Bà Pelosi: Lên tiếng vì nhân quyền ở Trung Quốc cũng chính là “tôn vinh các giá trị của chúng ta”
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 18/02, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) cho biết rằng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc chính là để thúc đẩy các giá trị của Hoa Kỳ, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia và nền kinh tế của Hoa Kỳ.
“Tôi đã làm việc về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc trong hơn 30 năm kể từ [vụ thảm sát trên] Quảng trường Thiên An Môn. Điều thực sự quan trọng là thế giới cần biết rằng nhân quyền là một phần trong hệ thống giá trị của chúng ta,” bà Pelosi nói trong một cuộc họp báo để trả lời câu hỏi của The Epoch Times.
Việc bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới tốt hơn cũng chính là nói về “an ninh quốc gia của chúng ta, về quân đội và sức mạnh của chúng ta. Đó là về nền kinh tế của chúng ta,” bà nói. “Chúng ta không thể hy sinh cái này cho cái kia.”
“Tôi trân trọng chính phủ này vì đã tôn vinh các giá trị của chúng ta. Cách chúng tôi đối đãi với vấn đề này ư, chỉ là đang cân nhắc được mất,” Chủ tịch Hạ viện trả lời khi được hỏi rằng chính quyền mới cần thực hiện những chính sách gì để thay đổi hành vi nhân quyền của Bắc Kinh.
“Cho dù đó là dạng chính sách gì, tôi hy vọng rằng nó sẽ thay đổi hành vi nhất định ở Trung Quốc liên quan đến Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương.”
Trong cuộc gặp mặt cử tri ở Wisconsin hôm 16/02, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với “những hậu quả” vì những hành vi vi phạm nhân quyền của họ. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ tái khẳng định lại vai trò của mình trong việc lên tiếng vì nhân quyền tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác.
Tuy nhiên, TT Biden đã hứng chịu chỉ trích vì nói rằng “xét về mặt văn hóa, mỗi quốc gia có những chuẩn mực hành xử khác nhau” khi được hỏi về việc Bắc Kinh đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng viễn tây Tân Cương.
Hôm 19/01, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đương thời Mike Pompeo đã chỉ rõ cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc là sự diệt chủng và là “tội ác chống lại loài người.” Chính phủ TT Biden đã đồng tình với nhận định này.
Trong phiên điều trần chuẩn thuận của mình hồi tháng trước, Ngoại trưởng Antony Blinken đã ủng hộ nhận định của người tiền nhiệm rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng ở Tân Cương.
Sự đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, được tiến hành thông qua mạng lưới các trại giam giữ và hệ thống giám sát hàng loạt, đã khiến quốc tế lên án. Theo ước tính của chính phủ Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ mà không có lệnh bắt giam nào trong các trại giam ở Tân Cương.
Chính phủ cựu TT Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm vì những hành vi tàn bạo ở khu vực này. Họ cũng áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương vì có các thông lệ cưỡng bức lao động.
“Việc định danh rõ hành vi tàn bạo của Trung Quốc ở Tân Cương là tội ác diệt chủng là một kỳ tích không nhỏ. Chính phủ mới đồng tình với chúng tôi và điều đó rất đáng yên tâm,” ông Miles Yu, cựu cố vấn cao cấp về chính sách Trung Quốc của ông Pompeo, nói với chương trình “Các Nhà Lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ” của The Epoch Times.
Theo ông Yu, việc định danh này mang ý nghĩa lớn vì nó đòi hỏi chính phủ mới phải xây dựng một loạt các chính sách cả quốc tế và trong nước để gây áp lực lên chế độ diệt chủng đó.
Bà Pelosi cho biết bà “tự hào về” việc định danh tội diệt chủng vì nó gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Cộng. Bà nói, đây cũng là một “tuyên bố mạnh mẽ” dành cho những người đã bị Trung Cộng giam giữ và bức hại mà không có lệnh bắt giam nào.
“Điều quan trọng là chúng ta phải lên tiếng để những người đó biết rằng họ không bị lãng quên.”
Bà Pelosi cũng nói rằng việc bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc là một vấn đề mang tính lưỡng đảng, đồng thời lưu ý rằng nhiều nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đồng quan điểm, bao gồm Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) và Dân biểu đã nghỉ hưu Frank Wolf (Cộng Hòa-Virginia), “đã hoạt động xuất sắc về nhân quyền trên khắp thế giới.”
“Họ đã chấp nhận rủi ro, họ đã đến các trại tù lao động để thu thập bằng chứng để chúng tôi có thể chứng minh quan điểm của mình ở đây.”
Do Emel Akan thực hiện
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: