Anh Quốc thiết lập lại chính sách đối ngoại hướng sang Thái Bình Dương
Anh Quốc đang chuyển trọng lượng địa chính trị của mình sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thách thức sự thống trị của Trung Quốc, như một phần của quá trình thiết lập lại chính sách đối ngoại và quốc phòng lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Hôm 16/03, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố việc phát hành bản Đánh giá Tích hợp về An ninh, Quốc phòng, Phát triển, và Chính sách Đối ngoại đã được mong đợi từ lâu.
Bản kế hoạch này nhấn mạnh đến các đồng minh truyền thống, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Nhưng nó cũng đặt ra các tầm nhìn của quốc gia này về châu Á.
“Nước Anh sẽ vẫn luôn cam kết kiên định với NATO và duy trì hòa bình và an ninh ở châu Âu, và từ cơ sở an toàn này, chúng ta sẽ tìm kiếm bạn bè và đối tác ở bất cứ đâu, xây dựng một liên minh vì sự cởi mở và sáng tạo, đồng thời tham gia sâu hơn vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Johnson nói trước Hạ viện.
“Cách tiếp cận của chúng ta sẽ đặt vấn đề ngoại giao lên hàng đầu và Anh Quốc đã đề nghị trở thành đối tác đối thoại của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chúng ta sẽ tìm cách tham gia Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương.”
Thủ tướng lưu ý rằng hàng không mẫu hạm mới của Anh Quốc sẽ hướng chuyến hành trình đầu tiên của mình đến Thái Bình Dương vào cuối năm nay, “để thể hiện sự coi trọng của chúng ta đối với tự do hàng hải.”
Điều gọi là “mối quan hệ đặc biệt” với Hoa Kỳ vẫn tiếp tục. Ông Johnson cho biết, “Trong tất cả những nỗ lực của chúng ta, Hoa Kỳ sẽ là đồng minh lớn nhất của chúng ta và là đối tác thân thiết duy nhất trong lĩnh vực quốc phòng, tình báo, và an ninh.”
Nga vẫn được coi là mối đe dọa an ninh nguy hiểm hàng đầu. Nhưng Trung Quốc hiện được xem là mối đe dọa chính đối với an ninh kinh tế và là một “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống” trong dài hạn.
Bản đánh giá này cho biết Anh Quốc sẽ đầu tư vào tăng cường “năng lực đối mặt với Trung Quốc” và cải thiện sự ứng phó của họ trước “thách thức mang tính hệ thống mà nước này đặt ra đối với an ninh, thịnh vượng và các giá trị của chúng ta-cũng như của các đồng minh và các đối tác của chúng ta.”
Ông Johnson thừa nhận rằng các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, chẳng hạn như ở Tân Cương và Hồng Kông, cần phải được giải quyết, đồng thời khen ngợi các nhà lập pháp đồng nghiệp vì những hành động của họ đối với vấn đề này.
Ông nói, “Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ đặt ra một thách thức lớn đối với một xã hội cởi mở như của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng sẽ hợp tác với Trung Quốc ở những khía cạnh phù hợp với các giá trị và lợi ích của chúng ta, bao gồm cả việc xây dựng một mối quan hệ kinh tế tích cực và mạnh mẽ hơn cũng như trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”
Ông Johnson nói rằng việc thiết lập lại chính sách này thể hiện một Anh Quốc thời hậu Brexit như một quốc gia quốc tế hướng ngoại.
“Tôi tin, Anh Quốc, có thể phát triển mạnh mẽ trong một thế giới ngày càng cạnh tranh hơn, và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của chúng ta với tư cách là một lực lượng vì điều tốt đẹp.”
Chính phủ này cũng đang đảo ngược lại một cam kết trước đó là giảm các đầu đạn hạt nhân từ 225 xuống 180 vào giữa thập kỷ này.
Thay vào đó, họ sẽ tăng kho dự trữ lên 260 đầu đạn để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và chiến lược đang gia tăng.
Bản đánh giá trên cho biết, “Một số quốc gia hiện đang gia tăng đáng kể và đa dạng hóa các kho vũ khí hạt nhân của họ. Họ đang đầu tư vào các công nghệ hạt nhân mới và phát triển các hệ thống hạt nhân mới dùng cho ‘chiến tranh’ vốn đang được tích hợp vào các chiến lược và học thuyết quân sự cũng như đưa vào luận điệu chính trị của họ để tìm cách đe dọa những quốc gia khác.”
Do Simon Veazey thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: