Anh Quốc kêu gọi phủ quyết đề nghị gia nhập Hiệp định Thương mại Thái Bình Dương của Trung Quốc
Đảng Lao Động đối lập chính của Anh đã kêu gọi chính phủ nước này phủ quyết đề nghị tham gia vào hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương của Trung Quốc ngay sau khi chính Anh Quốc được chấp nhận tham gia hiệp định này.
Hôm 01/02, Anh Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại mang tính bước ngoặt [của] 11 nước thành viên bao gồm Úc, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, Việt Nam, Brunei, Chile , Malaysia, và Peru.
Trung Quốc đã nộp đơn xin làm thành viên của Hiệp định CPTPP vào ngày 16/09. Bốn ngày sau, tức 20/09, Đài Loan cũng chính thức nộp đơn xin gia nhập hiệp định này.
Nói chuyện tại một phiên họp về chính sách ngoại giao ở Hạ viện hôm thứ Ba (26/10), Ngoại trưởng phe đối lập Lisa Nandy của Đảng Lao Động nói rằng đơn xin của Trung Quốc sẽ để mở viễn cảnh rằng Anh Quốc có thể “tham gia vào các thỏa thuận thương mại ưu tiên cùng với các quốc gia phạm tội diệt chủng.”
Các nhà lập pháp Anh đã “nói rõ quan điểm của chúng tôi rằng những gì đang xảy ra ở Tân Cương hiện đang tạo thành tội ác diệt chủng,” bà nói, khi đề cập đến việc Trung Cộng giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng tây bắc Trung Quốc.
Nghị viện Anh Quốc hôm 22/04 đã đồng ý thông qua một cuộc vận động không ràng buộc tuyên bố rằng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác đang phải chịu các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng, đồng thời kêu gọi chính phủ Anh Quốc sử dụng luật pháp quốc tế để chấm dứt tình trạng này.
Bà Nandy hỏi Ngoại trưởng Liz Truss rằng liệu bà Truss có thể “bảo đảm rằng bà sẽ phủ quyết tư cách thành viên của Trung Quốc” nếu đơn [gia nhập] này thành công hay không.
Đáp lại, bà Truss cho biết bà đã từng nêu ra “những hành động tàn bạo khủng khiếp đang diễn ra ở Tân Cương” với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, cũng như những lo ngại của Anh Quốc về vấn đề Hồng Kông.
Bà ấy nói với Hạ viện rằng: “Điều quan trọng là chúng ta giao thương với Trung Quốc, nhưng chúng ta cần bảo đảm đó là thương mại đáng tin cậy, mà tránh được sự phụ thuộc chiến lược và không liên quan đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chuyển giao công nghệ bắt buộc và tôi mong muốn Trung Quốc tôn trọng các quy tắc của WTO.”
Bà Truss cho biết Anh Quốc không có quyền đưa ra các quyết định bởi vì quốc gia này chưa phải là thành viên. Nhưng bà cho biết bà “rất rõ ràng rằng bất kỳ quốc gia nào tham gia Hiệp định CPTPP này đều cần phải tuân theo các quy tắc và tiêu chuẩn cao của hiệp định này bao gồm các tiêu chuẩn cao về môi trường và tiêu chuẩn cao trong lao động.”
Các thành viên tiềm năng (bao gồm cả Anh Quốc và Thái Lan) chỉ có thể tham gia với sự ủng hộ nhất loạt của tất cả các thành viên trong hiệp định.
Tuy nhiên, cả Úc và Nhật Bản đều bày tỏ sự miễn cưỡng trước khả năng Trung Quốc gia nhập nhóm này vì Trung Quốc có thể sẽ sử dụng biện pháp cưỡng bách kinh tế đối với các quốc gia khác.
Tháng trước (09/2021), Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết, Trung Quốc sẽ không thể tham gia Hiệp định CPTPP cho đến khi thuyết phục được các thành viên về “hồ sơ tuân thủ” đối với các hiệp định thương mại hiện có và hiệp định của WTO.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết cần phải xác định xem liệu Trung Quốc có sẵn sàng đáp ứng “các tiêu chuẩn rất cao” của hiệp định này hay không.
Bản tin có sự đóng góp của Daniel Y. Teng và PA
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: