Thiên cổ anh hùng Hàn Tín (P. 9): Oan khuất ở nhà chuông
Nhân vật anh hùng thiên cổ trong Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm – Binh Tiên chiến Thần Hàn Tín
Xem lại:
Phần 1: Hàn Tín – Lòng ôm chí lớn, ẩn thân giấu tài
Phần 2: Hàn Tín – Tài năng không gặp thời
Phần 3: Hàn Tín – Trong tuyệt vọng tìm thấy lối thoát
Phần 4: Hàn Tín – Một tay gây dựng cơ đồ nhà Hán
Phần 5: Hàn Tín – Trận chiến Bối Thủy
Phần 6: Hàn Tín – Một lòng trung thành
Phần 7: Hàn Tín – Tứ diện Sở ca
Phần 8: Hàn Tín – Công cao át chủ
4. Oan khuất ở nhà chuông
Sau khi Lưu Bang đăng cơ, các vị Vương khác họ được phong vào thời cùng Hạng Vũ tranh bá như Bành Việt, Anh Bố, Hàn Tín v.v. đều trở thành mối họa tâm phúc khiến ông ta ngày đêm lo lắng, tất muốn nhổ đi cho nhanh. Trong số những vị vương khác họ thì tài năng và danh tiếng của Hàn Tín là lớn nhất, càng khiến Lưu Bang đố kỵ không thể yên tâm.
Sau khi Hàn Tín bị giam lỏng, biết Lưu Bang kiêng dè công lao của mình, nên thường xuyên cáo bệnh không ra, hành sự thì khiêm cung nhẫn nhịn. Hàn Tín chỉ ở trong nhà chỉnh lý binh pháp, Lưu Bang thỉnh thoảng đến thăm. Có một lần Lưu Bang hỏi Hàn Tín: “Người xem ta có thể chỉ huy bao nhiêu binh sĩ?” Hàn Tín thẳng thắn trả lời: “Nhiều nhất là 10 vạn”. Lưu Bang lại hỏi: “Thế còn bản thân nhà ngươi? có thể cầm bao nhiêu quân?” Hàn Tín trả lời: “Càng nhiều càng tốt”. Đây chính là khởi nguồn của thành ngữ “Hàn Tín điểm binh, càng nhiều càng tốt”. Lưu Bang nghe xong liền cười lớn, “Ngươi cầm binh càng nhiều càng tốt, sao lại phải làm thần tử của ta?” Hàn Tín bình tĩnh trả lời: “Bệ hạ tuy không giỏi cầm quân, nhưng lại giỏi cầm tướng, cho nên thần là bề tôi của bệ hạ. Vị trí của Bệ hạ là do trời ban, hoàn toàn không phải là do sức người tranh đoạt được”. Lời nói này của Hàn Tín là muốn nói với Lưu Bang, tuy tài năng của ông cao hơn Lưu Bang nhưng hoàn toàn không phải vì thế mà trong lòng có ý làm phản, nhòm ngó ngôi vị. Ai có thể lên ngôi vị hoàng đế đều là do thượng thiên quyết định, cũng không phải do con người có thể cải biến được.
Tuy là như vậy, Lưu Bang vẫn không muốn buông tha cho ông. Ông ta e dè Hàn Tín công lao cái thế, hành vi đoan chính, nếu xứ trí vội vàng sẽ khiến quần thần chán nản, thiên hạ bất mãn. Huống chi hồi đầu Hàn Tín công lao cao ngất, ông ta đã từng đáp ứng với Hàn Tín “tam bất sát”, chính là “thấy trời không giết, thấy đất không giết, thấy sắt không giết”. Ông ta muốn giết Hàn Tín, lại không muốn lưu tiếng xấu “lấy oán báo ân”, “vong ân bội nghĩa”, cứ mãi khổ sở vì không có kế nào vẹn toàn cả đôi. Vợ của Lưu Bang Lã Hậu nhìn rõ tâm tư của ông ta, coi thường ông ta dám nghĩ mà không dám làm, liền rắp tâm làm thay.
Lã Hậu, tên là Trĩ, là người cố chấp, thâm hiểm độc ác. Thời con trẻ cả gia đình vì trốn tránh kẻ thù mà dời đến huyện Bái. Phụ thân của bà là Lã Công thấy Lưu Bang tướng mạo hơn người, bèn đem Lã Trĩ gả cho Lưu Bang. Khi Lưu Bang bị thua Hạng Vũ ở Bành Thành, trong lúc loạn lạc đã bị thất tán gia đình. Lã Hậu và cha mẹ của Lưu Bang bị quân Hạng Vũ bắt làm tù binh, trở thành con tin. Mãi cho đến khi Hàn Tín chiếm được nước Tề, công chiếm được kho lương của quân Sở, Hạng Vũ bị ép phải nghị hòa ở Hồng Câu, phóng thích người nhà của Lưu Bang, Lã Hậu mới được kết thúc cuộc sống con tin, trở về bên cạnh Lưu Bang.
Nói như vậy thì Hàn Tín là ân nhân của Lã Hậu. Có điều bà ta không nghĩ đến chuyện đó. Không lâu sau, khai quốc công thần Trần Hy tự xưng Vương nước Đại, liên hợp Hàn Vương Tín, Yên Vương Quán khởi binh làm loạn. Lưu Bang thân chinh dẫn quân bắc phạt, Lã Hậu và Tiêu Hà bảo vệ kinh đô Trường An. Lã Hậu biết thời cơ đã tới, liền mua chuộc môn đồ của Hàn Tín là Loan Thuyết, phong cho ông ta là Thận Dương hầu, để ông ta vu cáo Hàn Tín “mưu phản”. Sau đó ép Tiêu Hà ra mặt, nói dối là Lưu Bang đã dẹp được phiến quân chiến thắng trở về, yêu cầu chư hầu và quần thần vào triều chúc mừng, dùng cách đó lừa Hàn Tín vào cung. Một Tiêu Hà tinh khôn hơn người lẽ nào không nhận ra chứng cứ trong tay Lã Hậu là không đáng tin, nhưng sợ thủ đoạn độc ác của bà ta nên không dám trái mệnh.
Tiêu Hà năm đó toàn lực tiến cử Hàn Tín làm đại tướng quân, thống lĩnh ba quân, có thể nói là tri âm của Hàn Tín. Do vậy Hàn Tín đối với Tiêu Hà nhất mực tôn kính và hết lòng tin tưởng. Tuy trong lòng ông không muốn tham dự buổi chầu này, nhưng nể mặt Tiêu Hà, cố gắng gượng đến Trường Lạc cung. Vừa mới tiến vào, võ sĩ đã mai phục sẵn nhất tề xông lên, vây chặt Hàn Tín. Hàn Tín khi đó biết là mình mắc bẫy vội kêu Tiêu Hà, nhưng ở đâu có bóng dáng của Tiêu Hà? Lã Hậu ngồi ở trên điện, nét mặt và giọng nói nghiêm trang, chỉ trích Hàn Tín có ý muốn hại bà và Thái tử, căn bản là không cho Hàn Tín cơ hội để giãi bày, rồi đưa ông vào nhà treo chuông trong cung Trường Lạc xử tội chết. Một đời danh tướng đã bị Lã Hậu tính kế giết hại như vậy.
Giết Hàn Tín rồi, Lã Hậu vẫn chưa muốn dừng tay, lại hạ lệnh diệt ba đời phụ mẫu và thê tử của Hàn Tín. Khi đó tháng giêng mùa đông giá rét, tuyết lớn mênh mông che phủ bầu trời, mấy ngàn người vô tội, máu nhuộm Trường An, âm thanh gào khóc đi kèm với tiếng gió rít của gió bắc lạnh thấu xương phiêu đãng khắp trên bầu trời Trường An. Người dân khắp thành Trường An đều than khóc, không ai không cảm thấy bi thương. Mọi người đều nói Hoài Âm Hầu đã lấy nghìn vàng để đền ơn bát cơm Phiếu mẫu, làm sao lại có thể phản bội lại Hoàng Đế đã nhường cơm xẻ áo năm đó? Nếu như thật sự có tâm mưu phản, lại có thể chỉ vì mấy câu của Tiêu Hà mà dễ dàng tiến cung chầu mừng? Nếu như Hàn Tín không có phản bội Hoàng Đế, là Hoàng Đế nhẫn tâm cô phụ tấm lòng trung của Hàn Tín, vậy thì cái chết của Hàn Tín chẳng phải là chết oan hay sao?
Lưu Bang bình định được Trần Hy xong quay về nghe thấy tin Hàn Tín chết rồi, không hỏi Lã Hậu vì sao giết Hàn Tín, cũng không trách vì sao không đợi ông ta về rồi hãy xử lý, chỉ hỏi Hàn Tín trước khi chết có nói gì không. Sử sách có ghi lại phản ứng của ông ta là “vừa vui mừng vừa thương xót”, một mặt là trừ được mối họa lớn trong lòng, mặt khác lại cảm thấy Hàn Tín thực sự rất đáng thương.
Sát hại Hàn Tín xong, bọn họ lại dùng thủ đoạn tương tự đối phó Bành Việt. Bành Việt người Xương Ấp, xuất thân là giặc cướp ở vùng đầm cỏ. Khi Lưu Bang phụng mệnh Sở Hoài Vương xuất binh tây tiến, Bành Việt liền dẫn quân trợ giúp. Trong chiến tranh Hán-Sở, Bành Việt luôn ở hậu phương kiềm chế Hạng Vũ, đã giải tỏa được rất nhiều áp lực cho Lưu Bang. Khi Lưu Bang ở lúc vô cùng khó khăn, ông ta lại tịch thu được lượng lớn lương thực cung cấp cho quân của Lưu Bang. Trước cuộc quyết chiến hai bên Lưu-Hạng, Lưu Bang đã từng giao ước với Hàn Tín và Bành Việt là sau khi thắng lợi sẽ chia ba thiên hạ. Sau này chỉ phong Bành Việt là Lương Vương, Bành Việt cũng không để ý lắm về chuyện đó.
Bành Việt và Lưu Bang về tuổi tác gần bằng nhau, tính khí tính cách cũng tương đồng, trong lớp khai quốc công thần, ông ta là gần gũi với Lưu Bang nhất. Ông xử lý công việc thận trọng, đặc biệt là sau khi Hàn Tín bị phế là Hoài Âm Hầu thì ông ta càng cẩn thận từng ly từng tý, như dẫm trên tảng băng mỏng.
Khi Trần Hy phản loạn, Lưu Bang lệnh cho Vương chư hầu cùng xuất binh đi chinh phạt. Bành Việt tuổi tác đã cao, lại lúc có bệnh, bèn cử bộ tướng xuất binh đến Hàm Đan hội sư với Lưu Bang, Lưu Bang rất tức giận. Sau khi về tới Lạc Dương, Lưu Bang định cho ông tội danh mưu phản rồi phế làm thứ dân, lưu đày ở huyện Thanh Y nước Thục.
Bành Việt trên đường đi lưu đày gặp Lã Hậu, ông tưởng rằng gặp được cứu tinh liền khóc lóc trước mặt Hoàng hậu kể lể bị oan, cũng nói là mình tuổi tác cao rồi, không cầu gì khác, chỉ muốn có thể về lại quê nhà ở Xương Ấp sống nốt những năm cuối đời là mãn nguyện lắm rồi, không dám có ý đồ gì khác. Lã Hậu đỡ Bành Việt lên rồi trấn an ông ta nói: “Lương Vương không cần phải đau buồn, tất cả đã có ta, ngươi lên xa giá theo ta về Lạc Dương, gặp Hoàng Thượng, ta sẽ nói hộ ngươi”.
Vừa về đến Lạc Dương, bà ta liền trách cứ Hán Cao Tổ thả hổ về rừng, nên nhổ cỏ tận gốc, để trừ hậu họa. Vì để định vững tội danh của Bành Việt, bà ta mua người ở thuê của thuộc hạ của ông ta để ông ta vu cáo Bành Việt mưu phản, thủ đoạn và cách đối phó giống như cùng vệt bánh xe với Hàn Tín. Kết quả, Bành Việt xui xẻo không những thân vong tộc diệt, Lã Hậu còn sai người đem thi thể của ông ta băm nát làm thành tương thịt phân phát cho các chư hầu thưởng thức.
Lưu Bang và Lã Hậu lo lắng rằng việc sát hại Hàn Tín sẽ bị đời sau chê trách, liền thêu dệt tội danh, tạo chứng cứ. Không chỉ chụp cho Hàn Tín tội mưu phản mà còn đem cái chết của Lệ Thực Kỳ và Chung Ly Muội đổ lên đầu Hàn Tín nhằm làm ô uế danh tiếng của ông và còn đem những điều đó ghi vào trong hồ sơ chính thức và trong sử sách, khiến chân tướng lịch sử đã bị che đậy.
Trong “Sử ký” cũng ghi chép là Hàn Tín cùng với Trần Hy bàn bạc về việc mưu phản. Nếu như Hàn Tín xác thực có lòng mưu phản, tại sao khi ở chức Tề Vương, ông có đầy đủ thực lực cùng Lưu Bang, Hạng Vũ lập thế chân vạc lại không làm phản, mà ở vào tình thế không binh không lính lại tạo phản? Phân tích những ghi chép trong “Sử ký” đối chiếu với ghi chép liên quan đến việc Hàn Tín mưu phản, đều có thể nhận thấy rất nhiều chỗ mâu thuẫn:
Thứ nhất, khi Lưu Bang còn chưa định rõ thắng thua, Hàn Tín đã cự tuyệt khi Khoái Thông đến du thuyết, đợi đến lúc Lưu Bang công thành danh toại ông lại thay lòng đổi ý? Một tướng soái am tường binh pháp có hành vi như thế là trái với lẽ thường.
Thứ hai, Hàn Tín hai lần bị Lưu Bang đột kích tước binh quyền, cộng thêm sự phân tích của Khoái Thông, Hàn Tín không thể không phát hiện được sự nghi kỵ và sợ hãi của Lưu Bang đối với ông. Nhưng khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây khốn ở Cố lăng ông không mưu phản, khi đến đất Sở làm Sở Vương không mưu phản, khi đón Lưu Bang ở đất Trần không mưu phản, vì cớ gì vào lúc không quyền không binh, ẩn cư ở Trường An lại mưu phản?
Thứ ba, với trí huệ của Hàn Tín, không thể nào dưới tình huống bị giám sát, mà ông cùng với Trần Hy “tránh tả hữu rồi cùng ông ta đi vào trong triều” bàn bạc việc mưu phản. Giả sử xác thực có chuyện đó, khi Hàn tín và Trần Hy bàn tính mưu phản cũng không có người thứ ba ở đó, người ngoài làm sao biết được nội dung? Ghi chép của Tư Mã Thiên làm sao có thể chi tiết như thế?
Thứ tư, Trần Hy là thân tín của Lưu Bang, Trần Hy với Hàn Tín là quan hệ thông thường, mưu phản là chuyện lớn liên quan đến tính mệnh của cả gia tộc, Hàn Tín không thể tùy tiện cùng với thân tín của Hoàng đế thổ lộ tâm tư. Trần Hy đến Cự Lộc nhậm chức được mấy năm, không có thông tin qua lại với Hàn Tín, nên nói ông ta là đồng mưu với Hàn Tín khó mà khiến người ta tín phục.
Trái lại, xem xét hành vi của Lã Hậu và Lưu Bang, thực hư chuyện Hàn Tín “mưu phản” còn chưa rõ, Lã Hậu đã dụ ông vào mà giết. Đối với đệ nhất công thần bị giết, Lưu Bang hoàn toàn không trách cứ Lã Hậu, thậm chí không điều tra thêm, chỉ có thể nói là bọn họ đã bày mưu từ trước.
Hàn Tín bị giết, người đời sau đua nhau biểu lộ cách nhìn. Có người nói lúc Hàn Tín đăng đàn bái tướng đã gây ra sự đố kỵ của đám người Lưu Bang. Cũng có người nói là Hàn Tín ỷ có công cao sinh ra ngạo mạn dẫn tới tai họa. Còn có người cho rằng Hàn Tín tuy là danh tướng kiệt xuất, giỏi mưu kế với thiên hạ, nhưng lại thiếu trí huệ xử thế, tính toán cho mình kém. Kỳ thực từ cá tính và tâm địa của Lưu Bang mà nói, những vị vương khác họ như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố đều khó tránh vận xui xẻo.
Sau khi Hàn Tín, Bành Việt bị giết, mấy vị vương khác họ có công rất lớn trong cuộc chiến Hán Sở, cũng đều bị giết vì đủ loại lý do, chỉ có Trường Sa Vương Ngô Nhuế chết sớm, may mắn được thiện chung. Sau đó, Lưu Bang cùng các đại thần giết ngựa trắng hội thề: “Không phải họ Lưu mà làm vương, thiên hạ sẽ cùng đánh người đó” (“Sử ký-Lã thái hậu bản ký”). Có thể thấy việc trừ bỏ những vị vương khác họ là quốc sách đã định của Lưu Bang, đây mới chính là nguyên nhân thực sự khiến Hàn Tín bị giết.
Hoài Nam Vương Anh Bố bị tố cáo, bởi vì sợ hãi nên đã dấy binh tạo phản. Lưu Bang tuổi cao lại có bệnh nhưng vẫn buộc phải xuất chinh, hao binh tốn của mãi mới diệt và bình định được Anh Bố, Lưu Bang cũng bị thương do trúng tên.
Người bạn được tín nhiệm nhất của Lưu Bang là Yên Vương Lư Quán vì lo cho mình đã liên lạc với Hung Nô, bị phát hiện phải chạy trốn sang Hung Nô.
Không lâu, do vừa bị bệnh vừa bị thương, nên một đời kiêu hùng Lưu Bang đã chết trong sự cô lập hoàn toàn.
Lời kết:
Hàn Tín giành được thiên hạ cho nhà Hán, nhưng Lưu Bang quỷ kế đa đoan, mặt dày vô sỉ đã được hưởng trọn thành quả ấy. Sau Lưu Bang lại lấy tội danh “mưu phản” chụp mũ, khiến cho chiến thần một đời oai phong lẫm liệt, công cao cái thế chết oan ở trong cung Trường Lạc, để lại một mối hận nghìn thu.
Là một nhà quân sự, trong tất cả chiến dịch mà Hàn Tín chỉ huy, không kể là lấy ít thắng nhiều, lấy nhiều đánh ít, hay là lấy yếu thắng mạnh đều là dùng trí tuệ mà giành được chiến thắng. Minh tu sạn đạo, lén vượt Trần Thương, Lâm Tấn nghi binh, thực đánh Hạ Dương, thùng gỗ vượt sông, bày trận tựa sông, thay thế cờ địch, truyền hịch mà định, bao cát ngăn sông, địch đến nửa sông thì đánh (bán độ nhi kích), tứ diện Sở ca, thập diện mai phục v.v. mỗi một trận chiến của Hàn Tín đều là tuyệt tác của Thần, khiến người đời sau vô cùng ngưỡng mộ.
Là một chiến lược gia, lời mà ông nói lúc Lưu Bang lập đàn bái tướng đã trở thành sách lược căn bản của thắng lợi trong chiến tranh Hán Sở. Là thống soái, ông dưới một người, trên vạn người, dẫn quân xuất Trần Thương, bình định Tam Tần, bắt Ngụy, phá Đại, diệt Triệu, hàng Yên, phạt Tề, mãi cho đến trận chiến Cai Hạ toàn diệt quân Sở, không một lần bại. Thiên hạ không ai dám tranh với ông, chính ông là người có công tích vĩ đại lập ra cơ nghiệp kéo dài hơn 400 năm lưỡng Hán (Đông Hán và Tây Hán).
Là nhà lý luận quân sự, ông cùng với Trương Lương chỉnh lý binh thư, đồng thời có ba thiên binh pháp.
Các nhà quân sự nội ngoại cổ kim, hoặc là giỏi về bày mưu tính kế, hoặc giỏi về công thành trảm tướng, hoặc chuyên soạn thảo binh pháp, mà bản thân Hàn Tín kiêm tất cả. Ông không chỉ tung hoành ngang dọc, hô mưa gọi gió, mà còn kế thừa và phát huy các phái binh pháp của tiền nhân. Tài thao lược quân sự và mưu trí dụng binh trác việt của ông đã được các nhà quân sự đời sau tôn sùng ngưỡng mộ.
Phẩm chất, trí huệ của Hàn Tín và những chiến tích mà ông lập được trên chiến trường, đã sớm trở thành thành ngữ và điển cố mà nhiều người ưa thích, như: bữa cơm Xương đình, chịu nhục chui háng, thay cũ đổi mới, hàn khê dạ trướng (Tiêu Hà đuổi theo Hàn Tín), quốc sĩ vô song (nhân tài đất nước), đăng đàn cao đối, cái dũng của kẻ thất phu, lòng nhân của đàn bà, đau tận xương cốt, không hề tơ hào, làm trái lẽ thường, truyền hịch mà định, khí nuốt sơn hà, mộc anh lén độ, một mình trấn giữ, thay thế cờ địch, nghìn cái đúng có một cái sai, nghìn cái sai có một cái đúng (người trí tính toán một nghìn lần sẽ có một lần sai, người ngu tính một nghìn lần sẽ có một lần đúng), an giáp hưu binh (đình chiến), bao cát ngăn sông, kẻ địch qua nửa sông thì đánh, thịt nát xương tan, bất khả thắng số (nhiều không kể xiết), thời cơ không thể để mất, mất rồi không quay lại (cơ bất khả thất, thất bất tái lai), đặt chân tình vào bụng người ta (đắc nhân tâm), lòng người khó lường, thế ba chân vạc, dũng lược chấn chủ, công cái thiên hạ, nhường cơm xẻ áo dù chết không phản, đi xe người ta thì chung hoạn nạn với người ta, mặc áo của người ta thì lo chung nỗi lo với người ta, ăn cơm người ta thì chết vì việc của người ta, thập diện mai phục, tứ diện Sở ca, không thành nào không hạ không trận chiến nào không thắng, bát cơm ngàn vàng, lấy đức báo oán, điểu tân cung tàng, thố tử cẩu phanh, quốc phá thần vong (chim hết thì cất cung, thỏ chết thì chó săn bị nấu, phá được nước địch thì mưu thần vong), đa đa ích thiện (càng nhiều càng tốt), biết co biết duỗi, thành bại Tiêu Hà (thành do Tiêu Hà, bại cũng do Tiêu Hà), công cao bất nhị – lược bất thế xuất (công cao không có người thứ hai nào so được, mưu lược cao minh trên thế gian không xuất hiện thêm ai khác), binh tiên thần soái v.v., đã ảnh hưởng đến nền văn hóa 5,000 năm Trung Hoa và được lưu truyền thiên thu vạn đại.
(Hết)
Do nhóm nghiên cứu về các nhân vật thiên cổ anh hùng của 5,000 năm văn hóa Thần truyền thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: