Bà Pelosi rời Đài Loan sau cuộc gặp với các nhà hoạt động dân chủ, chủ tịch TSMC
ĐÀI BẮC, Đài Loan — Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã rời Đài Loan để đến Hàn Quốc sau khoảng 19 giờ dừng chân tại hòn đảo này. Mặc dù chuyến ghé thăm ngắn ngủi, nhưng bà Pelosi đã trở thành quan chức Hoa Kỳ cấp cao nhất đến thăm hòn đảo tự trị này trong vòng 25 năm.
Bà Pelosi rời đi vào khoảng 6 giờ chiều theo giờ địa phương hôm 03/08. Trước khi rời đi, bà đã gặp ông Mark Lưu, chủ tịch tập đoàn sản xuất chất bán dẫn TSMC có trụ sở tại Đài Loan, theo ông Kha Kiến Minh (Ker Chien-ming), một nhà lập pháp cao cấp của đảng cầm quyền.
Ông Kha nói với truyền thông địa phương rằng bà Pelosi và ông Lưu đã bàn về các vấn đề liên quan đến Đạo luật CHIPS và Khoa học, mà vốn hiện đang chờ Tổng thống Joe Biden ký sau khi Quốc hội thông qua dự luật này hồi cuối tháng Bảy. Vào thời điểm phát hành bản tin này, cả bà Pelosi và TSMC đều không có bình luận gì về cuộc gặp mặt.
Trọng tâm của dự luật đó cung cấp hơn 52 tỷ USD tiền trợ cấp cho ngành công nghiệp chất bán dẫn của Hoa Kỳ. Tổng cộng, dự luật sẽ phân bổ 280 tỷ USD tiền trợ cấp, giảm thuế, và các khoản tiền tài trợ nghiên cứu để thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn trong nước.
Hoa Kỳ coi TSMC là một nhà cung cấp quan trọng, vì nhà sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới này là một trong số ít các công ty trên toàn cầu có khả năng sản xuất các vi mạch bán dẫn tiên tiến nhất, vốn cung cấp năng lượng cho tất cả mọi thứ từ điện thoại di động đến hệ thống hỏa tiễn.
Tháng 05/2020, TSMC công bố kế hoạch sẽ đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy với công nghệ xử lý 5-nm của họ tại Arizona. Trong một bài đăng trên LinkedIn hồi tháng trước, công ty này cho biết nhà máy ở Arizona của họ vẫn “đúng thời hạn và đúng tiến độ” để bắt đầu sản xuất vào năm 2024.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, ông Lưu nói rằng các nhà máy TSMC ở Đài Loan sẽ trở nên “không thể hoạt động” trong trường hợp bị xâm lược hoặc tấn công quân sự. Về lý do, thì ông giải thích rằng việc sản xuất chất bán dẫn cần có “kết nối thời gian thực” với các đối tác khác nhau trên thế giới.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình mặc dù thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ cai trị hòn đảo này. Chế độ cộng sản chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan về dưới trướng của mình.
Do đó, ĐCSTQ đã phản ứng giận dữ với chuyến thăm của bà Pelosi, tin rằng chuyến đi như vậy khẳng định tình trạng độc lập trên thực tế của hòn đảo này. Ngay sau khi bà Pelosi đến Đài Loan vào đêm muộn hôm thứ Ba (02/08), chế độ cộng sản đã thông báo họ sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở sáu khu vực xung quanh Đài Loan từ ngày 04 đến 07/08.
Hôm 03/08, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra một tuyên bố cáo buộc bà Pelosi đã thực hiện một chuyến đi “khiêu khích chính trị”. Ông Vương cũng cáo buộc Hoa Kỳ là “kẻ hủy diệt lớn nhất” đối với hòa bình và sự ổn định khu vực ở Eo biển Đài Loan.
Các nhà hoạt động
Ngay trước khi rời Đài Loan, bà Pelosi đã gặp gỡ một số nhà hoạt động tại một công viên tưởng niệm địa phương. Theo truyền thông địa phương, cuộc gặp của họ kéo dài hơn một giờ.
Trong số những người tham gia cuộc gặp có ông Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu’er Kaixi), một thủ lĩnh sinh viên trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989; ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing-kee), một người bán sách hiện sống ở Đài Loan sau khi chạy khỏi Hồng Kông; ông Lý Minh Triết (Lee Ming-che), một nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan, và ông Bawa Kelsang Gyaltsen, đại diện của Chính phủ Trung ương Tây Tạng tại Đài Loan.
Nói với giới báo chí sau cuộc họp, ông Lâm cho biết ông đã hỏi bà Pelosi liệu Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn để giúp những người Hồng Kông mong muốn rời khỏi thành phố đó hay không.
Nhiều người đã chạy khỏi Hồng Kông để tránh bị chính quyền Hồng Kông truy tố vì tham gia vào phong trào ủng hộ dân chủ bắt đầu vào tháng 06/2019. Nhiều người khác đã rời đi vì những lý do như xói mòn quyền tự do, sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc đối với thành phố này vào năm 2020 để dập tắt bất đồng chính kiến.
Hiện tại, hai dự luật trình trước Quốc hội nhằm mục đích nới lỏng các hạn chế nhập cư đối với những người Hồng Kông muốn rời khỏi thành phố của họ là Đạo luật Tự do và Lựa chọn của Người dân Hồng Kông (H.R.4276) và Đạo luật Cảng An toàn Hồng Kông (S.295/H.R.461).
Ông Lý Gia Siêu (John Lee), trưởng đặc khu Hồng Kông, cũng đã chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 03/08, ông Lý nói chuyến thăm này tương đương với việc “ngầm phá hoại sự ổn định của Eo biển Đài Loan”.
Ông Kelsang Gyaltsen cho biết ông đã nói với bà Pelosi về tình hình đang xấu đi ở Tây Tạng, nơi mà văn hóa và tôn giáo địa phương đang bị xóa sổ do các chính sách của ĐCSTQ trong khu vực đó.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.