Bà Pelosi, ông Schumer tìm cách đưa biện pháp đình chỉ giới hạn nợ vào dự luật nhằm ngăn chính phủ đóng cửa
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã thông báo trong tuần này rằng Đảng Dân Chủ sẽ kết hợp một dự luật tài trợ ngắn hạn của chính phủ với một biện pháp đình chỉ giới hạn nợ của Hoa Kỳ, trong một nỗ lực nhằm tránh việc chính phủ phải đóng cửa.
Trong một tuyên bố chung hôm 20/09, bà Pelosi và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) cho biết “Người dân Hoa Kỳ kỳ vọng các đồng sự Đảng Cộng Hòa của chúng tôi sẽ làm tốt chức trách của họ và hoàn trả các khoản nợ mà họ đã giúp tạo ra một cách tự hào trong gói COVID ‘908’ tháng 12 năm 2020, vốn giúp cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ quay cuồng với cuộc khủng hoảng COVID.”
Theo tuyên bố trên, các thành viên Đảng Dân Chủ sẽ cố gắng thúc đẩy dự luật trước thời hạn 30/09 để cấp quỹ cho chính phủ.
Tuyên bố cho biết, “Cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều có những ưu tiên mà họ muốn được giải quyết trong quy trình phân bổ [ngân sách] thông thường cho Năm Tài chính 2022 và việc gia hạn ngân sách của chính phủ đến hết tháng 12 sẽ cung cấp một khoảng thời gian thích hợp để quy trình lưỡng đảng, lưỡng viện hoàn thành.”
Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội đã có tín hiệu phản đối một số gói chi tiêu do Đảng Dân Chủ hậu thuẫn, trong đó có một dự luật điều chỉnh ngân sách (budget reconciliation bill) trị giá 3.5 ngàn tỷ USD. Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) cho biết Đảng Dân Chủ phải tự nâng trần nợ, trong khi các thành viên Đảng Cộng Hòa khác đã lặp lại tuyên bố của ông trước báo giới.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội cho rằng bằng cách nâng giới hạn nợ, Đảng Dân Chủ sau đó sẽ sử dụng tiền để chi trả cho các gói chi tiêu lớn, bao gồm cả dự luật trị giá 3.5 ngàn tỷ USD.
Ông Doug Andres, phát ngôn viên của ông McConnell cho biết hôm 16/09 rằng trong một cuộc điện đàm một ngày trước, vị lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện này “đã nhắc lại với Bộ trưởng [Ngân khố] [Janet] Yellen những gì ông ấy đã nói công khai kể từ tháng Bảy: Đây là một chính phủ do Đảng Dân Chủ nhất thống, đang thực hiện việc đánh thuế một cách khinh suất và tiêu xài hoang phí theo kiểu đảng phái. Họ sẽ phải tự mình nâng trần nợ và họ có các công cụ để làm điều đó.”
Tuyên bố chung được đưa ra sau khi chính phủ Tổng thống Biden, trong một bức thư gửi các thống đốc, đã cảnh báo rằng giới hạn trần nợ có thể bị vượt quá và có khả năng gây ra suy thoái kinh tế.
Tòa Bạch Ốc nêu rõ trong một bức thư hôm 17/09, “Việc chạm trần nợ có thể gây suy thoái kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng và thị trường lao động có thể mất hàng triệu việc làm.”
Hồi tháng Bảy, Quốc hội đã bỏ lỡ thời hạn đình chỉ hoặc nâng giới hạn nợ, khiến bà Yellen đưa ra một số cảnh báo gần đây rằng cơ quan của bà sẽ cạn kiệt dự trữ tiền mặt và hiện đang sử dụng “các biện pháp phi thường” để tài trợ cho chính phủ liên bang và các chương trình khác nhau. Quốc hội hồi tháng Bảy năm 2019 đã thông qua một dự luật đình chỉ trần nợ trong hai năm.
Bà Yellen trước đây từng nói với các nhà lập pháp rằng việc vỡ nợ của Hoa Kỳ sẽ “gây ra những hậu quả kinh tế vô cùng thảm khốc,” nói rằng phần lớn số nợ đã tích lũy trước khi chính phủ Tổng thống Biden lên nắm quyền hồi tháng Một năm 2021. Bà cho biết Hoa Kỳ có thể chạm trần nợ vào tháng Mười.
Ông Jack Phillips là một phóng viên cao cấp của The Epoch Times tại New York.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: