Ánh nắng mặt trời gây ra ung thư hay ngăn ngừa ung thư?
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý mang lại những lợi ích rất quan trọng cho sức khỏe con người. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không chỉ giúp ngăn ngừa và điều trị nhiều loại bệnh mà ngay cả việc tiếp xúc không đủ với ánh nắng mặt trời cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Trong vài thập niên qua, mọi người ngày càng nhận thức được những rủi ro liên quan đến việc tiếp xúc quá nhiều với bức xạ UV từ ánh sáng mặt trời, bao gồm ung thư da, lão hóa do ánh sáng và đục thủy tinh thể.
Tắm nắng làm tăng nguy cơ ung thư da, nhưng nó cũng có thể ngăn ngừa các loại ung thư khác
Nhiều người cho rằng việc phơi nắng có liên quan đến ung thư da, nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc không đủ với bức xạ tia cực tím cũng có thể gây ra các loại ung thư khác.
Trước khi đi sâu vào chủ đề này, trước tiên chúng ta cần hiểu mối quan hệ giữa ánh sáng mặt trời, bức xạ tia cực tím và vitamin D.
Năng lượng từ mặt trời đến Trái đất dưới dạng ánh sáng khả kiến, bức xạ hồng ngoại và bức xạ cực tím. Bức xạ tia cực tím được chia thành ba loại: UVA, UVB và UVC, trong đó chỉ có UVA và UVB đến được bề mặt Trái đất. UVC được hấp thụ bởi khí quyển.
UVB trong ánh sáng mặt trời được cholesterol trong da hấp thụ và chuyển hóa thành vitamin D3. Vitamin D3 sau đó được chuyển hóa ở gan thành 25-hydroxyvitamin D (còn được gọi là calcidiol) và ở thận thành dạng có hoạt tính sinh học (calcitriol), theo một bài báo năm 2004 trên Tập san Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ.
Theo bài báo đó, cách duy nhất để xác định mức vitamin D của một người là đo nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu của họ. Loại 25-hydroxyvitamin D này có thời gian bán huỷ rơi vào khoảng hai tuần và là dạng lưu thông chính của vitamin D.
Vào năm 2022, một nghiên cứu được công bố trên Tập san Nutrients (Chất dinh dưỡng) đã phát hiện ra rằng, dựa trên các nghiên cứu sinh thái về bệnh ung thư liên quan đến bức xạ mặt trời, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm giảm tỷ lệ mắc và nguy cơ tử vong của khoảng 23 loại ung thư. Theo một bài báo trên Tập san Environmental Health Perspectives (Viễn cảnh Sức khỏe Môi trường), so với những người sống ở những vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời lâu hơn, những người sống ở vĩ độ cao ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hơn có nguy cơ tử vong do ung thư hạch Hodgkin, cũng như ung thư ruột kết, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, tụy và các loại ung thư khác.
Một phân tích gộp được đăng trên Tập san Nutrients (Chất dinh dưỡng), đã chỉ ra rằng có mối tương quan nghịch biến đáng kể giữa nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu và tỷ lệ mắc 12 loại ung thư khác nhau, cho thấy nồng độ 25-hydroxyvitamin D càng cao thì tỷ lệ mắc ung thư càng thấp.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã thực hiện một phân tích gộp và phát hiện ra rằng trong số 5,038 phụ nữ, nhóm có nồng độ 25-hydroxyvitamin D cao nhất (≥60 ng/ml) có tỷ lệ mắc ung thư vú thấp hơn 82% so với nhóm có nồng độ thấp nhất (<20 ng/ml). Trong cùng một nhóm, nguy cơ phát triển ung thư vú thấp hơn 80% khi so sánh so với những người có nồng độ 25-hydroxyvitamin D thấp nhất, sau khi điều chỉnh độ tuổi, chỉ số BMI, tình trạng hút thuốc và lượng bổ sung calcium.
Một phân tích gộp khác cho thấy những bệnh nhân ung thư vú với nồng độ 25-hydroxyvitamin D cao nhất có tỷ lệ tử vong thấp hơn gần một nửa so với những người có nồng độ thấp nhất. Trong một thử nghiệm lâm sàng, hơn 2,300 phụ nữ từ 55 tuổi trở lên cư trú tại tiểu bang Nebraska đã tiêu thụ 2,000 IU vitamin D3 (gấp 2 đến 4 lần lượng khuyến nghị hàng ngày) và 1,500 miligam canxi mỗi ngày. Kết quả cho thấy trong hai đến bốn năm tiếp theo, những người đạt được nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu ở mức 55 ng/ml có nguy cơ phát triển ung thư thấp hơn 35% so với những người có nồng độ 30 ng/ml.
Một phân tích gộp của 5 nghiên cứu cho thấy những người có nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong huyết thanh nhỏ hơn hoặc bằng 12 ng/ml có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 50% so với những người có nồng độ 33 ng/ml hoặc cao hơn.
Việc tắm nắng ngăn ngừa ung thư như thế nào?
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, Giáo sư Michael F. Holick, chuyên ngành dược học, sinh lý học và lý sinh tại Trường Y khoa Chobanian & Avedisian thuộc Đại học Boston, cho biết, “Chúng tôi tin rằng vitamin D đóng nhiều vai trò trong việc giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư chết người.”
Các nghiên cứu như nghiên cứu được nêu trong Tập san Nutrients đã chứng minh rằng dạng hoạt động của vitamin D3 có nhiều tác dụng chống ung thư, bao gồm ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, gây ra sự trưởng thành và chết theo chương trình của tế bào ung thư, giảm sự hình thành mạch và giảm sự di căn của tế bào ung thư.
Giáo sư Holick giải thích, “Dạng hoạt động của vitamin D có thể ngăn các tế bào trở thành tế bào ung thư và nếu có, nó cũng có thể cản trở khả năng nhận chất dinh dưỡng của chúng và cuối cùng dẫn đến cái chết của chúng bằng cách tắt sự hình thành mạch máu.”
Theo một tổng quan y văn năm 2022 trên Tập san Nutrients, vitamin D3 hoạt động là một loại hormone có thể điều chỉnh hệ thống miễn dịch bằng cách tác động lên các tế bào miễn dịch khác nhau.
Ngoài ra, lượng vitamin D thấp thường liên quan đến tình trạng viêm cấp thấp, thể hiện qua mức độ protein phản ứng C (CRP) tăng cao, đây là một nguy cơ đáng kể đối với bệnh ung thư. Các phân tích gộp chẳng hạn như đánh giá năm 2022 của Nutrients đã chỉ ra rằng mức protein phản ứng C có liên quan đến một số loại ung thư. Các thí nghiệm trên tế bào đã chứng minh rằng vitamin D3 hoạt động có thể ức chế quá trình sản xuất các cytokine gây viêm, có thể giúp giảm viêm mãn tính.
Một lượng nhỏ bức xạ tia cực tím cũng có lợi trong việc chống ung thư
Ngoài vitamin D được tạo ra bởi bức xạ tia cực tím, bản thân bức xạ cũng có thể có lợi. Theo một bài đánh giá trong Tập san Tiến bộ trong sinh lý học và sinh học phân tử (Progress in Biophysics and Molecular Biology,) tác dụng bảo vệ của bức xạ tia cực tím mặt trời có cường độ thấp đối với cơ thể con người lớn hơn tác dụng gây đột biến tiềm tàng của bức xạ.
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin D và tiếp xúc với tia cực tím có thể dẫn đến giảm diện tích khối u đại tràng ở chuột.
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời điều chỉnh đồng hồ sinh học và tạo ra các hoạt chất khác
Tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời có thể điều chỉnh đồng hồ sinh học và ảnh hưởng đến việc tiết ra các loại hormone khác nhau trong cơ thể con người.
Một số nghiên cứu cho thấy melatonin có thể ức chế sự phát triển của khối u và việc tiếp xúc với ánh sáng ban ngày giúp tăng cường tác dụng ức chế của melatonin vào ban đêm đối với sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt, gan và vú. Tiền chất của melatonin, serotonin, bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với ánh sáng ban ngày. Serotonin thường được sản xuất vào ban ngày và chỉ chuyển đổi thành melatonin vào ban đêm. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sẽ thúc đẩy quá trình tiết serotonin, từ đó đẩy nhanh quá trình sản xuất melatonin vào ban đêm, theo một bài báo trên Quan điểm Sức khỏe Môi trường (Environmental Health Perspectives.)
Nguy cơ ung thư gia tăng ở những người làm ca đêm có thể là do nhịp sinh học của họ bị gián đoạn, điều này ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin.
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời không chỉ tạo ra vitamin D3 trong da mà còn tạo ra các sản phẩm quang học khác của tiền vitamin D3, chất tạo ra các hoạt động sinh học độc đáo. “Nó tạo ra rất nhiều thứ khác,” Giáo sư Holick giải thích.
Một tổng quan hệ thống trên Tập san Nội tiết Da liễu (Dermato Endocrinology) đã chỉ ra cụ thể rằng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không đủ sẽ gây ra nhiều nguy cơ khác, bao gồm tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường loại 2, béo phì và bệnh Alzheimer. Ngoài ra, có thể dẫn đến bệnh đa xơ cứng, tiểu đường Loại 1, bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, thoái hóa điểm vàng, không dung nạp statin và cận thị.
Cách tắm nắng an toàn và hiệu quả
Cộng đồng y tế luôn ủng hộ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách vừa phải. Holick nói: “Đề xuất như vậy không phải là không hợp lý. Giải pháp (nhận vitamin D thông qua tắm nắng) rất đơn giản.”
Theo đánh giá của Tập san Tiến bộ trong sinh lý học và sinh học phân tử (Progress in Biophysics and Molecular Biology,) trong những điều kiện bình thường, khoảng 90% lượng vitamin D thiết yếu của cơ thể được hấp thụ qua ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, mọi người hiện đang dành ít thời gian dưới ánh nắng mặt trời hơn, đặc biệt là sau đại dịch.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, lượng 25-hydroxyvitamin D trong huyết tương tiêu chuẩn không được thấp hơn 20 ng/ml. Tuy nhiên, thực tế là 32% người Mỹ được phát hiện thiếu vitamin D. Nếu tiêu chuẩn của Hiệp hội Nội tiết về mức độ vitamin D (30 ng/ml) được sử dụng, thì tỷ lệ người bị thiếu vitamin D sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Người ta ước tính rằng cứ 100 IU vitamin D được tiêu hóa thì nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu chỉ tăng 1 ng/ml (2.5 nmol/l). Đối với hầu hết người lớn, tắm nắng định kỳ và trong thời gian ngắn có thể cung cấp đủ vitamin D, hiệu quả hơn so với việc uống 1,000 IU vitamin D3 mỗi ngày. Hơn nữa, nhận vitamin D thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ ngăn ngừa độc tính tiềm tàng của việc bổ sung quá nhiều vitamin D.
Holick tuyên bố rằng mức 25-hydroxyvitamin D phải đạt 75 nmol/l (30 ng/ml) và phạm vi lý tưởng là từ 40 đến 60 ng/ml, “giống như những người chăn gia súc Maasai”. Maasai là những người du mục truyền thống sống ở Đông Phi.
Nói chung, nên phơi cánh tay, chân và các bộ phận cơ thể khác dưới ánh nắng mặt trời trong 10 đến 15 phút vài lần một tuần. Tuy nhiên, đây không phải là quy tắc tuyệt đối vì các yếu tố như mùa, vĩ độ, thời tiết, thời gian trong ngày, sắc tố da, quần áo, tuổi tác, việc sử dụng kem chống nắng và kính đều có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất vitamin D3 trong da.
Ví dụ, trong mùa đông, ánh sáng mặt trời đi vào bầu khí quyển ở một góc xiên hơn và nhiều photon UVB hơn được tầng ozon hấp thụ. Ở các khu vực phía bắc vĩ độ 37° ở Bắc bán cầu từ tháng 11 đến tháng 2, mức giảm số lượng photon UVB chiếu tới bề mặt Trái đất có thể nằm trong khoảng từ 80% đến 100% tùy thuộc vào vĩ độ.
Vào buổi sáng hoặc buổi tối, góc của ánh sáng mặt trời chiếu xiên nên ngay cả trong mùa hè, tốc độ sản xuất vitamin D3 trong da của những người sống ở những vùng này là rất chậm.
Những người có làn da sáng hơn có thể chỉ cần một khoảng thời gian ngắn dưới ánh nắng mặt trời để có đủ vitamin D, trong khi những người có làn da sẫm màu hơn có thể cần nhiều thời gian hơn để đạt được hiệu quả tương tự. Đối với hầu hết người da trắng, theo bài báo về Environmental Health Perspectives, tắm nắng khi mặc đồ bơi trong nửa giờ dưới ánh nắng mùa hè có thể bắt đầu tiết ra 50,000 IU (1.25 mg) vitamin D vào hệ tuần hoàn trong vòng 24 giờ sau đó; cùng một lần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mang lại 20,000 đến 30,000 IU vitamin D cho những người da rám nắng và 8,000 đến 10,000 IU vitamin D ở những người da sẫm màu.
Theo nghiên cứu từ Đại học Geneva ở Thụy Sĩ, để 22% da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong 10 đến 15 phút trong mùa xuân và mùa hè có thể tổng hợp 1,000 IU vitamin D. Tuy nhiên, việc hấp thụ đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời sẽ khó khăn hơn trong mùa thu và mùa đông vì mọi người thường chỉ để lộ 8% đến 10% da của họ, vì vậy có thể cần đến 6.5 giờ phơi nắng để có được cùng một lượng vitamin D.
Một nghiên cứu trên 2,360 người Mỹ trưởng thành được công bố trên Frontiers vào năm 2022 cho thấy rằng trong cuộc sống thực, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khoảng 35 phút trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, không cố ý tắm nắng vào buổi trưa, có thể dẫn đến nồng độ vitamin D huyết thanh lý tưởng (>50nmol/l).
Giáo sư Holick đã giới thiệu một phần mềm có tên D Minder mà anh ấy đã giúp phát triển. Bằng cách sử dụng phần mềm này, mọi người có thể ngay lập tức tìm ra lượng ánh nắng mặt trời cần thiết trong khu vực của họ để có đủ vitamin D.
Nam Khánh biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times