Anh đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
Hôm 20/7, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tuyên bố rằng, chính phủ Anh đã quyết định đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Đây là thông báo mới nhất của chính phủ Anh sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia hà khắc tại Hồng Kông.
“Chính phủ đã quyết định đình chỉ hiệp ước dẫn độ ngay lập tức và vô thời hạn,” ông Raab tuyên bố tại Hạ viện Quốc hội Anh vào ngày 20/7, bởi vì “việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới này đã thay đổi đáng kể các giả định chính yếu làm nền tảng trong việc dàn xếp hiệp ước dẫn độ của chúng tôi với Hồng Kông.”
Luật an ninh quốc gia, có hiệu lực vào ngày 30/6 vừa qua, hình sự hóa các cá nhân có bất kỳ hành vi lật đổ, ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài chống lại Bắc Kinh, với mức phạt tối đa là án tù chung thân.
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, đã nói rằng luật an ninh “cấu thành một sự vi phạm rõ ràng và nghiêm trọng đối với Tuyên bố chung Anh-Trung,” vì nó “vi phạm quyền tự trị cao cấp của Hồng Kông và đang xung đột trực tiếp với luật cơ bản của Hồng Kông.”
Canada, Úc và Hoa Kỳ đã đình chỉ các hiệp ước dẫn độ của các quốc gia này với Hồng Kông để đáp trả lại việc chính quyền Trung Cộng ban hành luật an ninh quốc gia tại đặc khu.
Ngoại trưởng Raab cũng tuyên bố rằng Anh sẽ áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với Hồng Kông.
“Do vai trò của Trung Quốc trong vấn đề an ninh nội bộ của Hồng Kông và quyền lực của Trung Quốc đối với lực lượng hành pháp [tại đặc khu], Vương quốc Anh sẽ mở rộng sang Hồng Kông lệnh cấm vận vũ khí mà chúng tôi đã áp đặt lên Trung Quốc đại lục từ năm 1989,” ông Raab tuyên bố tại Nghị viện Anh.
Theo các quy định mới, Vương quốc Anh sẽ cấm xuất khẩu sang Hồng Kông bất kỳ vũ khí, linh kiện hoặc đạn dược có khả năng gây thiệt mạng nào, và bất kỳ thiết bị nào có thể được sử dụng để trấn áp nội bộ, như cùm, thiết bị gây nhiễu, súng và lựu đạn khói.
Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình tại Đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK), ở Hồng Kông vào ngày 12/11/2019. (Ảnh: Philip Fong/AFP qua Getty Images)
“Vương quốc Anh đang theo dõi, và cả thế giới đang theo dõi,” ông Raab cho biết trong khi cam kết dẫn đầu các phản ứng quốc tế về tình hình ở Hồng Kông.
Ngoại trưởng Anh cũng khẳng định rằng, “Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc tham gia và phối hợp hành động của chúng tôi với các đối tác quốc tế phù hợp với cam kết lịch sử của chúng tôi đối với người dân Hồng Kông.”
Lisa Nandy, phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của Đảng Lao động đối lập, cho biết Đảng Lao động ủng hộ các biện pháp mới của chính phủ Anh một cách “mạnh mẽ”, và cảm ơn ông Raab “một cách nồng nhiệt” vì đã thực hiện những bước tiến mới.
Tuy nhiên, bà Nandy kêu gọi chính phủ Anh nên tiến xa hơn bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt theo đạo luật Magnitsky đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, những người phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền và xem xét sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án điện hạt nhân của Anh.
Sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông vào ngày 30/6, chính phủ Anh tuyên bố sẽ mở rộng quyền nhập cư cho khoảng 3 triệu cư dân Hồng Kông đủ điều kiện nhận hộ chiếu hải ngoại Anh.
Dưới áp lực của các nghị sĩ Hoa Kỳ và Anh quốc, từ cả hai đảng cầm quyền và phe đối lập, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh vào cuối năm 2020, và hứa sẽ loại bỏ hoàn toàn các bộ thiết bị Huawei hiện có từ mạng 5G của Anh quốc vào năm 2027.