Ấn Độ xây dựng cảng nước sâu ở Sri Lanka để đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh
Một công ty Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 700 triệu USD để xây dựng một cảng container nước sâu quan trọng về mặt chiến lược ở Sri Lanka, một hành động được coi là biện pháp đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á.
Tập đoàn Adani của Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Cơ quan Cảng vụ Sri Lanka (SLPA) hôm 30/09 để xây dựng nhà ga tại cảng Colombo, thủ đô của quốc đảo này.
SLPA cho biết trong một thông cáo truyền thông rằng thời hạn của thỏa thuận này là 35 năm. Sau đó quyền sở hữu cảng sẽ được chuyển cho Sri Lanka.
Công ty địa phương John Keells sẽ nắm giữ 34% cổ phần liên doanh trong khi Adani Group sẽ nắm giữ 51%. Cảng vụ, thuộc sở hữu của chính phủ Sri Lanka, cũng sẽ trở thành một cổ đông thiểu số.
Khu vực được gọi là Nhà ga Quốc tế Colombo West sẽ có chiều dài 1.4km (0.87 dặm) và độ sâu khoảng 20m (66 foot). Nhà ga này dự kiến sẽ giải quyết khoảng 3.2 triệu container mỗi năm.
Giai đoạn đầu của dự án này, bao gồm cả việc xây dựng một nhà ga dài 600m (0,37 dặm), dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng hai năm.
Nhà ga này sẽ được xây dựng ngay bên cạnh Cảng Container Quốc tế Colombo (CICT) do Trung Quốc điều hành.
Năm 2014 hai tàu ngầm Trung Quốc đậu tại CICT đã gây báo động ở New Delhi, theo AFP đưa tin. Kể từ đó Sri Lanka đã không cho phép thêm bất kỳ tàu ngầm nào của Trung Quốc đóng ở đó nữa.
Colombo nằm ở Ấn Độ Dương và là điểm chiến lược giữa các trung tâm vận tải biển quan trọng của Dubai và Singapore. Nước láng giềng Ấn Độ cũng coi Sri Lanka là một phần trong khu vực ảnh hưởng của mình.
Cảng lớn thứ hai của quốc gia này – Cảng quốc tế Hambantota – do China Merchants Port Holdings điều hành từ cuối năm 2017 sau khi Sri Lanka không có khả năng chi trả một khoản vay lớn cho Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh đang sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” thông qua “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI).
Theo AFP, cả Ấn Độ và Hoa Kỳ đều bày tỏ lo ngại rằng việc Trung Quốc đặt chân lên cảng này có thể mang lại cho Bắc Kinh lợi thế quân sự tại Ấn Độ Dương.
Ấn Độ, cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, là các thành viên của liên minh Tứ giác gồm bốn quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Bộ Tứ). Được thành lập vào năm 2007, liên minh này nhìn chung được coi là phản ứng trước sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Alex Wu là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, tập trung vào xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và các mối liên hệ quốc tế.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: