‘Bà mà trở về Trung Quốc, tôi cũng sẽ tống bà vào tù’: Thẩm phán đe dọa cư dân New York
Khi đang lướt web trực tuyến, một cư dân ở tiểu bang New York đã giật mình phát hiện: chồng bà ở Trung Quốc sẽ phải ra hầu tòa trong vài ngày tới, không vì lý do nào khác ngoài việc từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Ông Nhậm Hải Phi (Ren Haifei), 45 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố cảng Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc. [Các học viên của] môn tu luyện tinh thần này đã bị Trung Cộng đàn áp tàn bạo trong hơn hai thập kỷ. Hàng triệu học viên đã bị giam giữ hoặc bỏ tù.
Ông Nhậm phải ra hầu tòa vào ngày 29/07.
Vợ ông, bà Vương Tinh (Wang Jing), biết điều này có ý nghĩa gì: một phiên tòa mang tính hình thức mà gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một bản án nặng nề. Bà cho biết đó chính là cách đối xử mà chế độ cộng sản này dành cho hầu hết các học viên Pháp Luân Công.
“Tôi muốn giải cứu ông ấy ngay bây giờ,” bà Vương, một cựu y tá hiện đang sinh sống ở tiểu bang New York, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.
Bà Vương muốn cứu chồng mình khỏi việc một lần nữa bị cầm tù trong thời gian dài. Trước đó, ông Nhậm từng bị cầm tù bảy năm rưỡi, trong thời gian đó ông đã phải chịu đựng rất nhiều hình thức tra tấn.
Ông Nhậm lẽ ra không bao giờ nên rơi vào tình cảnh này. Lẽ ra ông đã cùng bà Vương đào thoát khỏi Trung Quốc vào năm 2018 sau khi chịu đựng hai thập kỷ đàn áp và sách nhiễu của Bắc Kinh.
Nhưng khi cả hai chuẩn bị rời đi thì cha mẹ già của ông Nhậm đổ bệnh. Ông đã chọn ở lại Trung Quốc để chăm sóc họ.
Lo sợ bị giới cầm quyền Trung Cộng giám sát, trong vòng 3 năm qua, đôi vợ chồng này đã giảm số lần liên lạc với nhau xuống còn không quá một vài cuộc điện thoại đường dài.
Bà Vương chỉ có thể biết về phiên tòa của ông Nhậm nhờ xem Minh Huệ (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ các bài giảng đạo đức xoay quanh các nguyên lý chân, thiện và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến vào những năm 1990, với số lượng lên đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên này, theo ước tính chính thức tại thời điểm đó.
Vì coi đây là một mối đe dọa đối với sự kiểm soát toàn trị của mình, nên Trung Cộng đã phát động một chiến dịch bức hại sâu rộng đối với các học viên Pháp Luân Công vào tháng 07/1999, với mục tiêu loại bỏ nhóm đức tin này.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Bà Vương đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ dân biểu liên bang của bà, nghị sĩ Sean Maloney (Dân Chủ-NewYork), trong một cuộc gặp gỡ cử tri gần đây.
“Chúng tôi ủng hộ cho nhân quyền, cho Pháp Luân Công và cho những người khác,” ông Maloney nói tại cuộc gặp gỡ cử tri hôm 18/07, nơi ông cam kết sẽ gửi một lá thư tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc để kêu gọi trả tự do cho ông Nhậm.
Sau nhiều vòng gọi điện cho các giới chức Trung Cộng, cuối cùng thì gần đây bà Vương đã có thể liên lạc được với thẩm phán Kim Hoa (Jin Hua), người đang thụ lý vụ án của ông Nhậm tại Tòa án Cam Tỉnh Tử của Đại Liên.
Bà Vương nói với bà Kim về tình trạng sức khỏe kém của chồng bà và yêu cầu vị thẩm phán này thả ông ngay lập tức. Bà cũng nhắc đến tuyên bố từ Dân biểu Maloney.
Bà Kim đáp, “Bà thích làm gì thì làm. Bà mà trở về Trung Quốc, tôi cũng sẽ tống bà vào tù.”
Bà thẩm phán [sau đó] đã cúp máy và bà Vương không thể liên lạc lại với bà ta.
Bị bắt mà không có lệnh bắt giữ
Một năm trước, công an đã ập vào căn hộ của ông Nhậm, tịch thu tiền tiết kiệm cùng đồ đạc cá nhân của ông và bắt ông mà không có lệnh bắt giữ.
Trong thời gian bị giam giữ, ông Nhậm được đưa đến phòng cấp cứu sau khi bị công an đánh đập tàn bạo khiến cho [ông bị] suy tim và suy thận. Ông đã phải nằm viện 19 ngày.
Sau đó, trong khi tình trạng sức khỏe [của ông] vẫn vô cùng kém, ông Nhậm bị giam trong một trại tạm giam, nơi các lính canh liên tục cho ông uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Ông không được phép tiết lộ sự việc cho một vị luật sư cho đến nhiều tháng sau đó. Luật sư của ông Nhậm sau đó đã kể lại những chi tiết này cho bà Vương.
Bà Vương cho biết kể từ đó ông Nhậm đã bị chính phủ giam giữ mà không có tội danh.
Sau khi ông Nhậm bị bắt, bà Vương đã gọi điện cho mọi ban ngành hữu quan ở Trung Quốc với hy vọng kết nối được với chồng bà. Tất cả đều cản trở bà liên hệ với ông.
Cuộc sống bị đảo lộn
Vào cuối những năm 90, bà Vương và ông Nhậm là những người đang trong độ tuổi đôi mươi thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau trong các buổi thiền nhóm vào buổi sáng tại một công viên địa phương ở Đại Liên.
“Anh Nhậm là một chàng trai ấm áp, chu đáo và dịu dàng,” bà Vương nói về ấn tượng đầu tiên của mình [về ông]. “Anh ấy luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh.”
Nhưng vào tháng 07/1999, thói quen buổi sáng của họ đã bị đảo lộn khi Trung Cộng phát động cuộc đàn áp chống lại nhóm tu luyện này. Từ đó trở đi, thiền định ngoài trời đồng nghĩa với việc bị công an tuần tra bắt giữ và đánh đập.
Hai ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Vương cùng với hàng ngàn học viên địa phương khác đã đi thỉnh nguyện. Họ xếp thành một hàng và đứng ở cánh đồng rộng lớn trước Tòa thị chính của Đại Liên.
“Không ai lên kế hoạch cho cuộc thỉnh nguyện này,” bà Vương nhớ lại. “Mỗi người chúng tôi đều cảm thấy mình phải làm điều gì đó, vì vậy chúng tôi đã đi.”
“Sau đó, công an xuất hiện. Từng người một, công an lôi các học viên ra khỏi hàng ngũ của chúng tôi. Một số học viên đã bị đánh bất tỉnh và sau đó bị mang đi. Một số bị chảy máu,” bà Vương nói.
“Rất nhiều công an là những người trẻ tuổi. Họ không nói gì trong khi lôi các học viên đi, giống như họ chỉ đang hoàn thành một nhiệm vụ.”
Bà Vương nhớ đã thấy công an mặc thường phục quay video từng học viên có mặt. Nhiều ngày sau, công an bắt đầu xuất hiện trước cửa nhà, nơi làm việc của họ, buộc họ phải ký vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Ngay cả các thành viên trong gia đình cũng bị sách nhiễu và đe dọa.
Ông Nhậm bị bắt vào năm 2001 khi đang ở nhà làm tờ rơi để nói lên chân tướng về tuyên truyền hận thù của Trung Cộng đối với Pháp Luân Công và các học viên của môn tu luyện này. Cuối cùng ông đã bị cầm tù trong bảy năm rưỡi.
Bà Vương bị mất công việc y tá của mình. Bị chính quyền thúc ép, bệnh viện nơi bà làm việc đã chỉ định bà làm người dọn dẹp vệ sinh. Bà Vương nhớ lại, những bệnh nhân trước đây của bà sẽ nhìn bà với vẻ buồn bã khó tin khi họ đi ngang qua.
‘Trả giá bằng máu và nước mắt’
Bà Vương và ông Nhậm đã nối lại tình bạn của họ sau khi ông được trả tự do vào năm 2008.
Bà Vương kể rằng, lúc đầu, bà hoàn toàn không thể nhận ra ông Nhậm được nữa. Chàng trai sôi nổi trong ký ức của bà đã biến mất. Bà cho biết ông Nhậm thường khóc khi kể lại những vụ sát hại tàn nhẫn các học viên xung quanh ông khi ở trong tù.
Vài năm sau, cả hai kết hôn và chung sống đến năm 2018.
Giống như những người khác, ông Nhậm bị tra tấn nghiêm trọng. Ông bị nhốt một mình trong một căn phòng rộng ba mét vuông trong nhiều ngày liền, phải đeo cùm và còng tay. Bà Vương cho biết ông đã phải vật lộn để tìm ra những từ ngữ có thể diễn tả được hết thảy những gì mà ông đã trải qua, ngay cả với người vợ của mình.
“Chồng tôi vẫn kiên định với đức tin của mình và gắng hết sức để đối diện với cuộc sống một cách tích cực,” bà nói. “Nhưng sự u tối đã hằn sâu trong tâm khảm của anh ấy.”
Với việc chỉ còn vài ngày nữa là đến phiên xét xử ông Nhậm, bà Vương hy vọng vào một kỳ tích.
“Ở Trung Quốc, có một nhóm người tốt chỉ muốn giữ vững đức tin của họ. Nhưng họ đang phải trả giá bằng máu và nước mắt,” bà nói.
“Trung Cộng đang hủy hoại cuộc sống của họ và cuộc sống của gia đình họ. Tôi hy vọng những người tốt đến từ cộng đồng quốc tế sẽ chung tay giúp đỡ và đứng về phía công lý.”
Do Shuhan Zhao thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: