Ấn Độ tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh vào phút chót
NEW DELHI — Hôm 03/02, Ấn Độ đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chọn một binh sĩ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) – người đã tham gia vào cuộc xung đột đẫm máu với Ấn Độ năm 2020 – làm người cầm đuốc trong lễ rước đuốc Thế vận hội. Do đó, đài truyền hình nhà nước Ấn Độ cũng quyết định không phát sóng lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội này.
Hôm thứ Năm (03/02), phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Arindam Bagchi cho biết: “Thực sự đáng tiếc là phía Trung Quốc đã chọn cách chính trị hóa một sự kiện như Thế vận hội … Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Bắc Kinh sẽ không tham dự lễ khai mạc hoặc bế mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.”
Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc cử nhà ngoại giao hàng đầu của mình tới Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Thế vận hội trong tuần này, nhưng sau đó vào thứ Tư (04/02), Bắc Kinh đã cử chỉ huy của trung đoàn PLA, ông Kỳ Phát Bảo (Qi Fabao), cầm đuốc cho Thế vận hội, hành động này đã khiến Ấn Độ không thoải mái. Ông Kỳ từng tham gia vào một cuộc đụng độ bạo lực ở biên giới với binh lính Ấn Độ ở Thung lũng Galwan của Himalaya vào tháng 06/2020.
New Delhi trước đó đã quyết định tạm gác lại các vấn đề với Trung Quốc sau cuộc hội đàm giữa các ngoại trưởng Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc hồi tháng Mười Một vừa qua (2021), đồng thời ủng hộ Thế vận hội bị nhiều quốc gia tẩy chay trong đó có Hoa Kỳ.
Điều này là do Ấn Độ xưa nay không tin vào việc chính trị hóa các sự kiện thể thao và chưa bao giờ tẩy chay một sự kiện thể thao kể từ khi nó xuất hiện, theo ông Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi.
Nhưng Ấn Độ đã bị công kích bất ngờ khi ông Kỳ, người bị chấn thương đầu trong cuộc đụng độ ở Galwan, đã đón lấy ngọn đuốc từ Vương Mông (Wang Meng), nhà vô địch bốn lần Olympic môn trượt băng tốc độ của Trung Quốc. Vừa trao đuốc cho nhau, hai người này vừa “làm thế tay chào theo kiểu quân đội”, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đưa tin.
Ông Madhav Nalapat, nhà phân tích chiến lược kiêm phó chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Tiến bộ Manipal nói với The Epoch Times: “Việc đưa một binh sĩ PLA cố gắng sát hại binh sĩ Ấn Độ tại Galwan vào năm 2020 vào lễ rước đuốc Olympic là một hành động khiêu khích dẫn đến quyết định tẩy chay này.”
Ông Kondapalli thuộc Đại học Jawaharlal Nehru cho biết, đối với Ấn Độ, sự tham gia của ông Kỳ là một hành động chính trị hóa Thế vận hội vì tiêu chí duy nhất để ông ấy được chọn làm người cầm đuốc là sự tham gia của ông này trong cuộc xung đột ở Galwan.
Qi Fabao, a PLA regiment commander who sustained head injury while fighting bravely in the #Galwan Valley border skirmish with #India, is a torchbearer during Wed’s #Beijing2022 Winter Olympic Torch Relay. pic.twitter.com/aWtWTDsVKF
— Global Times (@globaltimesnews) February 2, 2022
Chủ nghĩa tượng trưng
Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học chuyên về các chính sách của ĐCSTQ và là thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn Ấn Độ Usanas Foundation, nói với The Epoch Times rằng đã từ rất lâu trước khi Thế vận hội bắt đầu, ông ấy đã lường trước được rằng Trung Quốc sẽ “nặn tạo một số biểu tượng” để hạ nhục Ấn Độ trong Thế vận hội nhằm trả thù cho “thất bại nhục nhã tại Thung lũng Galwan” của PLA.
Xung đột Galwan diễn ra ở khu vực biên giới Himalaya kéo dài 8 giờ đồng hồ vào ngày 15/06/2020 đã cướp đi sinh mạng của 20 binh sĩ Ấn Độ. Cuộc giao đấu tay đôi liên quan đến việc các binh sĩ PLA tấn công người Ấn Độ bằng thanh sắt và dùi cui có quấn dây thép gai xung quanh.
Sau tám tháng từ chối tiết lộ con số thương vong của mình, vào tháng 02/2021, ĐCSTQ mới thừa nhận mất bốn binh sĩ, trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, ĐCSTQ đã phong tặng danh hiệu quân đội cho họ.
Tuy nhiên, một báo cáo điều tra trích dẫn phát hiện từ một nhóm các nhà nghiên cứu mạng xã hội được hãng truyền thông Úc The Klaxon công bố hôm thứ Tư cho biết Trung Quốc đã mất 38 binh sĩ, chủ yếu chết đuối trong vùng nước có nhiệt độ âm của sông Galwan.
Những người lính PLA được phong tặng “huân chương 1 tháng 7” trong năm 2021 đó nằm trong 29 đảng viên ĐCSTQ được tặng thưởng nhân dịp thành lập Đảng. Huân chương 1 tháng 7 là huân chương cao quý được lãnh đạo tối cao của Đảng tặng thưởng cho những đảng viên có cống hiến xuất sắc cho Đảng trong “công cuộc cách mạng, đổi mới, và mở cửa của Trung Quốc” theo CGTN, chi nhánh ở ngoại quốc của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã trao huân chương trong một buổi lễ trao tặng được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 29/06/2021, cho biết những người nhận huy chương có “niềm tin sắt đá” [vào Đảng].
Thời báo Hoàn Cầu vào thời điểm đó đã đưa tin rằng có niềm tin sắt đá [vào Đảng có nghĩa] “là luôn kiên định với tâm nguyện ban đầu với ý chí không dao động, và cống hiến tất cả mọi thứ, thậm chí cả mạng sống quý giá của mình cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân.”
Ông Lehberger nói rằng Ấn Độ lẽ ra phải hiểu bản chất của ĐCSTQ và lường trước được điều này. “Và việc [trước đó] Ấn Độ do dự không muốn tham gia cuộc tẩy chay đã được phía Trung Quốc hiểu là tín hiệu cho thấy họ có thể hành động theo cách khiêu khích hơn nữa,” ông nói.
Ông Satoru Nagao, một nhà nghiên cứu không thường trực tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng chỉ có 25 quốc gia tham dự lễ khai mạc và hầu hết trong số các quốc gia này là các nước “phi dân chủ”, nói thêm rằng quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội của Ấn Độ là “tốt”.
Ông Nagao cho biết, “Đối với Trung Quốc, việc tỏ ra ngưỡng mộ những người lính của họ quan trọng hơn nhiều so với việc tôn trọng Ấn Độ. Vì Ấn Độ là địch thủ của Trung Quốc. Và những người lính này đang chiến đấu với địch thủ, Ấn Độ. Trung Quốc đang tôn trọng những người lính chiến đấu với địch thủ là Ấn Độ.”
Vụ việc này không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ sử dụng xung đột Galwan để phát đi một thông điệp. Vào dịp năm mới, nhiều hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã chia sẻ video về các binh sĩ PLA giương cao lá cờ đỏ của ĐCSTQ tại Thung lũng Galwan.
Và vào ngày 29/12, phía Trung Quốc đã công bố tên tiếng Trung “chuẩn hóa” cho 15 địa danh ở Arunachal Pradesh, một tiểu bang của Ấn Độ nằm trên biên giới với Bhutan và Miến Điện mà chính quyền Trung Quốc đã cố gắng tuyên bố chủ quyền và xâm phạm trong vài thập kỷ qua.
Ông Kondapalli nói: “Hành động này cho thấy chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đang hướng tới việc chống lại Ấn Độ,” đồng thời cho biết thêm rằng cần phải theo dõi xem liệu điều này có phải là điềm báo về sự hung hăng hơn đối với Ấn Độ trong tương lai hay không.
Trung Quốc sẽ tiếp tục đăng cai Đại hội Thể thao Á Châu 2022 tại Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc từ ngày 10 đến ngày 25/09/2022.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: