Ba phẩm chất tỷ phú Warren Buffett tìm kiếm ở nhân viên
Phù thủy tài chính Warren Buffet đã tiết lộ giá trị quan trọng nhất mà các nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm ở người lao động đó chính là sự chính trực.
Tôi thường trò chuyện cùng các bạn trẻ, những người đang nỗ lực tạo dựng sự nghiệp cá nhân trên trên thế giới trong học thuật, chính trường, hay báo chí.
Câu hỏi nhiều nhất mà tôi gặp đó là: “Lời khuyên hữu ích nhất dành cho giới trẻ đang khởi nghiệp là gì?”
Đáp án của tôi luôn đề cập đến tầm quan trọng của tính nhẫn nại, bởi vì bạn sẽ dễ nản lòng vì những khó khăn trong công việc cùng với vô vàn lần bị từ chối. Có được công việc mà bạn yêu thích không hề dễ dàng khi bạn chưa đủ kinh nghiệm làm việc, và đôi khi, càng khó hơn khi cố gắng duy trì công việc đó nếu bạn ôm giữ một tư duy sai lầm. Và dường như không nhiều người nhận ra điều này.
Theo dữ liệu thống kê cho thấy một tỷ lệ phần trăm đáng sửng sốt về số lượng người Mỹ thừa nhận họ sợ bị mất việc, và điều này đặc biệt đúng với những người lao động trẻ. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Harris, 61% người lao động Hoa Kỳ từ 18 đến 34 tuổi cảm thấy lo lắng vì sợ bị sa thải, trong khi đó, con số này ở những người trên 35 tuổi là 41%.
‘Chúng tôi tìm kiếm những người chính trực’
Một trong những chìa khóa để có một sự nghiệp thành công và bền vững chính là sở hữu các kỹ năng và tư duy mà nhà tuyển dụng cần. Tất nhiên là các nhà tuyển dụng khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau. Phù thủy tài chính Warren Buffet đã tiết lộ những giá trị quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở người lao động.
“Chúng tôi tìm kiếm ba phẩm chất khi tuyển dụng nhân sự, đó chính là: sự thông minh, tính chủ động hoặc tư duy tích cực, và cuối cùng là sự chính trực,” vị “hiền tài xứ Omaha” (biệt danh của ông Warren) tiết lộ. “Và nếu họ không chính trực, hai tố chất đầu tiên sẽ kết liễu bạn, bởi nếu bạn tuyển dụng một người không ngay chính, bạn sẽ ước thà họ ngu ngốc và lười biếng còn hơn.”
Theo chia sẻ của tỷ phú Buffett thì trí thông minh và tình chủ động là phẩm chất quan trọng, nhưng sự chính trực được coi là điều quan trọng nhất. Vậy sự chính trực là gì?
Chính trực được định nghĩa là “đức tính thành thật và có những nguyên tắc đạo đức vững chắc, sự ngay thẳng.” Định nghĩa này có thể giúp ta hiểu được nghĩa của từ này, tuy nhiên vẫn tồn tại chút hạn chế vì không nói hết được hàm ý mà ông Warren Buffet đề cập.
Theo tôi nghĩ, tỷ phú Buffet cần những nhân viên mà ông ấy có thể tin tưởng để giao phó công việc.
Trong khoảng 30 năm làm việc với bao thăng trầm, tôi nhận thấy rằng có hai nhóm người, nhóm thứ nhất: luôn đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn và hoàn thành công việc theo đúng cam kết, và có những người, ngược lại, rất giỏi bạo biện và trốn tránh trách nhiệm.
Tôi từng gặp một tác giả, người này nài nỉ tôi để anh có thể hoàn thành một bài viết. Tôi đã giao cho anh ấy một đề tài, và điều đầu tiên anh ấy làm là nói rằng anh không thể đáp ứng thời hạn mà chính anh ấy đã đề xuất. Tôi không nhớ lý do anh ấy đưa ra, nhưng sau đó, tôi đã tự dặn lòng rằng mình sẽ không hợp tác với nhà văn đó nữa.
Có ý thức trách nhiệm với công việc
Khi tỷ phú Warren Buffett nói rằng ông muốn (có) những người lao động chính trực, tôi cho rằng ông cần những người mà ông ấy có thể tin tưởng để hoàn thành các nhiệm vụ mà họ cam kết, và chắc chắn, đó là những người có trách nhiệm với công việc.
Và ý thức trách nhiệm chính là yếu tố then chốt, bởi vì sẽ có lúc chúng ta bị trễ thời hạn không hoàn thành mục tiêu. Khi điều này xảy ra, nhiều người sẽ dễ dàng chỉ trích người khác, và đổ lỗi cho những yếu tố khách quan khiến cho công việc không đạt được mục tiêu.
Đây là một cách tiếp cận sai lầm.
Một nhân viên chính trực sẽ nhìn thẳng vào vấn đề, thay vì đổ lỗi, họ sẽ tự hỏi: mình có thể làm gì khác hay làm thế nào để có được kết quả tốt hơn không?
Điều này tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực tế lại khó mà thực hiện. Bởi vì chúng ta luôn muốn đổ lỗi cho người khác. Chúng ta luôn muốn bạo biện. Chúng ta muốn chối bỏ trách nhiệm. Đây là điều mà chúng ta, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, dù là trẻ con hay người trưởng thành, người trong gia đình, trong số các đồng nghiệp và ngay cả chính chúng ta vẫn thường làm.
“Người ta có xu hướng né tránh hình phạt (sau khi phạm sai lầm) là điều dễ hiểu, và vì rất nhiều người lớn lên trong hoàn cảnh tương tự nên thói quen này ăn sâu cắm rễ (trong mỗi người),” Ryan Ferguson, người đồng dẫn chương trình của The World Wanderers Podcast bình luận. “Tuy nhiên, khi chúng ta trưởng thành, thói quen này cần phải được loại bỏ.”
Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển, Atlas vươn mình (Atlas Shrugged), tác giả Ayn Rand đã sử dụng nhân vật phản diện James Taggart để cho thấy sự chối bỏ trách nhiệm nguy hại và xấu xí như thế nào.Taggart, chủ tịch của tập đoàn Taggart Transcontinental và anh trai của nhân vật nữ Dagny Taggart, không thể chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì. Anh ta không thể đưa ra quyết định nào mà chỉ bào chữa chống chế; và cuối cùng, sự thiếu quyết đoán và yếu nhược của anh đã làm tê liệt cả công ty.
Nhân vật nữ “anh hùng” Dagny, ngược lại, chịu trách nhiệm bảo đảm rằng đường ray xe lửa hoạt động bình thường mỗi lượt ra vào. Hãy xem lại đoạn hội thoại sớm xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết này, khi Dagny cho anh trai biết rằng cô dự định tái thiết đường ray Rio Norte Line đang xuống cấp bằng thứ kim loại mới được sản xuất bởi kỷ nghệ gia Hank Rearden.
“Các cơ quan chức năng của ngành luyện kim đang hoài nghi về kim loại mới được sản xuất bởi Rearden,” James Taggart nói.
“Bỏ thói đó đi Jim,” [cô em đáp lại].
“Được, vậy thì đó là ý kiến của ai?”
“Em không cần hỏi ý kiến của ai cả.”
“Vậy nhận định đó bắt nguồn từ đâu?”
“Từ việc đánh giá.”
“Đánh giá của ai?”
“Của em”
“Em nghe tư vấn từ ai?”
“Không ai cả.”
“Làm sao mà em biết về thứ kim loại của Rearden?”
“Đó là vật liệu tốt nhất trên thị trường hiện nay.”
“Vì nó cứng hơn cả thép, mà lại rẻ hơn thép, và độ bền thì cao hơn mọi loại kim loại trên thị trường.”
“Nhưng mà ai đã nói thế?”
“Jim, em học chuyên ngành kỹ sư tại trường đại học. Khi em nhìn thấy vật liệu đó, em có thể tự đánh giá.”
“Em thấy điều gì?”
“Công thức chế tạo của Rearden và những thử nghiệm mà ông ấy cho xem.”
“Ừm, nếu nó tốt, chắc chắn đã có ai đó sử dụng, vậy sao chẳng có ai dùng.”
Jim tức giận, và càng cảm thấy lo lắng: “Làm sao mà em biết nó tốt? Sao em chắc chắn thế? Sao em có thể quyết định được?”
“Ai đó đã quyết rồi Jim. Là ai vậy?”
James Taggart cuối cùng đã “nhường nhịn” cô em gái, tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng anh không chịu trách nhiệm cho quyết định trên.
“Em chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ?”
“Vâng.”
“Vậy thì làm đi,” người anh nói, “Nhưng mọi rủi ro em phải chịu. Anh sẽ không hủy nó, nhưng anh sẽ không nói gì với hội đồng quản trị.”
“Anh muốn nói gì thì tùy anh.”
Cách tạo dựng niềm tin
Tôi không biết liệu ông Warren Buffet đã từng đọc tiểu thuyết “Atlas vươn mình” hay chưa, và cũng không ám chỉ rằng tỷ phú là một người hâm mộ tác giả hay ông ấy là người theo chủ nghĩa khách quan.
Điều mà tôi đang nói là một nhân viên chính trực là người dám chịu trách nhiệm. Người ấy sẽ là một nhân viên mà bạn có thể tin cậy, (bạn có thể tin tưởng) khi cá nhân ấy cam kết hơn là (đặt niềm tin vào) một nhân viên luôn viện cớ hoặc đùn đẩy công việc người khác. Đó chính là phẩm chất mà nhà tuyển dụng mong muốn.
“Chịu trách nhiệm khi có sai lầm là điều tối quan trọng để tạo dựng niềm tin ở người khác, và học hỏi từ chính những sai lầm của bản thân ,” Ferguson viết. “Đây là một trong những điều quan trọng nhất để có một cuộc sống viên mãn, nhưng rất nhiều người lại học điều ngược lại khi trưởng thành.”
Và nhân vật James Taggart là một trong số những người ấy.
Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ: hãy lấy nhân vật Dagny Taggart làm kiểu mẫu.
Bài viết được đăng trên trang FEE.org. Đọc bài gốc.
Song Ngư biên dịch
Tiên Tiên biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: