Ba loại trà có tác dụng điều dưỡng, ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh hiện đại ngày càng có xu hướng nghiêm trọng trong những năm gần đây. Tuy nhiên ở giai đoạn tiền tiểu đường, khi phát hiện lượng đường trong máu tăng cao, thì vẫn có phương pháp làm giảm lượng đường.
Lúc này có thể khống chế lượng đường từ những thói quen làm việc và nghỉ ngơi cùng với ăn uống trong sinh hoạt thường ngày. Ngoài ra, Trung y còn có loại trà có tác dụng điều dưỡng thể chất nhằm làm giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Các nhân tố làm tăng đường huyết phổ biến: ăn uống không điều độ, thức khuya, béo phì.
Sau khi ăn xong bữa cơm, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ tăng lên, cơ thể sẽ tiết ra insulin để các tế bào sử dụng lượng đường huyết. Nếu lượng đường trong máu vượt quá nhu cầu của tế bào, nó sẽ được chuyển thành chất béo dự trữ. Phương thức hoạt động này có thể giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường. Sự xuất hiện của lượng đường trong máu cao là do xuất hiện sự đối kháng đối với insulin của các tế bào trong cơ thể, tức là hiện tượng “kháng insulin”.
Bác sĩ Lại Duệ Hân (Lai Ruixin), Giám đốc Phòng khám Trung y Hàn Minh Đường tại Đài Loan cho biết, nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin chủ yếu liên quan đến chất lượng, số lượng và tần suất ăn uống:
Về chất: Thói quen ăn uống của người hiện đại là thường ăn những thực phẩm tiện lợi, nhanh chóng nhưng không tốt cho sức khỏe, bao gồm các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Về lượng: Ăn uống quá độ, vì áp lực căng thẳng mà ăn quá nhiều đồ ăn vặt.
Tần suất ăn: Từ bữa sáng, bữa trưa, bữa trà chiều, đến bữa tối, ăn khuya… hết bữa này đến bữa khác không ngừng, sẽ khiến cho lượng đường trong máu thường ở trạng thái cao. Nếu gặp phải thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao, thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao, khiến cơ thể tiết ra Insulin, sau đó lại làm cho lượng đường trong máu giảm xuống đột ngột. Sau khi lượng đường trong máu giảm mạnh, mọi người sẽ lại cảm thấy đói.
Một nguyên nhân phổ biến khác của tình trạng kháng insulin là do viêm nhiễm. Thức khuya, căng thẳng sẽ khiến cho cơ thể dễ bị viêm nhiễm. Chất béo nhiều cũng có thể gây ra hiện tượng kháng Insulin, vì vậy người béo phì rất dễ xuất hiện tình trạng lượng đường trong máu cao và bệnh tiểu đường.
Bữa cơm ăn theo trình tự rau – thịt – cơm, nhằm khống chế đường huyết
Lượng đường trong máu cao có nghĩa là các chức năng của cơ thể không khỏe mạnh, không kiểm soát được lượng đường huyết. Nếu muốn khôi phục các chức năng của cơ thể, cần phải thực hiện một số thay đổi trong cuộc sống thường ngày.
Đầu tiên, hãy điều chỉnh thứ tự trong bữa ăn. Mọi người bình thường có thói quen khi dùng bữa là ăn một miếng cơm và một miếng thức ăn, nhưng đối với những người có lượng đường trong máu cao, thứ tự bữa ăn tốt nhất là: ăn chất xơ (rau củ) trước, tiếp đó là chất đạm (đậu, trứng, thịt), cuối cùng mới là tinh bột (gạo).
Hàm lượng đường trong rau tương đối thấp, hơn nữa chất xơ có thể khống chế đường, giảm sự hấp thụ tinh bột. Protein có tác dụng làm chậm, sẽ không làm cho lượng đường trong máu tăng quá nhanh. Sau khi đã ăn rau và thịt, bạn sẽ cảm thấy hơi no nên sẽ không ăn quá nhiều tinh bột.
Tinh bột có thể ăn ít, nhưng không thể không ăn, vì vậy nên ăn cơm tẻ. Bác sĩ Lại Duệ Hân nói: “Tôi cho rằng cơm là thức ăn rất tốt, ngay cả bệnh nhân tiểu đường cũng nên ăn”. Theo quan điểm của Trung y, gạo trắng (gạo tẻ) rất bổ dưỡng, có ích cho tỳ vị, là món ăn chính rất quan trọng.
Ngoài ra, cần hình thành thói quen vận động, không chỉ có thể tăng cơ giảm mỡ mà còn tăng độ nhạy của tế bào với insulin, giảm hiện tượng kháng insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Đồng thời tránh thức khuya, chất lượng giấc ngủ tốt cũng có tác dụng giảm sự kháng insulin.
4 điểm đơn giản nhận biết chỉ số đường huyết của thực phẩm
Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết (sau đây viết tắt là GI) thấp có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nắm chắc 4 điểm mấu chốt, thì có thể đánh giá mức độ giá trị GI của thực phẩm cao hay thấp.
- Hàm lượng chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ có giá trị GI thấp, thực phẩm ít chất xơ có giá trị GI cao. Bánh mì làm từ lúa mì nguyên chất có nhiều chất xơ hơn so với bánh mì trắng, giúp giữ cho lượng đường trong máu không tăng nhanh.
- Cách nấu: Cơm trắng và cháo đều nấu từ gạo trắng, nhưng cháo có độ hồ hóa cao, dễ hấp thu nên giá trị GI cao. Mì Ý tương đối cứng, dai, là thực phẩm giá trị GI thấp, nhưng nếu nấu mềm nhừ thì giá trị GI cũng sẽ tăng lên cao.
- Mức độ gia công: Ăn cơm sẽ có lợi hơn ăn mì sợi, vì mì sợi là thực phẩm gia công chế biến, còn gạo trắng là thức ăn nguyên trạng.
- Độ chín: Trái cây càng chín thì giá trị GI càng cao, ví dụ như chuối. Bác sĩ Lại Duệ Hân nhắc nhở rằng, rất nhiều người ăn quá nhiều trái cây, nhưng trái cây lại là nguồn cung cấp đường.
Bởi vì hầu hết các loại trái cây đều ngọt, bệnh nhân có lượng đường trong máu cao thích hợp ăn ổi, táo và kiwi xanh. Lượng trái cây ăn vào cũng nên giảm một nửa, hoặc đơn giản là tạm thời không ăn trái cây.
Uống trà điều dưỡng, đảo ngược chứng tăng đường huyết
Bệnh nhân ở giai đoạn tiền tiểu đường nếu được điều trị bằng Trung y, có thể sẽ tránh được việc phát triển thành bệnh tiểu đường. Người có đường huyết cao có thể tìm đến phương pháp điều trị bằng Trung y, hiểu được thể chất của mình, hàng ngày có thể uống loại trà thích hợp để điều dưỡng.
Dưới đây là 3 loại trà có thể uống thường ngày, mỗi ngày một liều. Cách làm là cho tất cả các dược liệu vào nồi, đổ 1,500ml nước vào rồi đun sôi, tắt bếp, tiếp đó đun nhỏ lửa trong 10 phút, cuối cùng lọc bỏ bã lấy nước uống. Bác sĩ Lại Duệ Hân cho biết, Trung y nói về phương pháp điều trị biện chứng, tùy theo thể chất khác nhau sẽ uống loại trà khác nhau, giúp điều hòa thể chất, cải thiện tình trạng kháng Insulin của tế bào.
1. Sa sâm mạch môn thang
Phù hợp với người có thể chất: Những người bị tăng đường huyết do thể chất âm hư táo nhiệt, có các triệu chứng: miệng đắng lưỡi khô, táo bón, lượng nước tiểu ít, lòng bàn tay chân nóng, đổ mồ hôi trộm khi ngủ, tim đập nhanh, rối loạn kinh nguyệt, dạ dày trướng khí, ho khan v.v…
Nguyên liệu: Sa sâm 5 chỉ (10 chỉ là 1 lượng), mạch môn 5 chỉ, ngọc trúc 5 chỉ.
Sa sâm có thể thanh nhiệt giải khát, ngọc trúc dưỡng âm sinh tân, mạch môn nhuận phế dưỡng vị, có thể cải thiện thể chất âm hư táo nhiệt.
Những người có thể chất này dễ sinh hỏa khí lớn, vì vậy còn có thể ăn khổ qua núi có tính thiên hàn để hạ đường huyết.
2. Hoàng kỳ sinh mạch ẩm
Phù hợp với người có thể chất: Bệnh nhân tăng đường huyết có thể chất khí âm lưỡng hư, thân thể cảm thấy nặng nề, dễ có cảm giác đói, khát, mệt mỏi. Và bệnh nhân có thể chất hư hàn, có triệu chứng sợ lạnh, thắt lưng và đầu gối yếu không có lực, dễ tiêu chảy, phụ nữ hay có khí hư.
Nguyên liệu: Mạch môn 5 chỉ, hoàng kỳ 3 chỉ, sâm Mỹ 3 chỉ, ngũ vị tử 2 chỉ.
Mạch môn nhuận táo, hoàng kỳ có thể điều hòa miễn dịch, sâm Mỹ ích khí sinh tân, ngũ vị tử chủ ích tử, bổ thận âm, có thể cải thiện vấn đề mệt mỏi suy nhược.
3. Trần bì phật thủ sơ can ẩm
Phù hợp với người có thể chất: Người bị tăng đường huyết có thể chất can úc tỳ hư, người thể chất này có cảm xúc dễ thay đổi thất thường, khẩu vị không tốt, ăn ít nhưng đường huyết không giảm xuống.
Nguyên liệu: Trần bì 3 chỉ, Phật thủ 3 chỉ, hoa nhài 3 chỉ.
Trần bì có thể thông khí kiện tỳ, Phật thủ làm thông gan tỳ, hoa nhài có thể điều hòa khí gan.
Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ