Áo, Bỉ phản đối hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Bắc Kinh
Hoạt động thu hoạch nội tạng của Bắc Kinh một lần nữa đã trở thành tâm điểm chú ý vào tháng 6/2020 khi hai quốc gia châu âu cùng lên tiếng phản đối việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp này.
Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Trung Quốc đã phải đối mặt với các cáo buộc về việc giết chết một số lượng lớn các tù nhân lương tâm và bán nội tạng của họ trên thị trường cấy ghép.
Vào ngày 23 tháng 6, Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện nhất trí thông qua nghị quyết của bà Gudrun Kugler (một thành viên của Quốc hội Áo) để chống lại việc buôn bán trái phép nội tạng và buôn người, bà cho biết: “Chúng tôi thực sự lo lắng về vấn đề này, nó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Theo phát biểu từ văn phòng của bà Kugler: “Các báo cáo nhiều lần đề cập về hoạt động buôn bán nội tạng người bất hợp pháp đã và đang diễn ra tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hoạt động này đi ngược lại với tất cả các tiêu chuẩn về nhân quyền và tiêu chuẩn đạo đức. Nhóm các dân tộc thiểu số và những người có đức tin, bao gồm người Hồi giáo, người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công và Kitô hữu đều thuộc những nhóm người thực sự chịu ảnh hưởng bởi những lạm dụng như vậy”.
Nghị quyết yêu cầu chính phủ Áo bảo vệ các nạn nhân của hoạt động buôn bán trái phép nội tạng này bằng cách phối hợp với các cơ quan quốc tế, như Hội đồng Y tế Thế giới, Văn phòng Liên Hợp Quốc trụ sở tại thủ đô Viên về Ma túy và Tội phạm, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu, và hỗ trợ cho mục tiêu [bảo vệ] này bất cứ khi nào có thể.
Quốc hội Áo đã đưa ra quyết định phản hồi lại đơn thỉnh nguyện của công dân Áo hồi tháng 10 năm ngoái, với tuyên bố rằng: “Người dân Áo không muốn nội tạng từ Trung Quốc khi nguồn nội tạng là từ người dân Trung Quốc vô tội đã bị giết’’.
Vào tháng 6 năm 2019, sau một cuộc điều tra kéo dài suốt 1 năm để xem xét lời khai từ hơn 50 nhân chứng, một tòa án độc lập có trụ sở tại Luân Đôn đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng việc mổ cướp nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm và “với quy mô lớn’’.
Ông Geoffrey Nice QC, chủ tịch tòa án (người trước đây đã đứng đầu trong việc truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic vì tội ác chiến tranh), cho biết trong phán quyết rằng: “Kết luận cho thấy rằng rất nhiều người đã chết một cách khó giải thích mà không có lý do, [và] họ có thể phải chịu đựng nhiều hơn theo những cách tương tự’’.
Phán quyết cuối cùng của tòa án được đưa ra vào tháng 3/2020 cho biết rằng “không có bằng chứng nào” cho thấy việc lạm dụng cấy ghép nội tạng như vậy đã chấm dứt, phán quyết trên gọi đó là “sự vi phạm lớn nhất về nhân quyền”.
Vào ngày 12 tháng 6, Bỉ cũng đã thông qua một nghị quyết lên án sự tiếp diễn của hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Trong một dự luật được thông qua vào tháng 4 năm 2019, quốc gia này đã chính thức cấm công dân của mình đi du lịch nước ngoài để cấy ghép nội tạng. Những người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm với mức phạt 1,2 triệu EUR (1,35 triệu USD).
Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp hoan nghênh hành động ủng hộ từ Quốc hội Áo, nói rằng nghị quyết đã được thông qua “tại một thời điểm quan trọng”, trong bối cảnh gần đây Trung Quốc thể hiện quyền lực bằng cách áp đặt Luật An ninh Quốc gia cho Hong Kong. Luật mới này bao gồm việc thành lập một cơ quan an ninh Bắc Kinh trong thành phố [của Hong Kong].
Trong một thông cáo báo chí ngày 25 tháng 6 bằng tiếng Đức, trung tâm [Thông tin Pháp Luân Đại Pháp] đã bày tỏ sự lo lắng đối với các học viên Pháp Luân Công tại Hong Kong, là những người “có thể sớm trở thành nạn nhân của nạn mổ cướp nội tạng có hệ thống”.
Vấn đề đáng lo ngại này vẫn luôn là mối quan tâm của quốc tế kể từ năm 2006, khi lần đầu tiên tội ác này được đưa ra ánh sáng.
Tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa Hoa Kỳ gồm 168 thành viên đã nhất trí thông qua một nghị quyết tố cáo “hành vi tàn ác này”. Vào tháng 5/2020, việc phải có động thái phản ứng lại “nạn mổ cướp nội tạng” là một trong 12 khuyến nghị mà một nhóm giám sát ở Washington (Ủy ban về Nguy cơ hiện tại: Trung Quốc (CPDC)) đã trình bày với Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Hoa Kỳ.
Thanh Liên