Anh Quốc, Pháp lại xung đột về việc nới lỏng tranh chấp đánh bắt cá
ROME — Hôm 31/10, Anh Quốc và Pháp lại xung đột về tranh chấp đánh bắt cá hậu Brexit, với việc London kêu gọi Paris rút lại các lời đe dọa và bác bỏ khẳng định rằng đã có bất kỳ thỏa thuận nào để cố gắng hạ nhiệt một cuộc tranh cãi mà cuối cùng có thể gây thiệt hại đến thương mại.
Hai bên đã vẽ những bức tranh khác nhau về cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề cuộc họp G20 ở Rome, và có rất ít dấu hiệu cho thấy tranh chấp đã được giải quyết.
Sau cuộc họp, một quan chức Pháp cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý tìm cách giảm leo thang tranh chấp. Nhưng phát ngôn viên của ông Johnson đã bác bỏ mô tả đó và kêu gọi Paris hành động trước nếu ông Macron muốn xoa dịu mối bang giao căng thẳng này.
Phát ngôn viên của ông Johnson nói với các phóng viên, “Chính người Pháp sẽ quyết định xem họ có muốn dừng lại những lời đe dọa mà họ đã đưa ra trong những ngày gần đây về việc vi phạm thỏa thuận Brexit hay không. Đó sẽ là một vấn đề đối với họ.”
Mối bang giao với Pháp ngày càng trở nên căng thẳng kể từ khi Anh Quốc bỏ phiếu rời EU hồi 2016. Thỏa thuận an ninh gần đây của London ký với Hoa Kỳ và Úc đã không tạo dựng được lòng tin với Paris.
Trọng tâm của cuộc tranh chấp là đánh bắt cá, một chủ đề đã kéo dài các cuộc đàm phán về Brexit trong nhiều năm, không phải vì tầm quan trọng kinh tế của việc này, mà vì ý nghĩa chính trị to lớn của nó đối với cả hai nhà lãnh đạo. Nếu không được giải quyết, sự việc này có thể khơi mào các biện pháp tranh chấp trong thỏa thuận thương mại Brexit ngay trong tuần tới.
Paris cho biết họ có thể áp đặt các biện pháp có mục tiêu kể từ ngày 02/11, bao gồm tăng cường một số kiểm tra, nếu cuộc tranh chấp – bắt đầu khi Pháp cáo buộc Anh Quốc chỉ cấp một nửa số giấy phép đánh bắt mà nước này tin là mình có quyền được có – không được giải quyết.
London bác bỏ cáo buộc này, nói rằng họ phân phối giấy phép để đánh bắt cá trong vùng biển của mình theo các quy tắc được cung cấp trong thỏa thuận Brexit. Tranh chấp gia tăng khi người Pháp bắt giữ một tàu bắt sò của Anh Quốc trong tuần này.
Không nhà lãnh đạo nào có vẻ sẵn sàng phá vỡ thế bế tắc, theo các quan chức thì cả hai đều tin rằng họ đúng.
Ông Macron đã đặt nghi vấn về độ khả tín của Anh Quốc, trong khi Bộ trưởng Brexit của Anh Quốc, ông David Frost, kêu gọi giải thích về một bức thư dường như cho thấy Pháp muốn EU trừng phạt Anh Quốc vì rời Brexit.
Giảm leo thang hay không?
“Những luận điệu đến từ chính phủ Pháp và thủ tướng Pháp rằng Anh Quốc nên bị trừng phạt vì rời EU… kiểu luận điệu đó không hữu ích,” phát ngôn viên của ông Johnson nói.
Mô tả của ông về cuộc gặp này, mà ông gọi là “mang tính xây dựng” trong một số lĩnh vực, trái ngược với mô tả của một quan chức Pháp, người nói rằng mục tiêu của hai nhà lãnh đạo “là hướng tới giảm leo thang tranh chấp.”
“Chúng tôi đang tạo cho mình không gian để giảm leo thang tranh chấp trong những giờ tới.”
Một quan chức Pháp không trực tiếp bình luận về các vấn đề xung đột, chỉ nói rằng “có công việc chung phải được thực hiện, như chúng tôi đã nói sáng nay.”
Hôm 30/10, Anh Quốc đã tăng cường khẩu chiến với Pháp, với việc ông Johnson từ chối loại trừ khả năng bắt đầu hành động tranh chấp thương mại. Ông Frost đã chỉ trích một gợi ý của Paris rằng EU nên chứng minh rằng “việc rời khỏi EU sẽ có nhiều thiệt hại hơn là ở lại đó.”
Quan chức Pháp cho biết ông Macron nói với ông Johnson rằng ông mong đợi sự tôn trọng lẫn nhau và hai bên sẽ có các “cuộc trao đổi” trong những giờ tới để tìm ra cách giảm leo thang tình hình này.
“Chúng tôi sẽ gặp vào ngày 02/11. Vẫn còn chưa tới thời điểm đó,” quan chức này cho biết.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: