Bà Harris chỉ trích Bắc Kinh vì đe dọa trật tự dựa trên luật lệ khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam
Hôm 26/08, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã lặp lại lời chỉ trích của bà đối với Bắc Kinh vì đã làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong một cuộc họp báo tại Việt Nam chỉ vài giờ trước khi khởi hành về Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bà đã không đưa ra chi tiết về những hành động mà chính phủ ông Biden có thể thực hiện để chống lại sự hung hăng tại Biển Đông và nhằm vào Đài Loan của Bắc Kinh.
Bà Harris nói, “Tôi tin rằng chuyến công du này phát đi những tín hiệu về một sự khởi đầu của chương tiếp theo trong mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.” Bà đến Việt Nam hôm 24/08 sau khi kết thúc chuyến thăm ba ngày tại Singapore.
“Trong suốt chuyến thăm của mình tại đây, tôi cũng đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với tầm nhìn chung của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
“Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để đẩy lùi các mối đe dọa đối với tự do hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Bà Harris đã thẳng thắn lên tiếng phản đối Bắc Kinh trong suốt chuyến công du Á Châu của mình. Khi diễn thuyết tại Singapore hôm 24/08, bà cho biết Bắc Kinh “không ngừng ép buộc, đe dọa và đưa ra các yêu sách đối với phần lớn Biển Đông.”
Trong một cuộc họp song phương với chủ tịch Việt Nam hôm 25/08, bà Harris cho biết cần phải “gia tăng sức ép” đối với Bắc Kinh và “thách thức sự bắt nạt của họ” ở Biển Đông. Bà cũng đã thảo luận về việc nâng cấp mối liên kết song phương lên thành “liên kết đối tác chiến lược.”
Chuyến công du Á Châu của bà Harris – nhằm làm sâu sắc hơn mối liên kết với Singapore và Việt Nam đồng thời thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này – diễn ra vào thời điểm Trung Cộng đang cố gắng làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Nhà cầm quyền này đã nắm bắt cuộc rút lui hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan để khởi động một chiến dịch tuyên truyền hung hăng nhằm gắn nhãn Hoa Kỳ là một đồng minh không đáng tin cậy.
Kênh truyền thông nhà nước hiếu chiến của Trung Quốc-Hoàn cầu Thời báo, trong một bài báo đăng hôm 25/08, đã nói rằng Việt Nam và Singapore “hiểu tường tận về” việc “khiến các đồng minh hy sinh” vì Hoa Kỳ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là như thế nào.
Vào năm 2016, một phán quyết của tòa trọng tài đã bác bỏ các yêu sách về lãnh thổ của Bắc Kinh đối với một khu vực được phân giới bằng “Đường Chín Đoạn.” Bỏ qua phán quyết này, Bắc Kinh thay vào đó đã áp dụng các chiến thuật gây hấn – bao gồm việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo trong vùng biển tranh chấp này – để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình.
Các thủ đoạn gây hấn khác gồm cả việc ngăn cản ngư dân từ các nước khác tiếp cận ngư trường trong vùng biển tranh chấp này.
Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều đang đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong vùng biển này.
Sự gây hấn của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan chủ yếu liên quan đến việc điều các phản lực cơ quân sự của Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ). Ngay trong tháng Tám này, những vụ xâm nhập như vậy đã xảy ra vào 11 ngày khác nhau, gần đây nhất là hôm 25/08, khi một phi cơ tác chiến chống tàu ngầm tiến vào vùng ADIZ, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Trung Cộng cũng đã đe dọa chiến tranh đối với Đài Loan và tổ chức các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo này.
Đài Loan, một quốc gia độc lập trên thực tế, là một nền dân chủ tự trị với quân đội, hiến pháp và tiền tệ của riêng mình. Tuy nhiên, Trung Cộng coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của họ, và phải được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.
“Nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trong khu vực, đặc biệt là ở Đài Loan, thì chính phủ Tổng thống Biden sẽ chuẩn bị làm điều gì khác biệt để ngăn chặn họ, trong bối cảnh dường như không có gì hiệu quả cho đến nay?” một phóng viên hỏi bà Harris.
Phóng viên này cũng hỏi liệu chính phủ Hoa Kỳ có cân nhắc việc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông hay áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng hay không.
Bà Harris đã không bình luận về Đài Loan, khả năng gia tăng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ, hay các lệnh trừng phạt có thể có của Hoa Kỳ.
Bà Harris hồi đáp câu hỏi của phóng viên, “Chúng tôi sẽ lên tiếng khi Bắc Kinh tiến hành những hành động đe dọa đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ này.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì có thể để bảo đảm rằng chúng tôi luôn cam kết với các đối tác và đồng minh của mình về những loại vấn đề quan trọng như thế này.”
Vào ngày 04/08, chính phủ ông Biden đã chấp thuận thương vụ bán vũ khí đầu tiên cho Đài Loan – một gói bao gồm 40 xe đại bác tự hành và 20 xe hỗ trợ đạn pháo dã chiến. Hồi tháng Ba, Đô đốc Hoa Kỳ Philip Davidson, khi đó là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc điều trần trước quốc hội rằng Bắc Kinh có thể xâm lược Đài Loan “trong sáu năm tới.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: