Âu Châu: Giá điện không cạnh tranh làm suy yếu tăng trưởng
Bất chấp chuỗi kích thích tài chính và tiền tệ vô tận, khu vực đồng tiền chung Âu Châu luôn gây thất vọng về tăng trưởng và tạo việc làm. Một trong những lý do [của tình huống này] là nhân khẩu học. Như Nhật Bản cũng có thể khẳng định rằng không có biện pháp kích thích tiền tệ và chi tiêu công nào có thể bù đắp được tác động của dân số già đến tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, có một yếu tố đặc biệt quan trọng có xu hướng bị bỏ qua: sự kém cạnh tranh của ngành công nghiệp khu vực đồng euro do giá điện tăng và không cạnh tranh.
Giá điện dân dụng ở Liên minh Âu Châu (EU) từ năm 2010 đến năm 2014 trung bình khoảng 240 USD/MWh so với mức trung bình gần 120 USD/MWh ở Hoa Kỳ. Giá xăng trung bình cũng đắt gấp đôi ở EU so với Hoa Kỳ (pdf).
Xu hướng này không được cải thiện. Vào năm 2020, giá điện trung bình dành cho người tiêu dùng ở Âu Châu đã tăng 13% so với giá trung bình của 10 năm trước đó.
Trợ cấp cho năng lượng tái tạo đóng một vai trò quan trọng. Ở Đức, giá điện gia dụng đã tăng đáng kể kể từ năm 2006. Giá điện gia dụng trung bình đã tăng 55% từ năm 2006 đến 2019 trong khi nước này đầu tư hơn 150 tỷ euro vào trợ cấp năng lượng tái tạo (pdf). Giá năng lượng chỉ chiếm 23% hóa đơn trung bình của hộ gia đình, trong khi phí phụ trội năng lượng tái tạo chiếm 21% và chi phí của mạng lưới chiếm 24%. Ngày nay, Đức phụ thuộc vào than gần 24% tổng năng lượng và [phụ thuộc vào] khí đốt tự nhiên 16%.
Theo Báo cáo của Strom :
“Thuế và phí tạo ra sự khác biệt lớn nhất. Thị phần của thuế và phí tăng đều đặn, từ 25.6% năm 2011 lên 40.3% năm 2020, với tỷ lệ cao nhất là 66% ở Đan Mạch và 53% ở Đức.”
“VAT [thuế giá trị gia tăng] trung bình ở EU là 15.5% trên tổng giá bán và dao động từ 4.8% ở Malta đến 21.2% ở Hungary.”
Giá năng lượng cao, khi các doanh nghiệp và hộ gia đình phải đối mặt với các khoản thuế lớn và chi phí cố định, là gánh nặng đối với tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Ngay cả ở Đức, nơi các ngành công nghiệp xuất cảng được miễn thuế tái tạo, sự khác biệt với Hoa Kỳ và Trung Quốc về chi phí năng lượng vẫn quá cao và khiến hầu hết các ngành công nghiệp mất khả năng cạnh tranh. Chúng ta phải nhớ rằng chi phí năng lượng có thể chiếm tới 30% tổng chi phí cho một ngành công nghiệp. Chi phí cố định tăng trong hóa đơn năng lượng đồng nghĩa với gánh nặng vốn lưu động đối với các doanh nghiệp, chắc chắn dẫn đến giảm tạo việc làm, vì hai loại chi phí quan trọng nhất đối với các nhà sản xuất công nghiệp là năng lượng và lao động.
Một yếu tố tiêu cực chính ở Âu Châu là chi phí phát thải CO2, đây là một loại thuế ẩn mà các chính phủ thu được từ việc bán giấy phép phát khí thải. Giá giấy phép CO2 đã tăng lên mức cao kỷ lục khi các quốc gia thành viên hạn chế giấy phép và nhu cầu tăng cao. Chi phí này được chuyển trực tiếp cho người tiêu dùng trong khi các chính phủ thu hàng tỷ euro từ việc bán chúng. Khi các mục tiêu cắt giảm khí thải của Âu Châu tăng tốc, loại thuế ẩn này có thể sẽ trừng phạt các nhà sản xuất và người tiêu dùng ở mức độ lớn hơn.
EU chịu trách nhiệm về khoảng 9% lượng khí thải CO2 toàn cầu nhưng chịu 100% chi phí vì phần còn lại của các nền kinh tế lớn không đặt ra gánh nặng như vậy cho người tiêu dùng. Ngoài ra, thuế CO2 đã không tác dụng. Lý do duy nhất khiến lượng khí thải của EU giảm là do tốc độ tăng trưởng của khối này yếu hơn so với các đối thủ trong cùng ngành. Ngay cả Hoa Kỳ cũng đã giảm lượng khí thải nhanh hơn kể từ năm 2007.
Theo The Dispatch, “Lượng khí thải carbon của Hoa Kỳ đã giảm kể từ khi đạt mức đỉnh điểm vào năm 2007 và mức giảm phát thải của Hoa Kỳ đã vượt xa tất cả các quốc gia vẫn đang tham gia Thỏa thuận Paris về lượng khí thải thô. Tuy nhiên, nhiều quốc gia riêng lẻ đã chứng kiến lượng khí thải carbon của họ giảm với tốc độ nhanh hơn của Hoa Kỳ.”
Điều đáng buồn là một số động lực chính của việc giảm lượng khí thải carbon của EU là tốc độ tăng trưởng thấp hơn và việc di dời công nghiệp sang các nước khác. Gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh này không chỉ là một yếu tố tiêu cực đối với các ngành công nghiệp hiện tại, mà còn là yếu tố chính dẫn đến quyết định chuyển địa điểm [của các doanh nghiệp] sang các nước khác.
Các thị trường điện được thiết kế theo [mục đích] chính trị không chỉ khiến EU mất đi khả năng cạnh tranh mà còn kìm hãm tốc độ tăng trưởng tiềm năng và tạo việc làm.
Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch hơn không có gì tiêu cực nếu quá trình chuyển đổi này có tính cạnh tranh và không tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực. Vấn đề ở EU là quá trình chuyển đổi năng lượng đã được thiết kế [theo mục đích] chính trị chứ không phải do cạnh tranh và công nghệ thúc đẩy. Các biện pháp trợ cấp và thuế sai lầm đã dẫn đến chi phí cố định cao hơn và tăng giá đối với người tiêu dùng.
Thay vì các thị trường năng lượng bị can thiệp nhiều, cạnh tranh cởi mở giữa năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên và đổi mới công nghệ sẽ là những lựa chọn thay thế tốt hơn và rẻ hơn.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương” và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: