống như Ba Thông cáo đó, và nên được dùng làm cơ sở cho việc sửa đổi chúng (nếu không muốn nói là rút lại hoàn toàn), cũng như là cơ sở cho việc bảo vệ Đài Loan trong tương lai trước sự xâm lược của Trung Quốc.
Trong Thông cáo Thượng Hải, Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố có điều kiện rất quan trọng: “[Hoa Kỳ] sẽ giảm dần lực lượng và các cơ sở quân sự của mình trên Đài Loan khi căng thẳng trong khu vực này giảm bớt”. Các điều kiện này chắc chắn đã thay đổi kể từ khi Thông cáo đó được ban hành! Sự đe dọa của Hải quân PLA, Lực lượng Không quân PLA, và đoàn thể các nhà ngoại giao đối với Đài Loan, đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, và trở nên gay gắt trong những tháng gần đây. Vì căng thẳng trong khu vực này trên thực tế đang gia tăng, nên Hoa Kỳ cũng cần tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan – về mặt vật chất, pháp lý, và tâm lý.
Thông cáo thứ hai chứa đựng giả định này: “Việc bình thường hóa — và các mối liên kết thương mại và văn hóa mở rộng mà nó sẽ mang lại — sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng của chính Đất nước chúng ta, cho lợi ích quốc gia chúng ta, và nó cũng sẽ tăng cường sự ổn định của Á Châu”. Tuyên bố này đã được chứng minh là sự mơ tưởng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mà nó đã luôn là như vậy. Ngoài những hành động gây hấn kể trên, những tác động kinh tế nghiêm trọng do sự can dự của Trung Quốc vào nền kinh tế của Hoa Kỳ và thế giới, đang ngày càng trở nên minh hiển hơn:
- Sự phụ thuộc và gián đoạn của chuỗi cung ứng, cũng như áp lực lạm phát đi kèm.
- Trung Quốc thao túng các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là các nguyên tố đất hiếm.
- Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ.
- Sự hợp nhất dân sự-quân sự của tất cả các công ty công nghệ cao của Trung Quốc.
- PLA khai thác các công ty công nghệ thông tin (CNTT) của Trung Quốc để phục vụ cho các mục đích giám sát và thu thập dữ liệu.
- Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế trên diện rộng.
- Mua chuộc và hối lộ giới tinh hoa phương Tây.
Không một điều nào trong số những tác động kể trên “đóng góp cho sự thịnh vượng của chính Đất nước chúng ta.” Những hành động nêu trên của Trung Quốc, đặc biệt là hủy bỏ lời hứa mà họ đã tuyên bố là Hồng Kông sẽ có quyền tự chủ trong 50 năm theo cơ chế “một Trung Quốc, hai chế độ”, là một sự phá vỡ cam kết nghiêm trọng của Trung Cộng. Với Hồng Kông là một ví dụ trực tiếp, tại sao mọi người lại tin vào các cam kết của Trung Cộng về một “giải pháp hòa bình” đối với tình hình của Đài Loan chứ? Chế độ Trung Cộng ngày càng hành động đơn phương để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị và kinh tế, trong số đó không có mục tiêu nào bảo đảm cho các cam kết của Hoa Kỳ được thể hiện trong Ba Thông cáo đang suy tàn và vô dụng này.
Kết luận
Chính quyền Trung Cộng ngày càng thể hiện sự hiếu chiến đối với các nhóm dân tộc thiểu số của chính họ, đối với các nước láng giềng, đối với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Sự gây rối loạn dữ liệu chẩn đoán và lâm sàng COVID-19 và sự đe dọa của quân đội Trung Quốc đối với Đài Loan là hai trong số rất nhiều ví dụ. Do đó, Ba Thông cáo chi phối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc đã trở nên vô tác dụng và vì vậy đã lỗi thời. Dưới đây là một vài đường lối hoạt động ngắn gọn được đề xướng cho chính phủ ông Biden:
- Hủy bỏ Ba Thông cáo nói trên, trong đó trích dẫn những thông tin cơ bản nói trên, nhấn mạnh vào sự vi phạm cam kết của Trung Cộng đối với Hồng Kông.
- Tăng thuế đối với các công ty viễn thông và công nghệ tiên tiến khác của Trung Quốc (cho những công ty mới thành lập).
- Chỉ thị cho Bộ Quốc phòng và Giám đốc Tình báo Quốc gia loại bỏ tất cả các thành phần và nội dung của Trung Quốc ra khỏi các hệ thống và mạng lưới tình báo và quân sự của Hoa Kỳ, thay thế chúng bằng các nguồn do Hoa Kỳ (và/hoặc đồng minh được lựa chọn cẩn thận) kiểm soát.
- Viện dẫn các điều khoản của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó cung cấp nền tảng pháp lý để cải thiện đáng kể khả năng tự vệ của Đài Loan, đặc biệt đối với hệ thống phòng không chiến khu, phi cơ tiên tiến, và hỏa tiễn hành trình siêu thanh chống hạm tầm xa.
- Chính thức công nhận Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan), và mở một đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đài Bắc và một đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại Hoa Thịnh Đốn.
- Chính thức cam kết bảo vệ Đài Loan trong trường hợp quân đội Trung Quốc tấn công xuyên eo biển.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa Đài Loan và các quốc gia khác trong khu vực.
Hoa Kỳ đã chính thức ủng hộ một nước Đức bị chia cắt trong Chiến tranh Lạnh và vẫn đang ủng hộ một [bán đảo] Triều Tiên bị chia cắt — tất cả vì lợi ích cho việc bảo vệ nền dân chủ, sự tự do, và quyền tự do. Đã đến lúc cũng cần có một chính sách chính thức để hỗ trợ một Trung Quốc bị chia cắt. Không có lý do gì để duy trì cái ngoại lệ (trò hề) ngoại giao này đã được thỏa thuận theo Ba Thông cáo trên.
Ông Stu Cvrk đã nghỉ hưu với tư cách là thuyền trưởng sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ với nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau, có kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm của một nhà phân tích hệ thống và nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông nhận được một nền giáo dục tự do chính thống, đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho bài bình luận chính trị của mình.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: