Anh: Nếu Nga rút quân khỏi Ukraine, các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút các lực lượng xâm lược khỏi Ukraine và cam kết sẽ không thực hiện bất kỳ “cuộc xâm lược nào nữa.”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Sunday Telegraph, bà Truss cho biết các lệnh trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ theo sau “một lệnh ngừng bắn và một cuộc rút quân toàn diện” kèm theo “những lời cam kết rằng sẽ không có cuộc xâm lược nào nữa.”
Bà nói: “Các biện pháp trừng phạt dội ngược lại” sẽ lập tức được tái áp đặt nếu Nga thực hiện “cuộc xâm lược nào nữa” trong tương lai.
Nhận xét của bà phù hợp với người đồng cấp Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã nói rằng lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản “không được thiết kế để tồn tại vĩnh viễn” và các lệnh trừng phạt có thể “biến mất” trong trường hợp lệnh rút quân của Nga “có hiệu lực, không thể đảo ngược.”
Với việc quân đội Nga được cho là đang gặp khó khăn trên chiến trường, những bình luận từ các nhà ngoại giao hàng đầu của phương Tây này có thể được coi là một phần thưởng khả dĩ để Tổng thống Vladimir Putin cắt giảm tổn thất và như một cầu nối để có được thỏa thuận với Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn của mình, bà Truss cho biết bà không cho là người Nga đang nghiêm túc với các cuộc đàm phán vào thời điểm hiện tại, và phương Tây vẫn cần phải tăng cường “tăng gấp đôi” các lệnh trừng phạt đối với Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nhưng bà cho biết bà đã thành lập một đơn vị đàm phán chuyên gia để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine “khi người Nga nghiêm túc trong các cuộc đàm phán.”
Bà nói: “Khi thời điểm cho các cuộc đàm phán đến, tôi muốn Anh đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm chúng tôi hỗ trợ Ukraine đạt được một thỏa thuận hiệu quả.”
Bà Truss nói, để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai, cần phải có một “lệnh ngừng bắn thực sự,” một “cuộc rút quân thực sự khỏi Ukraine,” và “những biện pháp thiết thực áp đặt lên Nga trong tương lai để ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào trong tương lai.”
Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng, bất chấp những khác biệt về Nghị định thư Bắc Ireland trong thỏa thuận thương mại hậu Brexit, Anh và Liên minh Âu Châu đang làm việc “rất, rất chặt chẽ” về phản ứng của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Bà hoan nghênh đóng góp của EU, trong đó có nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, một phần bằng cách mua khí tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ.
Mặc dù Anh có “sự khác biệt” với EU trong một số lĩnh vực, bà Truss nói, “về căn bản tất cả chúng ta đều là các quốc gia dân chủ, tất cả chúng ta đều tin tưởng vào tự do và quyền của người dân được lựa chọn chính phủ của riêng mình, và chúng ta rất đoàn kết trong cuộc chiến.”
Bản tin có sự đóng góp của PA Media
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: