Ăn thịt tạo ra độc tố gây hại cho thận
Thức ăn từ thịt động vật tạo ra phản ứng kiểu dây chuyền khiến tế bào dễ tích tụ cholesterol.
Chế độ ăn giàu thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng và phô mai có thể gây ra bệnh tim mạch, tiểu đường và tăng nguy cơ tử vong do mảng bám xơ vữa làm tắc nghẽn mạch máu. Thực phẩm từ động vật tạo ra một chất gây xơ vữa mạch máu gọi là TRIMETHYLAMINE N-OXIDE (TMAO). Với sự có mặt của vi khuẩn đường ruột, choline và carnitin có trong thịt động vật có thể chuyển đổi thành TMAO.
Cholesterol là nguyên nhân chính gây ra chứng xơ vữa động mạch, và TMAO góp phần đẩy nhanh quá trình này. Nghiên cứu của Stanley Hazen, một nhà nội tiết học và là trưởng khoa tim mạch dự phòng và phục hồi chức năng tim tại Phòng khám Cleveland ở Ohio, cho chúng ta biết TMAO dường như làm các tế bào viêm trong mảng xơ vữa trong thành động mạch tăng khả năng liên kết với cholesterol xấu LDL. Điều này có thể làm cho các tế bào dễ hấp thu cholesterol hơn.
Phát hiện này cung cấp cho các nhà nghiên cứu cái nhìn sâu sắc về cách cholesterol gây ra bệnh tim mạch.
TMAO không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch mà nó còn góp phần gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Các nhà nghiên cứu tại phòng khám Cleveland lưu ý rằng nó cũng góp phần gây ra suy tim và suy thận. Khi quan sát những bệnh nhân tiểu đường sau cơn nhồi máu cơ tim, nhóm thực sự có nguy cơ cao, thì gần như tất cả những người mà ban đầu có nồng độ TMAO trong máu cao nhất đều phát triển thành suy tim trong vòng 2.000 ngày, hoặc khoảng 5 năm. Trong khi đó, chỉ có khoảng 20% người có nồng độ TMAO trong máu ở mức trung bình bị suy tim và trong nhóm TMAO thấp không có ai bị bệnh .
Vì vậy, những người bị suy tim có mức TMAO cao hơn so với nhóm chứng, và những người bị suy tim nặng hơn có nồng độ này cao hơn những người bị bệnh tim ở giai đoạn nhẹ. Khi theo dõi người bị suy tim theo thời gian, như các nhà nghiên cứu ở Na Uy đã làm, trong vòng sáu năm, một nửa số họ bắt đầu với mức TMAO cao nhất đã chết. Phát hiện này cũng nhận kết quả tương tự trên hai nhóm bệnh nhân suy tim độc lập khác.
Tại sao lại như vậy? Nó có thể không chỉ là yếu tố góp phần gây xơ vữa động mạch, vì điều đó mất nhiều năm. Đối với hầu hết những người chết vì suy tim, cơ tim của họ chỉ dừng hoạt động hoặc xảy ra cơn loạn nhịp chết người. Có thể TMAO còn có tác dụng như một chất độc ngoài việc tăng nhanh quá trình tích tụ cholesterol.
Còn về suy thận thì sao? Theo ghi nhận của Wilson Tang (Phòng khám Cleveland) trên Tạp chí Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ, những người bị bệnh thận mãn tính gia tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Nguyên nhân được cho là do một loạt các chất độc liên quan đến urê huyết. Đây là những chất độc thường được thận lọc qua nước tiểu nhưng có thể tích tụ trong máu khi chức năng thận bị suy giảm. Khi chúng ta nghĩ đến độc tố urê, chúng ta thường nghĩ đến việc phân hủy protein tại ruột, đó là lý do tại sao chế độ ăn kiêng chỉ có rau củ đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để điều trị bệnh suy thận mãn tính. Thật vậy, những người ăn chay tạo ra ít hơn một nửa số độc tố urê này.
Tuy nhiên, đó không phải là nguồn tạo ra chất độc urê huyết duy nhất. TMAO, như chúng ta đã thảo luận, xuất phát từ sự phân hủy choline và carnitine được tìm thấy chủ yếu trong thịt và trứng, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân bệnh thận.
Nghiên cứu được thực hiện tại Pháp và Đại học Federal Fluminense ở Brazil về cách TMAO đảo ngược quá trình vận chuyển cholesterol, có nghĩa là nó chống lại nỗ lực của cơ thể chúng ta để kéo cholesterol ra khỏi động mạch.
Và khi chức năng thận của chúng ta càng kém đi, thì mức TMAO của chúng ta càng tăng cao, và mức độ tăng cao đó tương quan với số lượng mảng bám làm tắc nghẽn động mạch trong tim của họ. Nhưng một khi thận hoạt động trở lại sau khi được cấy ghép, mức TMAO có thể giảm xuống ngay lập tức. Vì vậy, TMAO đã được cho là một loại dấu ấn sinh học cho sự suy giảm chức năng thận – cho đến khi một bài báo được xuất bản từ Nghiên cứu Tim Mạch Framingham, cho thấy rằng “nồng độ choline và TMAO tăng cao ở những người có chức năng thận bình thường dự đoán nguy cơ cao phát triển các biến cố liên quan đến bệnh CKD [bệnh thận mãn tính]. ” Điều này cho thấy TMAO vừa là một dấu ấn sinh học, vừa là một chất độc cho thận.
Điều này cho thấy đây là một cơ chế gây ra bởi chế độ ăn uống gây tổn thương thận và rối loạn chức năng tiến triển, các nhà nghiên cứu đã viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Circulation Research: “ngụ ý mạnh mẽ rằng cần phải tập trung nỗ lực phòng ngừa vào việc điều chỉnh chế độ ăn uống,”. Điều này có nghĩa là gì? Đó là ăn ít thực phẩm tạo ra TMAO, chẳng hạn như một số loài cá biển sống ở vùng nước sâu, trứng và thịt.
Thu Ngân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times