Ba nguyên tắc cơ bản trong giáo dục bé trai
Gần đây, một phụ huynh đã than thở với tôi rằng: Có hôm con trai tôi thực hiện rất tốt những điều tôi hướng dẫn – nhưng vào ngày tiếp theo, cậu bé lại thể hiện như chưa bao giờ được học các quy tắc ấy. Liệu có cách gì giúp cho tôi và con trai mình có thể nhất quán hơn với nhau không?
Những gì mà vị phụ huynh này mô tả về vấn đề với con trai mình khá là kinh điển trong quá trình phát triển của bé trai. Kỹ năng của các cậu bé dường như chỉ xuất hiện vào một ngày nào đó một cách kỳ diệu để rồi biến đi đâu mất vào ngày tiếp theo.
Bạn cứ phải vất vả liên tục để các cậu rời khỏi nhà đúng lúc hay thúc các cậu đi ngủ đúng giờ. Các bậc cha mẹ mô tả hiện tượng này giống như một bóng đèn có công tắc bị mòn vậy, cứ chớp tắt liên hồi.
[Tuy nhiên,] những gì thực sự đang âm thầm phát triển [trong các bé trai] hoàn toàn không phải là đang bị cũ mòn hay biến mất đâu. Đó là quá trình học hỏi của trẻ. Vỏ não trước của bé đang phát triển và có rất nhiều tế bào thần kinh được thêm vào hoặc mất đi [trong quá trình này].
Vậy thì, trong khi đợi tế bào thần kinh được bổ sung vào, hãy tập trung vào ba nguyên tắc cơ bản trong giáo dục bé trai, những nguyên tắc quan trọng cho sự thành đạt của một bé trai [về sau]. Và vì thế, đôi lời nhắc nhở dành cho bạn sẽ không uổng phí đâu.
Đối với những bé gái hiếu động, bạn cũng có thể áp dụng ba nguyên tắc cơ bản trong giáo dục bé trai này và chúng cũng sẽ rất hữu ích. Hãy xem những nguyên tắc này như một câu thần chú của riêng bạn, và hãy lưu ý rằng sự thay đổi sẽ không xảy ra một sớm một chiều – các bé vẫn có thể xảy ra một ít những hành vi không nhất quán – chí ít là cho đến khi các bé lên sáu hoặc bảy tuổi.
Dưới đây là ba nguyên tắc cơ bản trong giáo dục bé trai:
- Tập cho con bạn luôn nhìn vào mắt bạn mỗi khi bạn gọi bé. Nếu bạn không dạy con như vậy, bạn đang vô tình tập cho con cách không giao tiếp bằng mắt khi bạn {người lớn} đang trò chuyện hoặc gọi bé. Hãy tiên liệu mọi vấn đề mà con trai bạn sẽ gặp phải khi giáo viên gọi tên mà bé không có phản xạ nhìn về phía họ. Cần phải bắt buộc con làm như vậy và thực hiện điều này mọi lúc có ai đó gọi bé!
- Dặn dò con chăm chú lắng nghe, bởi bạn sẽ yêu cầu bé lặp lại những gì bạn sắp nói. Cách này nhằm dạy bé biết tập trung chú ý trong thời gian dài.
- Đưa ra các phần thưởng (không nhất thiết phải thực hiện ngay lập tức). Ví dụ: “Nếu con có thể nói những gì mà cha/mẹ đã bảo con và con vâng lời… con sẽ có thêm 10 phút chơi trên iPad của cha/mẹ”… “Nếu con lặp lại những gì cha/mẹ đã yêu cầu và đi ngủ ngay bây giờ, cha/mẹ sẽ kể chuyện cho con nghe trước khi ngủ – và nếu con không lựa chọn làm vậy, con vẫn có thể thử lại vào ngày mai.”
Và then chốt là ở chỗ … bạn cần luôn giữ được bình tĩnh. Để ba nguyên tắc trên có hiệu quả, sự bình tĩnh của bạn đóng vai trò thiết yếu. Nếu bạn khó chịu hoặc tức giận (và thỉnh thoảng thì ai mà không bị như vậy nhỉ…) thì điều đó sẽ kéo dài khoảng thời gian phát triển tốt nhất của trẻ. Vậy thì đâu là nguyên nhân? Bạn đang vô tình trút mọi sự căng thẳng và kích động vào công việc làm cha mẹ của mình.
Bạn cần lý trí, rõ ràng, nhất quán, không dựa vào cảm xúc [để có thể nuôi dạy con cái được tốt]. Những người hay dâng trào cảm xúc rất dễ khiến người khác mất tập trung. Và các bé trai càng có lý do để tranh cãi với cha mẹ. Các bé sẽ khăng khăng làm theo ý mình chỉ để chứng tỏ khả năng của chúng.
Nếu bạn thường hay nhắc nhở con mình thì bạn cũng đang trì hoãn sự phát triển của bé. Cậu bé sẽ không thể phát triển kỹ năng riêng của mình nếu bạn cứ làm hết mọi việc cho bé.
Càng nhỏ, những đứa trẻ càng cần được nhắc nhở và giúp sức… nhưng tôi đã chứng kiến nhiều thanh thiếu niên tuy đã lớn nhưng cha mẹ lại không thể buông tay [để con tự lập] và cứ để mặc cho mọi hậu quả xảy ra. Những bậc cha mẹ này luôn nỗ lực và kiên trì chỉ bảo và đỡ đần con cái (với những chủ đích tốt) nhưng lại luôn dẫn đến kết cục thất bại – và [kết quả] thường là những gã đàn ông trưởng thành rất dễ cáu kỉnh, tức giận.
Các bậc cha mẹ thường có một nhận thức chung rằng tất cả những lời nhắc nhở, đỡ đần hay la mắng sẽ thúc đẩy con phát triển nhanh và tiến gần đến thành công hơn. Nhưng mọi sự lại không diễn ra như thế. Trên thực tế, những điều này sẽ gây phản tác dụng.
Con trẻ sẽ trở nên thờ ơ, lười biếng, dựa dẫm vào người khác để họ thực hiện công việc thay mình. Những việc mà các bé cần tự làm thì lại mất đi hứng thú. Vì vậy, bài học rút ra là hãy vận dụng ba nguyên tắc cơ bản nêu trên.
Hãy thật bình tĩnh.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times