Ba Lan sẽ không gửi chiến đấu cơ đến Ukraine
Quân đội Ba Lan chưa và sẽ không gửi chiến đấu cơ của mình đến Ukraine để hỗ trợ quân đội nước này chống lại Nga, một thứ trưởng ngoại giao cho biết.
Thứ trưởng Ngoại giao Marcin Przydacz cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Radio Zet rằng: “Chúng tôi sẽ không mở các phi trường của mình và phi cơ của Ba Lan sẽ không chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine… Phi cơ của Ba Lan sẽ không chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine.”
Một phát ngôn viên khác của chính phủ, ông Piotr Mueller, nói rằng quyết định cung cấp phi cơ vẫn đang được thảo luận trong NATO, nhưng cho biết thêm rằng “ở giai đoạn này, có vẻ như một quyết định như vậy sẽ không được đưa ra,” theo một bản dịch tuyên bố của ông, do truyền thông Ba Lan đưa tin.
Hôm Chủ Nhật (06/03), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ đã “bật đèn xanh” cho Ba Lan, một thành viên của NATO, để gửi chiến đấu cơ cho Ukraine.
Ông Blinken nói với CBS News, “Trên thực tế, ngay bây giờ chúng tôi đang nói chuyện với những người bạn Ba Lan của chúng tôi về những gì chúng tôi có thể làm để đáp ứng các nhu cầu của họ nếu họ thực sự chọn cung cấp các chiến đấu cơ này cho Ukraine. Chúng tôi có thể làm những gì? Làm cách nào chúng tôi có thể giúp để bảo đảm rằng họ có thứ gì đó để bù đắp cho chỗ phi cơ mà họ đang giao cho Ukraine?”
Kể từ khi xung đột bắt đầu vào ngày 24/02, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chính phủ của ông đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ và NATO gửi vũ khí, bao gồm cả chiến đấu cơ để bảo vệ không phận của đất nước trước Nga.
Cũng trong hôm Chủ Nhật, Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ Oksana Markarova cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với các bằng hữu và đồng minh của chúng tôi, đặc biệt là người Mỹ, về việc cung cấp ổn định tất cả các loại đạn dược và vũ khí phòng không, vũ khí chống tăng, và phi cơ để có thể bảo vệ đất nước của chúng tôi một cách hiệu quả.”
Nhưng cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga đã cảnh báo các nước khác về việc cung cấp chiến đấu cơ.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với hãng thông tấn Interfax hôm Chủ Nhật rằng: “Việc sử dụng mạng lưới phi trường của các quốc gia này để làm căn cứ cho phi cơ quân sự Ukraine và sau đó sử dụng chúng để chống lại lực lượng vũ trang Nga có thể được coi là những quốc gia này đang can dự vào một cuộc xung đột vũ trang.”
Ông Konashenkov nói rằng, Bộ Quốc phòng Nga đã biết về việc “các phi cơ tác chiến của Ukraine trước đó đã bay tới Romania và các nước láng giềng khác,” mà không nêu thêm chi tiết.
Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Zelensky vẫn luôn kêu gọi thực thi vùng cấm bay đối với Ukraine, điều mà NATO và Tòa Bạch Ốc cho rằng sẽ làm leo thang xung đột.
Khi thông báo rằng vùng cấm bay đang không được xem xét, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên vào cuối tuần trước rằng hành động này sẽ dẫn đến việc các phi cơ quân sự của NATO và Hoa Kỳ phải tấn công các khí tài của Nga để thực thi một chính sách như vậy.
Vào sáng Chủ Nhật, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) nói với ABC News rằng vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc thế chiến khác hoặc có thể là xung đột hạt nhân.
“Vùng cấm bay đã trở thành một câu cửa miệng. Tôi không chắc nhiều người hiểu hết điều đó có nghĩa là gì,” ông Rubio nói với ABC News. “Điều đó có nghĩa là vận hành hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACS) 24 giờ một ngày, nghĩa là sẵn sàng bắn hạ và giao chiến với phi cơ Nga trên bầu trời. Điều đó có nghĩa là, thẳng thắn mà nói, quý vị không thể đưa những chiếc phi cơ đó lên bầu trời trừ khi chúng sẵn sàng loại bỏ các hệ thống phòng không mà người Nga đang khai triển, và không chỉ ở Ukraine, mà cả Nga và cả Belarus,” ông Rubio cho hay.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: