Bà Amy Coney Barrett tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán Tối cao Pháp viện
Bà Amy Coney Barrett đã được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận là thẩm phán Tối cao Pháp viện vào cuối ngày 26/10. Việc này đã trao cho Tổng thống Donald Trump một chiến thắng tư pháp khác trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11.
Hơn một giờ sau cuộc bỏ phiếu, bà Barrett đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc với tư cách là thẩm phán thành viên thứ 115 của Tối cao Pháp viện và là người phụ nữ thứ 5 được phục vụ tại cơ quan này.
Toàn Thượng viện, sau một phiên họp hiếm hoi kéo dài suốt cuối tuần, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 52-48 chủ yếu theo xu hướng đảng phái để xác nhận bà Barrett vào Tối cao Pháp viện. Thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine) là đảng viên Cộng Hòa duy nhất tham gia cùng tất cả các đảng viên Dân Chủ bỏ phiếu chống lại người được đề cử sau khi Thượng nghị sĩ bang Alaskan Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska) cho biết vào cuối tuần vừa qua rằng bà sẽ bỏ phiếu “chuẩn thuận” việc xác nhận.
Việc xác nhận bà đã diễn ra tiếp sau một buổi hội luận kéo dài 30 giờ ở sàn Thượng viện bắt đầu vào ngày 25/10, sau khi việc đề cử gỡ bỏ rào cản về thủ tục để hạn chế tranh luận, cũng chủ yếu là theo đảng phái.
Bà Barrett đã tuyên thệ nhậm chức với sự điều hành của Thẩm phán Clarence Thomas. Buổi lễ do Tổng thống Trump chủ trì được tổ chức tại Bãi cỏ phía Nam với các biện pháp giãn cách xã hội.
“Đây là một ngày quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với Hiến pháp Hoa Kỳ và đối với nền pháp quyền công bằng và khách quan. Trong vài tuần qua, toàn thế giới đã thấy được kiến thức sâu rộng, sự đĩnh đạc tuyệt vời và trí tuệ vượt trội của Thẩm phán Barrett,” ông Trump nói.
Phát biểu trước khán giả sau khi tuyên thệ nhậm chức, bà Barrett nói: “Thật là một đặc ân khi được yêu cầu phục vụ cho đất nước tôi và cơ quan này. Tôi thực sự rất vinh dự và tự hào khi có mặt tại đây đêm nay.”
Bà nói về tầm quan trọng của việc các thẩm phán liên bang bảo đảm không thiên vị bởi những quan điểm chính trị riêng và các ưa thích cá nhân về chính sách.
“Một thẩm phán có nhiệm vụ phải kháng cự lại các ưa thích cá nhân về chính sách. Nếu thuận theo nó thì người đó đã không hoàn thành nhiệm vụ. Các thẩm phán liên bang không tham gia tranh cử, do đó họ không có cơ sở để tuyên bố rằng những chính sách họ thích cũng phản ánh nguyện vọng của người dân.”
Bà nói thêm: “Sự tách bạch nhiệm vụ này là điều làm cho nhánh tư pháp khác biệt trong số ba nhánh của chính phủ. Một vị thẩm phán ra phán quyết độc lập, không chỉ với Quốc hội và Tổng thống, mà còn [phải độc lập] với những niềm tin cá nhân vốn có thể tác động đến vị ấy.”
Chánh án John Roberts đã điều hành lễ tuyên thệ tư pháp cho bà Barrett trong một buổi lễ riêng vào ngày 27/10, Tối cao Pháp viện cho biết trong một tuyên bố. Bà Barrett sẽ bắt đầu tham gia vào công việc của tòa án sau lời tuyên thệ đó. Tòa án cho biết thêm, một buổi lễ phong chức chính thức cũng diễn ra vào một ngày sau đó.
Trước khi tiến hành bỏ phiếu xác nhận, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã đưa ra nhận xét cuối cùng trước Thượng viện: “Tối nay, Thượng viện sẽ đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất trong thẩm quyền. Chúng ta sẽ chuẩn thuận việc bổ nhiệm một vị trí trọn đời tại Tòa án Tối cao của đất nước.”
Ông McConnell nói về bà Barrett: “Đây là một trong những ứng cử viên sáng giá, được ngưỡng mộ và có trình độ tốt nhất trong thời đại của chúng ta. Thưa các đồng nghiệp, dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào, thì Thẩm phán Barrett đều xứng đáng được xác nhận vào Tối cao Pháp viện.”
Bà Barrett, người đang phục vụ với tư cách là thẩm phán liên bang tại Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực số 7, là người thứ ba mà Tổng thống Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện, sau Thẩm phán Neil Gorsuch vào năm 2017 và Thẩm phán Brett Kavanaugh vào năm 2018.
Đảng Cộng Hòa đã thiết lập một lịch trình chặt chẽ để xác nhận bà Barrett trước cuộc bầu cử, làm dấy lên chỉ trích từ các đồng nghiệp Đảng Dân Chủ của họ, những người lập luận rằng người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nên chọn người được đề cử để kế nhiệm Thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg.
Các đảng viên Đảng Dân Chủ cũng phản đối mạnh mẽ đề cử này vì họ tin rằng bà Barrett có thể đe dọa đến luật chăm sóc sức khỏe đặc trưng của cựu Tổng thống Barrack Obama, Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA), vốn đang gặp thử thách trong một vụ kiện hiện đang chờ Tối cao Pháp viện giải quyết. Việc xác nhận sẽ cho phép bà Barrett tham gia nghe phiên tranh biện vào ngày 10/11.
Bà Barrett nói với các thượng nghị sĩ rằng bà không có ác cảm hay chống đối gì với ACA. Trong các phiên điều trần xác nhận của mình, bà đã không cho biết cụ thể cách bà sẽ phán quyết các vụ án.
Bà nói với Ủy ban [tại Thượng viện Hoa Kỳ] rằng: “Tôi không ở đây với nhiệm vụ bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.”
Do thiếu sự hỗ trợ cần thiết để ngăn cản việc xác nhận, các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện đã tổ chức một phiên tranh luận kéo dài cả đêm để phản đối hành động tiếp theo của Đảng Cộng Hòa.
Lãnh đạo thiểu số Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã phản đối các đồng nghiệp Đảng Cộng Hòa, khi cáo buộc họ đạo đức giả vì [trước đây] họ đã từ chối bỏ phiếu cho ứng cử viên Tối cao Pháp viện mà ông Obama đề cử là Thẩm phán Merrick Garland để thay thế cố Thẩm phán Antonin Scalia vào năm 2016, với lý do đã quá gần đến ngày bầu cử. Ông McConnell đã lập luận rằng việc ngừng xác nhận ông Garland là hợp lý vì vào thời điểm đó, Thượng viện và Tòa Bạch Ốc do [các thành viên của] hai đảng khác nhau kiểm soát.
Ông Schumer nói tại Thượng viện rằng: “Sau khi từ chối một ứng cử viên của Đảng Dân chủ vào Tối cao Pháp viện vì chỉ còn 8 tháng là diễn ra bầu cử, thì họ lại chấp thuận một ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa trong khi chỉ còn 8 ngày nữa là đến bầu cử.”
“Thay vì chấp nhận hậu quả từ những lời nói và việc làm của chính mình, phe đa số của đảng Cộng Hòa đang hủy đi tính khả tín của họ. Người dân Hoa Kỳ có thể thấy rất rõ ràng sự đạo đức giả, lật lọng 180 độ này,” ông nói thêm.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (D-Vt.) đã đưa ra vấn đề về việc đề cử sát ngày bầu cử.
“Tôi sẽ không tranh cãi về việc cơ quan này có trách nhiệm xem xét việc thay thế Thẩm phán Ginsburg cho Tối cao Pháp viện. Tôi đã bỏ phiếu cho nhiều thành viên của Tối cao Pháp viện hơn bất kỳ ai trong cơ quan này. Nhưng đây không phải là cách chúng ta nên làm. Không phải trong thời điểm phân cực như vậy đối với đất nước chúng ta khi chỉ một tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, và hơn 57 triệu người dân Hoa Kỳ đã bỏ phiếu,” ông Leahy nói.
Việc xác nhận bà Barrett đánh dấu sự kết thúc của một cuộc chiến đảng phái nhằm định hình tương lai của tòa án hàng đầu của quốc gia, nơi hiện được cho là sẽ có một lực lượng bảo thủ vững chắc trong nhiều năm tới. Trong phiên điều trần xác nhận trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bà Barrett đã cố gắng thể hiện mình là một luật gia trung lập và độc lập.
Bà được yêu cầu đưa ra quan điểm của mình về một loạt vấn đề như phá thai, ACA, biến đổi khí hậu và quyền bầu cử. Tuy nhiên, bà thận trọng tránh bày tỏ ý kiến của mình, mà thay vào đó viện dẫn đến các tiền lệ và quy tắc về hành vi tư pháp.
Từng là giáo sư tại trường luật Notre Dame, bà Barrett đã nhiều lần được ca ngợi về những thành tựu và trình độ của bà. Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah), vốn ban đầu được cho là có khả năng bỏ phiếu chống, đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với ứng cử viên Barrett hôm 26/10.
“Bà ấy đặc biệt thông minh, tinh thông về học thuật, và có kinh nghiệm hoàn toàn phù hợp. Bà ấy là một người phụ nữ có tính cách và sự chính trực không thể chối cãi, sự hiện diện của những đức tính này là điều cần thiết đối với quốc gia của chúng ta, vì sự đáng tin cậy của bản thân Tối cao Pháp viện là ở tính cân bằng,” ông Romney nói tại Thượng viện.