Argentina, Iran ghi danh gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS có Trung Quốc và Nga
Theo các quan chức, Argentina và Iran đã nộp đơn ghi danh gia nhập để trở thành thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
BRICS bao gồm các nền kinh tế thị trường mới nổi hàng đầu thế giới: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi và tên nhóm này là từ viết tắt của các quốc gia đang phát triển đó, chiếm 42% dân số thế giới và 24% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Theo hãng thông tấn Tasnim, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết hôm thứ Hai (27/06), tư cách hội viên của Iran trong nhóm BRICS “sẽ mang lại giá trị gia tăng cho cả hai bên.” Ông Khatibzadeh lưu ý rằng mặc dù BRICS không phải là một khối hiệp ước, nhưng nhóm có một “cơ chế rất sáng tạo với các khía cạnh rộng lớn.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói trên cho biết thêm rằng Tehran đã có “một loạt các cuộc tham vấn” với BRICS về việc nộp đơn.
Ý tưởng của nhóm lần đầu tiên được Nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, ông Jim O’Neill, trình bày trong một nghiên cứu năm 2001 có nhan đề “Xây dựng Kinh tế Toàn cầu Tốt hơn BRICS” (pdf).
Theo trang web chính thức của chính phủ Nam Phi, các quốc gia BRICS đã tăng tỷ trọng của họ trong GDP toàn cầu lên gấp ba lần trong 15 năm qua và nhóm này đặt mục tiêu “thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển, và hợp tác.”
Theo các quan chức, “nhóm cũng có mục đích đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nhân loại và thiết lập một thế giới bình đẳng và công bằng hơn.”
Trong một tuyên bố riêng hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Argentina cũng đã nộp đơn ghi danh gia nhập nhóm.
Hy vọng trở thành một thành viên
Bà Zakharova viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Trong khi Tòa Bạch Ốc đang suy nghĩ rằng nên ngắt kết nối, cấm, hoặc làm hỏng thế giới, thì Argentina và Iran đã nộp đơn ghi danh gia nhập BRICS.”
Không thể liên lạc với các quan chức Argentina để yêu cầu bình luận tức thì.
Tuy nhiên, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, hiện đang ở Âu Châu, cho biết tại cuộc họp BRICS+ hôm 24/06 rằng đất nước ông hy vọng trở thành thành viên chính thức của hiệp hội.
Ông Fernandez nói: “Chúng tôi rất hăng hái với triển vọng phối hợp các chính sách nhằm nâng cao nghị trình của các quốc gia thuộc nam toàn cầu (global south, trái ngược với các quốc gia phát triển hơn thuộc bắc toàn cầu-global north).”
“Chúng tôi là những nhà cung cấp thực phẩm an toàn và có trách nhiệm, được công nhận trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ logistics ứng dụng. Điều này có nghĩa là chúng tôi không chỉ có khả năng sản xuất và xuất cảng thực phẩm. Chúng tôi cũng biết cách cung cấp dịch vụ và đào tạo các chuyên gia để các quốc gia khác có thể nâng cao hiệu quả sản xuất và từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân,” ông Fernandez nói thêm. “Chúng tôi mong muốn trở thành thành viên chính thức của nhóm các quốc gia này.”
Trong cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin đó, nhà lãnh đạo Argentina cũng kêu gọi “hòa bình ở Ukraine,” trong khi các quốc gia BRICS khác kêu gọi các cuộc đối thoại mới giữa Moscow và Kyiv.
Nhóm cho biết trong một tuyên bố chung, “Chúng tôi cũng đã thảo luận về những lo ngại của chúng tôi về tình hình nhân đạo ở Ukraine và bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) để cung cấp hỗ trợ nhân đạo.”
‘Những hành động ích kỷ của các quốc gia riêng lẻ’
Trước đây Trung Quốc, Ấn Độ, và Nam Phi đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông Putin nói trong cuộc họp trực tuyến BRICS, “Chỉ trên cơ sở hợp tác trung thực và cùng có lợi, chúng ta mới có thể tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng vốn đã phát triển trong nền kinh tế toàn cầu do những hành động thiếu cân nhắc và ích kỷ của các quốc gia riêng lẻ, mà, bằng cách sử dụng các cơ chế tài chính, trên thực tế là đang chuyển những sai lầm về chính sách kinh tế vĩ mô của chính họ lên phần còn lại của thế giới.”
“Chúng tôi tin tưởng rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới cần sự lãnh đạo của các nước BRICS trong việc xác định một tiến trình thống nhất và tích cực để hình thành một hệ thống quan hệ bang giao thực sự đa cực dựa trên các chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế và các nguyên tắc chính của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.