Ảnh hưởng của glyphosate đến sức khỏe và môi trường
Hoạt chất diệt cỏ Glyphosate được biết đến từ đầu những năm 1970 khi được hãng Monsanto giới thiệu với tên thương mại là Roundup. Kể từ đó, các sản phẩm glyphosate khác đã xuất hiện, với nhiều tên gọi khác nhau và với công thức hóa học khác nhau tùy thuộc vào thành phần bổ sung được dùng để tạo ra chúng.
Vào ngày 26/06/2017, tiểu bang California đã quyết định phân loại Roundup là chất có khả năng gây ung thư.
Những loại thuốc diệt cỏ này là một trong những loại được sử dụng rộng rãi nhất trong nông nghiệp. Có nhiều lý do cho điều này: dễ sử dụng, chi phí thấp, tác động lên quá trình trao đổi chất nhất định của thực vật.
Mặc dù độc tính của glyphosate là không thể phủ nhận, nhưng có nhiều tranh cãi về mức độ độc hại này đối với các sinh vật sống khác nhau và đối với môi trường.
Độc tính này không chỉ phụ thuộc vào loại chế phẩm glyphosate, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH, bản chất và cấu trúc của đất, cũng như các trầm tích và nồng độ tảo thực phẩm trong môi trường thủy sinh.
Những ảnh hưởng đến thực vật?
Cơ chế hoạt động của glyphosate là ức chế một con đường trao đổi chất nhất định đối với sự phát triển của thực vật, mà không tồn tại trong các cơ thể sống khác như động vật hoặc côn trùng.
Nhưng những chất này không chỉ ảnh hưởng đến cỏ dại. Và quan điểm cho rằng glyphosate dễ dàng bị phá vỡ và hấp thụ vào đất mà không gây tác hại đến nông nghiệp là không chính xác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng glyphosate dễ dàng vận chuyển từ thân cây xuống rễ; do đó, chúng có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến các cây trồng.
Những tác động tiêu cực này bao gồm giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ đất, chẳng hạn như mangan, kẽm, sắt và bor, vốn được biết là có vai trò trong cơ chế kháng bệnh ở thực vật. Do đó, bằng cách làm giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng này, glyphosate gây ảnh hưởng gián tiếp đến khả năng kháng bệnh của cây trồng, điều này dẫn đến việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn.
Những ảnh hưởng đến động vật hoang dã
Những tác động độc hại của glyphosate đối với động vật hoang đã được chứng minh là mạnh hơn đối với thực vật.
Các nghiên cứu về độc tính trên chuột đã chỉ ra rằng mặc dù glyphosate-Roundup (glyphosate được biết đến nhiều nhất) không gây ra tác dụng độc hại rõ ràng ở phụ nữ mang thai, nhưng nó có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của nam giới, bao gồm cả sự bất thường trong tinh trùng và sự suy giảm khả năng sinh sản.
Các thí nghiệm khác, đặc biệt được thực hiện trên ếch, đã chỉ ra rằng các thành phần bổ sung – nghĩa là các thành phần khác với nguyên tắc hoạt động giống như là một thành phần của Roundup – có tác động tiêu cực, cụ thể là đối với hormone tuyến giáp của ếch.
Mặt khác, ảnh hưởng của glyphosate đối với các loài chim hoang dã nhiều hơn là đối với chim nuôi. Đối với chim nuôi, sự tích tụ glyphosate trong cơ thể chúng là tương đối thấp, vì chúng ít tiếp xúc trực tiếp hơn với những chất này.
Đối với các sinh vật biển, mặc dù chúng ít bị ảnh hưởng hơn các loài sống trên cạn, nhưng nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng glyphosate gây tổn thương đến gan và thận, như trường hợp của cá rô phi ở sông Nile; sau 96 giờ tiếp xúc với liều lượng tương đối cao, người ta quan sát thấy rằng tỷ lệ tử vong của chúng đã tăng lên. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng glyphosate làm giảm một số chức năng của gan và sự trao đổi chất nói chung.
Ảnh hưởng đến đất?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng glyphosate có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật trong đất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự hấp thụ, suy thoái và rửa trôi (tức là mất các nguyên tố khoáng do rửa trôi) từ đất do glyphosate gây ra là khác nhau tùy thuộc vào các loại đất; vẫn còn nhiều điều cần phải tìm hiểu trong lĩnh vực này.
Sự thay đổi và không chắc chắn này khiến rất khó để thiết lập một bức tranh rõ ràng về vai trò của glyphosate trong đất. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt: một số phức hợp khoáng chất trong đất chứa nhiều glyphosate hơn những phức hợp khác.
Ở đây cần nhấn mạnh rằng chất hữu cơ – một trong những yếu tố tích cực nhất trong đất – dường như không có khả năng hấp thụ và giữ lại glyphosate; nhưng nó có thể đóng một vai trò nhất định trong quá trình này. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các chất dinh dưỡng trong đất, những chất này dường như cũng đóng một vai trò thực sự trong việc hấp thụ glyphosate.
Người ta đưa ra giả thuyết rằng phosphate đã tham gia vào quá trình này, mặc dù một số ý kiến trái ngược đã được ghi nhận. Ở một số loại đất, việc giải hấp thụ phosphate sẽ hỗ trợ quá trình phân hủy glyphosate; trong khi các loại khác, thì có tác dụng ngược lại, hoặc không có tác dụng.
Những quan sát này đã dẫn đến việc phân chia đất thành hai loại: đất có sự cạnh tranh giữa glyphosate và phosphate, loại sau được ưu tiên hơn; với những điểm hấp phụ cụ thể, chúng có thể có lợi cho glyphosate hoặc phosphate. Do đó, đất giàu phosphate có thể giữ lại ít glyphosate hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn ở các lớp đất dưới và nước ngầm. Ngược lại, đất nghèo phosphate sẽ là một yếu tố góp phần vào việc tích tụ glyphosate ở các lớp đất phía trên và do đó, cây trồng sẽ tích tụ nhiều hơn.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng glyphosate được sử dụng với liều lượng khuyến cáo trong nông nghiệp không ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể vi sinh vật – hệ vi sinh vật, một trong những yếu tố chính gây ra sự phân hủy glyphosate trong đất – và ít ảnh hưởng đến quần thể nấm; những tác dụng kích thích thậm chí đã được quan sát thấy ở một số loại vi sinh vật.
Ảnh hưởng đến con người?
Như với tất cả các nghiên cứu về độc tính hóa học, độc tính của glyphosate đối với con người là đề tài của chỉ một vài nghiên cứu, so với những nghiên cứu được thực hiện ở động vật; điều này chủ yếu là do những khó khăn về kỹ thuật và đạo đức, chưa kể đến những hạn chế về tài chính và thương mại.
Mặc dù nhiều nghiên cứu thường chỉ ra rằng các thành phần bổ sung được sử dụng, đặc biệt là polyoxyethyleneamine hoặc POEA, có hại hơn nhiều so với hoạt chất của glyphosate, thực tế vẫn là loại thuốc trừ sâu này gây ra mối đe dọa đối với môi trường và sức khỏe con người.
Ngày nay, nếu glyphosate được coi là không độc với liều lượng khuyến cáo của cơ quan quản lý, thì giới khoa học tin rằng những chất này là độc hại và thậm chí gây ung thư, giống như nhiều loại thuốc trừ sâu.
Ví dụ như Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã công bố một báo cáo vào tháng 03/2015 phân loại glyphosate là “nguyên nhân có thể gây ung thư ở người”, trong khi Cơ quan An ninh Âu Châu về Thực phẩm (EFSA) đã chỉ ra vào tháng 11 cùng năm rằng Roundup không có nguy cơ gây ung thư cho con người.
Cuộc tranh cãi này đã nổ ra vào tháng 03/2017 do Cơ quan Hóa chất Âu Châu (ECHA) quyết định không phân loại glyphosate là chất gây ung thư. Thêm vào đó là sự sửa đổi của Tổ chức Y tế Thế giới, tổ chức này đã tuyên bố vào tháng 05/2016 rằng Roundup không có khả năng gây ung thư, mặc dù trước đó vài tháng họ đã có báo cáo ngược lại.
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học đã công bố một bài bình luận về cuộc tranh cãi xung quanh việc glyphosate có gây ung thư hay không. Sau cùng, để xem xét sản phẩm này như là chất gây ung thư thì cần phải có sự quản lý phù hợp và nghiêm ngặt hơn về mặt khoa học, dựa trên các đánh giá và dữ liệu khoa học về các trường hợp ung thư được báo cáo ở người và một số động vật thí nghiệm.
Dựa trên kết luận này, và trong trường hợp không có bất kỳ bằng chứng nào ngược lại, có vẻ hợp lý khi kết luận rằng glyphosate, trong tất cả các công thức hóa học của chúng, nên được coi là chất có khả năng gây ung thư.
Sẽ thật không may nếu hồi tưởng lại thảm kịch của DDT, một loại thuốc trừ sâu được công nhận là nguy hiểm và bị cấm vào những năm 1970.
Tác giả Noureddin Benkeblia, Giáo sư Khoa học Thực vật, Khoa Khoa học Đời sống, Đại học Tây Ấn, Cơ sở Mona
Ngọc Quỳnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Pháp ngữ
Xem thêm: