Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới để chống lại Trung Quốc
Ấn Độ đang xây dựng 57 tuyến đường, tân trang 32 đường băng lên thẳng, đồng thời xây dựng 47 tiền đồn và 12 trại đóng quân cho ITBP (Cảnh sát Biên giới Ấn-Tây Tạng) của họ dọc biên giới với Trung Quốc. Nước này cũng đang xây dựng một tuyến đường riêng biệt có ý nghĩa quan trọng dọc theo biên giới ở khu vực Ladakh, một khu vực nằm ở cực bắc của Ấn Độ, nơi đã vấp phải sự bế tắc đầy căng thẳng với PLA kể từ năm ngoái.
Rajya Sabha, Thượng viện Ấn Độ, được thông báo hôm 15/03 rằng Bộ Nội vụ Ấn Độ tập trung vào cơ sở hạ tầng biên giới trong năm tài chính 2020-21, và đã chi 297 triệu USD (2,156.09 crore) trong năm 2019-20 cho nhiều dự án khác nhau dọc biên giới, theo nhật báo quốc gia The Hindu.
Theo báo cáo được chính phủ đưa ra, thì “chương trình này bao gồm nhiều tuyến đường, đường đi bộ, và tiền đồn biên giới (BOPS),” theo đó nước này đã xây dựng xong 335 dặm đường dọc theo biên giới với Trung Quốc. Báo cáo này được công bố vào thời điểm tình hình biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng sau cuộc xung đột đẫm máu hồi năm ngoái ở Galwan, vụ việc xảy ra bắt nguồn từ một dự án đường biên giới.
“Một trong những lý do dẫn đến cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan là sự phát triển nhanh chóng của Ấn Độ trên con đường này. Việc binh lính và xe bọc thép có thể di chuyển nhanh chóng hơn bằng con đường này khiến Trung Quốc vô cùng khó chịu. Tương tự như vậy, Trung Quốc đang xây dựng Đường cao tốc Karakoram để bảo đảm các lợi ích về năng lượng của mình nhằm tránh hoàn toàn tuyến đường trên Biển Đông,” ông Nikunj Deep Singh cho biết trong một bài phân tích được Observers Research Foundation xuất bản vào tháng 10/2020 khi hai nước này đang ở trong tình trạng bế tắc quân sự đầy căng thẳng.
Hai nước tiếp tục trong sự bế tắc biên giới nghiêm trọng ở khu vực phía đông Ladakh. Bất chấp việc đã rút quân khỏi bờ phía bắc và phía nam của hồ Pangong Tso vào hồi tháng Hai mới đây sau nhiều phiên đàm phán quân sự cao cấp, hai nước này vẫn tiếp tục tập hợp quân đội ở các khu vực khác, chẳng hạn như khu vực đồng bằng Depsang, Galwan, và Gogra-Hot Springs.
“Cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Ladakh cho thấy Ấn Độ cần phải chuẩn bị sẵn sàng mọi kế hoạch, bao gồm duy trì cảnh giác chặt chẽ dọc theo LAC, tăng cường tuần tra biên giới, nâng khả năng khai triển lực lượng nhanh hơn và ít chi phí hơn, và có thể cung cấp tất cả hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng được khai triển này. Về điểm này, các dự án này sẽ giúp đạt được tất cả các mục tiêu trên,” theo lời ông Bibhu Prasad Routray, nhà phân tích chiến lược đồng thời là Giám đốc tổ chức Mantraya-một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Goa, nói với The Epoch Times.
Cơ sở hạ tầng biên giới sẽ giúp Ấn Độ chống lại sự xâm lược của Trung Quốc và phục vụ mục đích an ninh quốc gia của nước này, đồng thời cũng giúp Ấn Độ đàm phán hòa bình trên Đường kiểm soát Thực tế (LAC), đường biên giới trên thực tế với Trung Quốc, ông Routray cho biết.
Việc phát triển các tuyến đường biên giới là rất quan trọng đối với Ấn Độ, đặc biệt là ở các khu vực phía bắc, nơi mà có thể tiến đến phía tây có biên giới tranh chấp với Pakistan và tiến đến phía đông có biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
“Mối đe dọa chính của Ấn Độ là một cuộc chiến hai mặt trận do cuộc chiến trái với thông lệ từ phía Pakistan và sự phô trương sức mạnh quân sự từ phía Trung Quốc. Do đó, ở phần phía bắc của Ấn Độ, có các cơ sở quân sự và bán quân sự cách nhau một đoạn ngắn. Nhưng nếu không có một cơ sở hạ tầng biên giới mạnh mẽ, tất cả đều sẽ sụp đổ,” ông Singh nói.
Trong một báo cáo được công bố hồi cuối năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times cho biết Trung Quốc coi việc phát triển cơ sở hạ tầng ở biên giới của Ấn Độ là nguyên nhân khiến căng thẳng biên giới tiếp diễn.
Trung Quốc “phản đối việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm cạnh tranh quân sự ở các khu vực biên giới tranh chấp. Dựa trên sự đồng thuận mà hai nước đã đạt được gần đây, thì không bên nào nên tiến hành bất kể hành động gì mà có thể làm phức tạp tình hình ở khu vực biên giới, để sẽ không làm suy yếu các nỗ lực song phương vốn nhằm giảm bớt sự căng thẳng,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết vào năm ngoái.
Một tuần trước khi báo cáo về cơ sở hạ tầng và đường biên giới được công bố tại thượng viện Ấn Độ, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc họp báo vào hôm 07/03 để kêu gọi hàn gắn quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau sự bế tắc căng thẳng tại biên giới, Global Times đưa tin.
“Tranh chấp biên giới, một vấn đề được truyền lại từ lịch sử, không phải là toàn bộ câu chuyện về mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ,” ông Vương Nghị nói. Hiện vẫn chưa có phản hồi chính thức từ phía Ấn Độ về các tuyên bố của ông Vương.
Do Venus Upadhayaya thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: