Thiên cổ anh hùng Hàn Tín (P.1): Lòng ôm chí lớn, ẩn thân giấu tài
Vào những năm cuối thời nhà Tần, cục diện hỗn loạn, quần hùng khắp nơi tranh giành thiên hạ. Đúng lúc ấy Hàn Tín bước lên vũ đài, chỉ trong vòng 5 năm đã bình định sơn hà, một lần nữa thống nhất Trung Nguyên. Nhà Hán có thể làm chủ giang sơn, công lao đều thuộc về Hàn Tín.
Hàn Tín đã trở thành huyền thoại “bách chiến bách thắng”, ngay cả Bá vương Hạng Vũ từng được đánh giá là “thiên cổ không có người thứ hai” cũng đành ngậm ngùi trở thành bại tướng dưới tay Hàn Tín.
Là bậc đại căn khí vạn năm khó gặp, Hàn Tín ôm hoài bão bá vương, sẵn sàng nhẫn nhục, không nổi giận một cách vô cớ, và là một minh chứng hoàn hảo về người có tâm đại nhẫn.
Hàn Tín được hậu thế ca ngợi là “quốc sĩ vô song, binh Tiên chiến Thần” (nhân tài kiệt xuất, dụng binh và chiến đấu như Thần). Khả năng bày binh bố trận của ông đã đạt tới Thánh giới Tiên cảnh, tựa như thiên mã lướt gió tung mây, một mạch từ trên trời hạ xuống, động tác tuy nhẹ nhàng nhưng lại có sức nặng vạn cân. Cách dụng binh thần kỳ của Hàn Tín trong lịch sử không có người thứ hai. Tài năng phi phàm của ông khiến hậu thế ca ngợi không ngớt. Mỗi cuộc chiến do ông chỉ huy đều là bản thiên anh hùng ca hào tráng, mưu lược và nghệ thuật quân sự của ông xuất Thần nhập hóa, lưu danh ngàn đời.
Mời quý đọc giả đón xem loạt bài về Thiên cổ anh hùng Hàn Tín:
Phần 1: Hàn Tín – Lòng ôm chí lớn, ẩn thân giấu tài
Phần 2: Hàn Tín – Tài năng không gặp thời
Phần 3: Hàn Tín – Trong tuyệt vọng tìm thấy lối thoát
Phần 4: Hàn Tín – Một tay gây dựng cơ đồ nhà Hán
Phần 5: Hàn Tín – Trận chiến Bối Thủy
Phần 6: Hàn Tín – Một lòng trung thành
Phần 7: Hàn Tín – Tứ diện Sở ca
Phần 8: Hàn Tín – Công cao át chủ
Phần 9: Hàn Tín – Oan khuất ở nhà chuông
Phần 1: Lòng ôm chí lớn, ẩn thân giấu tài
Hàn Tín là người Hoài Âm, Giang Tô, sinh ra trong lúc gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Sử sách không ghi chép tượng tận về gia thế của ông, chỉ biết rằng thuở nhỏ ông và mẹ trải qua những tháng ngày cơ cực, phải nương tựa vào nhau mà sống. Bởi trong nhà cất giữ binh thư và bảo kiếm, cho nên từ nhỏ Hàn Tín đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều sách binh pháp. Cuốn “Giám Lược – Tần Ký” do Minh Lý Đình Cơ biên soạn viết: “Hàn Tín chính là hậu duệ của Hàn Quốc”, có thể nói tổ tiên của ông cũng từng là tầng lớp quý tộc.
Sau khi mẹ qua đời, cuộc sống càng thêm gian nan, Hàn Tín thường không có cơm ăn. Bởi nghèo khó túng thiếu, ông bị người khác khinh miệt và nhục mạ, cũng có khi phải nhận sự bố thí của người ngoài. Trong lịch sử có rất nhiều điển cố liên quan đến thuở hàn vi của Hàn Tín, như “Xương Đình chi khách” (làm khách nhà Xương Đình), “Thần xuy nhục thực” (thổi cơm sáng ăn ngay trên giường), “Khố hạ chi nhục” (chịu nhục chui háng), “Nhất phạn thiên kim” (Bát cơm ngàn vàng), “Năng khuất năng thân” (biết co biết duỗi), v.v.
Chuyện kể rằng, đình trưởng đình Nam Xương biết Hàn Tín không phải kẻ tầm thường, dù hiện tại nghèo khó nhưng mai sau nhất định sẽ là bậc xuất chúng, bởi vậy đình trưởng đặc biệt chú ý đến Hàn Tín và thường mời ông tới nhà dùng cơm. Nhưng vợ của đình trưởng lại tỏ ra không mấy thoải mái, dần dà bà sinh lòng chán ghét bèn nghĩ cách đuổi ông đi. Bà cho mọi người ăn sáng sớm và yêu cầu người nhà nhanh chóng đem nồi niêu bát đĩa thu dọn sạch sẽ. Hôm ấy như thường lệ, Hàn Tín đến nhà đình trưởng đúng giờ, nhưng chờ đợi ông là một chiếc bàn trống trơn, ngay cả một chút cơm thừa canh cặn cũng không còn. Kể từ đó, ông không còn đặt chân tới nhà đình trưởng thêm lần nào nữa. Hai câu thành ngữ: “Xương Đình chi khách” và “Xương Đình lữ thực” (nghĩa là “làm khách nhà Xương Đình”) đều ra đời từ đây.
Ngoài việc học hành, mỗi khi rảnh rỗi Hàn Tín thường ra sông buông câu. Có một bà lão thường đem quần áo ra sông giặt (người đời sau gọi bà là Phiêu mẫu), rất cảm thông với cảnh ngộ của Hàn Tín nên thường chia đồ ăn của mình cho ông. Hàn Tín vô cùng cảm kích, thề rằng sẽ báo đáp ân tình của bà lão. Sau này khi Hàn Tín áo gấm hồi hương, quả nhiên đã biếu tặng Phiêu mẫu rất nhiều bạc tiền để báo đáp ân nghĩa năm xưa. Thành ngữ “Nhất phạn thiên kim” (Bát cơm ngàn vàng) cũng từ đây mà ra, ý tứ là nhận một giọt ân huệ sẽ báo đáp bằng cả một dòng.
Những ghi chép đầu tiên về Hàn Tín là “Hoài Âm hầu liệt truyện” trong “Sử Ký”, kể rằng thuở thiếu thời Hàn Tín là một kẻ ‘ăn không ngồi rồi’. Thực ra, Hàn Tín có tham vọng thống nhất thiên hạ, bình định giang sơn. Nhà Hán học Vương Minh Thịnh của triều đại nhà Thanh đã viết trong quyển 5 của “Thập Thất Sử Thương Các”: “Lúc (Hàn Tín) chịu nhục sống nương nhờ, dựa trên những tri thức thường ngày, qua thời gian dài nghiền ngẫm tỉ mỉ, ông đã tìm ra cách để ‘chiến tất thắng, công tất thủ’ (đánh ắt thắng, tấn công ắt lấy được), ngay cả khi phải đối mặt với hàng trăm vạn quân sỹ”. Ông không chỉ thuộc làu binh thư mà còn am hiểu tường tận về nhiều lĩnh vực, như thiên văn địa lý, quy định pháp luật cũng như quân sự thường thức… không gì là không minh tỏ. Ngoài việc thuộc các điển cố trong lịch sử như Bắc Lý Hề phò trợ Tần xưng bá, Hàn Tín còn biên soạn binh thư, chỉnh lý các điều lệnh pháp luật trong quân đội, minh chứng rằng ông có kiến thức phong phú, học thức uyên bác, tuyệt nhiên không phải là một kẻ du thủ du thực.
Lúc Hàn Tín chưa thành danh có một điển cố nổi tiếng gắn liền với ông, gọi là “chịu nhục chui háng”. Dù rằng khi đó Hàn Tín thiếu cơm thiếu áo, nhưng với chí khí cao xa, khát vọng to lớn, ông thường đeo bên mình một thanh bảo kiếm. Trong thành Hoài Âm có kẻ vô lại là con trai của một đồ tể, cậu ta muốn làm nhục Hàn Tín nên đã chặn đường ông ở trên một con phố náo nhiệt và nói: “Ngươi đeo bảo kiếm làm gì? Đeo bảo kiếm thế có dám sát nhân không? Dám sát nhân thì hãy chặt đầu ta đi, còn không, thì hãy chui qua háng ta”. Đối mặt với lời khiêu khích bất ngờ này, Hàn Tín điềm tĩnh nhìn thẳng vào đối phương một hồi lâu mà không chút sợ hãi, cuối cùng, ông thản nhiên cúi người chui qua háng của kẻ vô lại kia.
Đại tông sư văn học Tô Thức trong “Hoài Âm hầu miếu ký” đã miêu tả cảnh giới không ngại danh tiếng bị vấy bẩn (“nhục thân ô tiết”) để nuôi chí lớn anh hùng (“súc anh hùng chi tráng đồ”) của Hàn Tín thời niên thiếu: “Ứng Long là Thần bởi giỏi biến hóa, biết lúc nào nên duỗi. Mùa hạ bay lên trời, tựa như một linh vật, đông đến lại nằm cuộn tròn trong bùn nhơ để tránh tai họa… Tướng quân chính là cam chịu danh tiếng bản thân bị ô nhục, để ở ẩn che giấu tài năng, chí hướng như chim tước cất cánh, như báo vươn mình. Được phong Sở Vương, báo đáp ơn Phiêu mẫu. Ôm thao lược bá vương, nuôi hoài bão to lớn của bậc anh hùng. Hoài bão bình định thiên hạ bốn phương, chí hướng to lớn không gì sánh bằng, bởi vậy mà chịu nhục chui háng”.
Người thản nhiên chịu nhục chui háng có thể chia thành hai kiểu người: Một là người tinh thần sa sút, thích an phận, thường gọi là kẻ “nhát gan”, còn một là người có chí hướng vô cùng cao xa, biết co biết duỗi, tùy cơ ứng biến, là người vì mang sứ mệnh to lớn mà nhẫn nhục. “Thời xưa, được gọi là anh hùng hào kiệt chắc chắn phải là bậc có khí tiết hơn người, có thể nhẫn điều mà người thường không thể nhẫn. Thất phu một khi bị sỉ nhục, liền không chịu nổi rút kiếm ra giao đấu, đây không phải là hành động dũng cảm. Bậc đại dũng trong thiên hạ, khi gặp chuyện bất ngờ sẽ không hoang mang sợ hãi, không vô cớ nổi giận. Làm được vậy là do người đó có hoài bão vô cùng to lớn, chí hướng cao xa” — (Trích đoạn văn chú thích về sự hoàn mỹ của hành động “chịu nhục chui háng” của Hàn Tín trong “Lưu Hầu truyện” của Tô Thức).
Người đời cho rằng việc Hàn Tín chịu nhục chui háng là thể hiện cho tâm thái của bậc vĩ nhân. Tại nơi xảy ra sự việc này năm đó, người Hoài Âm đã xây dựng một cây cầu đặt tên là “Khố Hạ kiều” (cầu chui háng) để tưởng nhớ Hàn Tín, bậc anh hùng có hoài bão vô cùng to lớn, tấm lòng khoan dung độ lượng, kiến thức sâu rộng mà những kẻ tiểu nhân không thể so bì.
(Đón xem Phần 2: Hàn Tín – Tài năng không gặp thời)