Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Anh
Mãi đến thời điểm gần đây, trong mắt người Anh, Trung Quốc vẫn được coi là mảnh đất mang lại cơ hội kinh doanh cùng nguồn hàng giá rẻ rất thu hút các nhà đầu tư. Tuy vậy hiện nay ngày càng có nhiều người nhận ra một sự thật rằng Trung Quốc đang gây đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với các giá trị của Anh Quốc, mà còn đối với an ninh quốc gia của Vương quốc Anh.
Những lùm xùm gần đây liên quan đến việc công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của Anh đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông Anh. Tuy nhiên, [có một thực tế là] các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Anh đã được nhen nhóm từ nhiều thập kỷ trước.
Theo mô tả chi tiết trong cuốn sách “Hidden Hand: Exposing How the Chinese Communist Party is Reshaping the World” (tạm dịch: “Bàn tay ẩn: Vạch trần cách Đảng Cộng sản Trung Quốc đang định hình lại thế giới”) của hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg, “48 Group Club” (tạm dịch: “Câu lạc bộ 48 tổ chức”) được thành lập với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa Anh Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu những năm 1950.
Mạng lưới này tự hào khoe rằng những chính trị gia nổi tiếng của Anh trong các giai tầng chính trị cũng như giới tinh hoa kinh doanh và văn hóa cũng đứng trong hàng ngũ của nó.
Một tổ chức tiếng tăm khác là Ban Công tác mặt trận Thống nhất, một tổ chức trực tiếp dưới quyền Ủy ban Trung ương Trung Quốc.
Ông Hamilton nói với The Epoch Times, “10 hay 15 năm trước, Ban Công tác mặt trận thống nhất này chỉ giống như một vùng nước đọng. Thế nhưng hiện giờ nó đã trở nên lớn mạnh hơn, quyền lực hơn và có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều trong chính quyền Trung Quốc. Ban Công tác mặt trận thống nhất đang đứng trên đỉnh cao của một bộ máy chính quyền gây ảnh hưởng rộng lớn trên toàn thế giới, cũng như ở chính Trung Quốc.”
Theo một báo cáo gần đây của Viện Chính sách Chiến lược Úc, đơn vị này đã điều phối hàng nghìn tổ chức nhằm thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng đến chính trị ở các nước, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ của các nước khác cho Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo này, cách thức gây ảnh hưởng đối với chính trị ở các quốc gia của đơn vị này là thường lén lút mua chuộc giới tinh hoa bao gồm các chính trị gia, các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở quốc gia đó. Cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài cũng là một trong những mục tiêu chính của đơn vị này, thể hiện bằng việc ĐCSTQ tìm cách kết nạp và kiểm soát các nhóm cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông tiếng Hoa.
Báo cáo nêu rõ, các công tác của Mặt trận thống nhất ở nước ngoài thực chất là “xuất khẩu hệ thống chính trị của ĐCSTQ” ra nước ngoài nhằm mục tiêu “làm suy yếu sự gắn kết xã hội, làm trầm trọng thêm căng thẳng chủng tộc, gây ảnh hưởng đến chính trị, xói mòn đạo đức của giới truyền thông, tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp và tăng cường chuyển giao công nghệ không qua giám sát”.
Báo cáo của Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington cho biết, một trong những cơ cấu hữu hiệu được Mặt trận Thống nhất sử dụng là “các tổ chức hữu nghị Trung Quốc”. Các tổ chức dân sự này được thành lập bề ngoài để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc nhưng thực chất là các nhóm bình phong cho ĐCSTQ.
CSBA cho biết các nhóm này thường được ngụy trang thành các tổ chức “địa phương” do chính công dân của nước sở tại điều hành, thường là giới tinh hoa thu hút từ các tầng lớp chính trị và cộng đồng kinh doanh của châu Âu.
Báo cáo cho biết, thành viên của các nhóm này “lặp lại như con vẹt những luận điểm của ĐCSTQ, làm lệch hướng các tin tức gây tổn hại đến hình ảnh của Bắc Kinh, chủ trì các sự kiện công cộng nhằm phô trương mặt tốt của ĐCSTQ, thúc đẩy thương mại và đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ, và lên tiếng ủng hộ cho các chính sách có lợi đối với ĐCSTQ”.
Ông Hamilton nói, khái niệm “tình hữu nghị” có nội hàm đặc biệt đối với Trung Quốc, và nó hoàn toàn không giống như cách người phương Tây vẫn thường nghĩ.
Ông cho biết, “Bất kỳ tổ chức nào của Trung Quốc có chữ tình bạn hay tình hữu nghị đều đáng nghi”.
Ban Tuyên giáo Trung ương của Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài. Gần như tất cả các phương tiện truyền thông tiếng Hoa ở Anh đều nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, và thậm chí một số hãng truyền thông chính thống của Anh Quốc cũng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Theo tờ The Guardian, trong vòng hơn một thập kỷ, tờ Daily Telegraph đã đăng một phụ trương mang tên “China Watch” trên cả báo giấy và báo điện tử của mình. Chuyên mục này do China Daily, một tờ báo chính thống của Trung Quốc tài trợ, trên đó cung cấp cho đọc giả đủ các bài báo tuyên truyền ca ngợi vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Tờ Telegraph chỉ mới ngừng xuất bản chuyên mục được trả phí này vào tháng 4/2020 trước làn sóng chỉ trích và giám sát ngày càng tăng đối với các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Anh Quốc.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tài trợ cho các Viện Khổng Tử (CIs), là nơi bị cáo buộc đã hỗ trợ tuyên truyền cho ĐCSTQ dưới vỏ bọc quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong khuôn viên các trường đại học ở Anh. Có hàng nghìn Viện Khổng Tử trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 30 viện trong các trường đại học và hơn 100 ‘Lớp học’ Khổng Tử trong các trường học phổ thông tại Vương quốc Anh.
Cung cấp các khoản tài trợ và quỹ nghiên cứu là một chiêu bài khác mà ĐCSTQ thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến các tổ chức của Vương quốc Anh, các tổ chức nghệ thuật cũng không nằm ngoài số đó.
Ông Hamilton cho biết, “Một trong những điều khiến tôi bất ngờ nhất về quá trình Trung Quốc gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác đó là trong khi Trung Quốc bản thân nó vốn khét tiếng với sự đàn áp tàn nhẫn đối với bất kỳ sự sai lệch văn hóa nào so với đường lối chính xác từ văn hóa Đỏ tại Trung Quốc, lại nghiễm nhiên được cho phép ảnh hưởng đến các tổ chức văn hóa lớn ở phương Tây, thao túng các chương trình và kiểm duyệt nội dung các chương trình biểu diễn.”
Trong khi đó, một báo cáo được công bố vào tháng 3 khẳng định rằng Bắc Kinh đã lợi dụng đại dịch virus Vũ Hán, bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và thực hiện các tham vọng rộng lớn hơn của mình [trên quy mô toàn cầu].
Theo báo cáo của Horizon Advisory, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, “Bắc Kinh đang mưu đồ lợi dụng sự bất ổn và suy thoái toàn cầu để thu hút đầu tư nước ngoài, giành lấy thị phần và nguồn lực chiến lược – đặc biệt là những thị phần buộc phải phụ thuộc [vào Trung Quốc]”.
Mặc dù vậy, nhiều hành động của ĐCSTQ đã phản tác dụng và ngày càng chịu nhiều phản ứng dữ dội.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, Bắc Kinh đã gửi một loạt chuyên gia y tế và vật tư như khẩu trang và máy thở đến các quốc gia đang thiếu thốn để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, trớ trêu thay các vật tư này thường bị lỗi, khiến các nước nhận bất đắc dĩ phải từ chối các trang thiết bị bị lỗi đó.
Theo một báo cáo vào tháng 4 năm nay, chính phủ Anh Quốc đã chi 20 triệu USD để mua các bộ xét nghiệm kháng thể COVID-19 từ hai công ty Trung Quốc, nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng chúng không hoạt động bình thường. Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Czech và Phần Lan cũng chịu tình cảnh tương tự khi nhận được các nguồn hàng kém chất lượng từ Trung Quốc.