Anh đề nghị tăng cường khai triển quân đội đến Âu Châu để chi viện cho NATO
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tìm cách tăng cường bất kỳ hệ thống phòng thủ mới nào của NATO trước sự điều động quân đội của Nga ở biên giới với Ukraine bằng một lời đề nghị khai triển quân sự lớn tới Âu Châu.
Văn phòng thủ tướng cho biết việc cung cấp các lực lượng bổ sung sẽ bao gồm việc gửi vũ khí phòng thủ đến Estonia, và tăng gấp đôi quân đội Anh trên bộ. Đợt khai triển tiềm năng này dự kiến sẽ biểu thị sự ủng hộ của Anh Quốc đối với các đối tác Bắc Âu và Baltic của nước này.
“Loạt hành động này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin – chúng tôi sẽ không dung thứ cho hoạt động gây mất ổn định của họ và chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh NATO của mình khi đối mặt với sự thù địch của Nga,” ông Johnson nói trong một tuyên bố vào cuối hôm 29/01, vài ngày sau khi ông nói với Quốc hội rằng ông đang tìm cách “đóng góp vào bất kỳ hoạt động khai triển mới nào của NATO” để bảo vệ các đồng minh ở Âu Châu.
Ông nói: “Tôi đã ra lệnh cho Lực lượng Vũ trang của chúng tôi chuẩn bị khai triển khắp Âu Châu vào tuần tới, bảo đảm rằng chúng tôi có thể hỗ trợ các đồng minh NATO của mình.”
Các quan chức sẽ hoàn thiện các chi tiết của đề nghị này tại Brussels vào đầu tháng Hai, và các bộ trưởng sẽ thảo luận về các lựa chọn quân sự vào ngày 31/01 tới.
“Nếu Tổng thống Putin chọn con đường đổ máu và hủy diệt, đó sẽ là một thảm kịch cho Âu Châu. Ukraine phải được tự do lựa chọn tương lai của mình,” ông Johnson nói.
Ông Johnson dự kiến sẽ thăm khu vực này vào tuần tới và cũng sẽ nói chuyện với lãnh đạo Nga Vladimir Putin qua điện thoại. Ông cũng sẽ thực hiện chuyến công du thứ hai để gặp các nhà lãnh đạo NATO vào đầu tháng Hai, theo văn phòng của ông.
Trong khi đó, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Anh Quốc cũng sẽ thăm Moscow để hội đàm với những người đồng cấp Nga của họ trong những ngày tới, với mục đích cải thiện quan hệ và giảm leo thang căng thẳng.
Diễn biến mới nhất này xảy ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết vào cuối hôm 28/01 rằng ông sẽ ra lệnh điều động quân đội Hoa Kỳ tới Đông Âu “trong thời gian tới”. Một tuần trước, Tòa Bạch Ốc cho biết họ “lo ngại sâu sắc” khi chính phủ Anh Quốc cho biết họ đã nhận được thông tin “Chính phủ Nga đang tìm cách cài một lãnh đạo thân Nga [vào chính phủ] ở Kyiv khi họ đang cân nhắc liệu có nên xâm chiếm Ukraine hay không.”
Nga đã tập trung ước tính khoảng 100,000 quân hoặc hơn, với xe tăng và các loại vũ khí khác, ở biên giới giáp với phía đông bắc của Ukraine, sau khi đưa ra một loạt yêu cầu an ninh với NATO hồi tháng 12/2021 để bảo đảm rằng Ukraine sẽ không bao giờ có thể gia nhập NATO và liên minh an ninh này rút lại hoạt động khai triển quân đội của mình ở khu vực Trung và Đông Âu.
Tuy nhiên, các thành viên NATO đã không lay động trước yêu cầu của Điện Kremlin, và thay vào đó, đưa ra một số đề xướng để đi đến thỏa thuận với Moscow trong các lĩnh vực khác như kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin, và giới hạn các cuộc tập trận quân sự.
Năm 2014, quân đội Nga đã chiếm và sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine. Ngay sau đó, Nga đã bắt đầu hỗ trợ các chiến binh ly khai ở miền đông Ukraine đang chiến đấu với quân đội chính phủ nước này; cuộc chiến kéo dài này kể từ đó đã lấy đi sinh mạng của hơn 14,000 người.
Các thành viên NATO đã gửi vũ khí và hệ thống hỏa tiễn tới Ukraine để tăng cường khả năng phòng thủ của nước này, đồng thời cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine. Nga đã phủ nhận kế hoạch xâm lược.
Hôm 29/01, Nga đã xác nhận sẽ dời các cuộc tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển Ireland như một “cử chỉ thiện chí” sau khi Dublin yêu cầu làm như vậy trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xâm lược vào Ukraine.
Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: