Ấn Độ theo đuổi tự lực trong sản xuất quốc phòng
Ấn Độ đang thực hiện các bước để tự chủ trong sản xuất quốc phòng, sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất quốc phòng của Ấn Độ đã tăng từ 49% lên 74%, và chính phủ nước này cho biết họ sẽ thúc đẩy “sản xuất tại Ấn Độ” trong ngành công nghiệp này.
Đó là một trong những bước đi được Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, ông Nirmala Sitharaman, vạch ra sau khi Thủ tướng Narendra Modi công bố gói kinh tế đặc biệt trị giá 20,000 tỷ INR (307.65 tỷ USD) với tên gọi “Aatma Nirbhar Bharat Abhiyaan” hay “Chiến dịch Tự lực.”
“Danh sách vũ khí/nền tảng cấm nhập cảng sẽ được công bố dựa trên một lịch trình hàng năm. Hơn nữa, chính phủ đã lên kế hoạch nâng cao quyền tự chủ, trách nhiệm, và hiệu quả trong Nguồn cung đạn dược thông qua việc tư nhân hóa công ty sản xuất vũ khí quốc doanh Ordnance Factory Board,” chính phủ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.
Các nhà phân tích chiến lược và quốc phòng Hoa Kỳ và Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng việc Ấn Độ theo đuổi mục tiêu tự lực là bước đi đúng đắn trong bối cảnh một trật tự mới ở khu vực Á châu cũng như toàn cầu đang nổi lên, mà ở đó Ấn Độ đang phải đối mặt với một Trung Quốc hung hăng hơn tại biên giới ở một bên và Pakistan ở bên kia. Quốc gia này có thể học được kinh nghiệm từ các nước như Hoa Kỳ, Pháp, và Nga.
Bà Manjari Singh, viện sỹ của Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ, một tổ chức tư vấn độc lập của quân đội Ấn Độ, nói với The Epoch Times rằng chiến dịch vì một Ấn Độ tự lực này được khởi xướng trong bối cảnh kinh tế khó khăn giữa đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sau một cuộc giao tranh đẫm máu với Trung Quốc ở thung lũng Galwan, hồi tháng 08/2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tuyên bố rằng nước này sẽ xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng trong nước hùng mạnh hơn, bà nói.
Một lệnh cấm nhập khẩu hơn 100 mặt hàng liên hệ đến quốc phòng có thể tạo ra các hợp đồng trị giá ước tính khoảng 4,000 tỷ INR (61.53 tỷ USD) cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Ấn Độ trong 5 đến 7 năm tới, theo một tuyên bố của bộ này.
“Danh sách 101 mặt hàng bị cấm vận không chỉ bao gồm các phụ tùng đơn giản mà còn bao gồm một số hệ thống vũ khí công nghệ cao như súng pháo, súng trường tấn công, tàu hộ tống, hệ thống siêu âm, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ (LCH), radar và nhiều mặt hàng khác để đáp ứng nhu cầu Quốc phòng,” Bộ Quốc phòng nước này cho biết.
Cựu Trung tướng Kamal Davar, Tổng giám đốc đầu tiên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ấn Độ và là cựu Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Liên hợp, nói với The Epoch Times rằng mặc dù Ấn Độ có “kỷ lục vô song” là nhà nhập cảng vũ khí, thiết bị, và nền tảng lớn nhất thế giới, nhưng đã đến lúc nước này theo đuổi khả năng tự lực.
“Với những thách thức an ninh đa dạng và nghiêm trọng mà đất nước này phải đối mặt, khả năng tự lực về cương liệu quốc phòng là rất quan trọng và là lối thoát duy nhất. Ấn Độ có một cơ sở hạ tầng khổng lồ với các đơn vị khu vực công dày đặc và khu vực tư nhân sôi động. Sự hiệp đồng của cả hai cùng với việc khuyến khích các đối tác nước ngoài đến và thành lập các nhà máy công nghệ cao của họ ở Ấn Độ là câu trả lời duy nhất,” ông Davar nói.
“Sản xuất cho Ấn Độ, do Ấn Độ sản xuất, và, đặc biệt là, sản xuất tại Ấn Độ cần được thực sự khuyến khích.”
Trật tự toàn cầu mới
Bà Singh cho biết Ấn Độ phải đối mặt với một trật tự thế giới khu vực và toàn cầu mới, trong đó các đối thủ của họ hoạt động tích cực ở khu vực lân cận cũng như ở biên giới của họ, và nước này sẽ không bao giờ có thể tự chủ hoàn toàn nếu không phát triển sản xuất quốc phòng nội địa.
Bà nói, “Đó là thời điểm mà chúng tôi không thể bị tụt lại phía sau,” đồng thời cho biết thêm rằng sản xuất quốc phòng nội địa là về các mối liên hệ đối tác chiến lược và đóng vai trò như một phần trong hệ thống phòng thủ tình báo tổng thể của một quốc gia.
Ấn Độ xếp hạng thứ ba trên thế giới về chi tiêu quân sự. Bà nói, “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tập trung vào sản xuất quốc phòng của chính mình.” Ngược lại, “Pakistan, một quốc gia bị hạn chế về kinh tế, đã làm tốt trong sản xuất quốc phòng của mình. Họ đã và đang cung cấp các bộ phận khác nhau cho các quốc gia khác nhau, các nước Trung Đông, các nước vùng Vịnh như Ả Rập Xê-út và cả các nước Phi châu.”
Nếu Ấn Độ trở thành nhà sản xuất quốc phòng, nó sẽ tạo niềm tin cho các quốc gia như Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, họ sẽ biết rằng có một nhà cung cấp thiết bị quốc phòng thay thế, ông Anil Trigunayat, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Jordan, Libya, và Malta, nói với The Epoch Times.
“Một đất nước mà họ có thể tin tưởng. Theo quan điểm của tôi, Ấn Độ đang nổi lên không chỉ từ khía cạnh thương mại mà còn từ một khía cạnh mà nước này có thể là một người bạn đáng tin cậy,” ông nói.
“Điều quan trọng đối với Ấn Độ là phải đóng một vai trò toàn cầu. Điều quan trọng là Ấn Độ là một quốc gia độc lập. Chúng tôi là nền kinh tế lớn thứ ba – sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn thứ ba, hiện tại chúng tôi đang là nền kinh tế lớn thứ năm. Đó là điểm mấu chốt. Điều đó cho thấy chúng tôi có một cơ hội to lớn, chúng tôi có đủ khả năng để đảm nhận trách nhiệm. Tham vọng toàn cầu cũng tăng lên đối với chúng tôi, nhiều quốc gia muốn làm nhiều [điều] hơn với chúng tôi.”
Các quốc gia mà Ấn Độ có thể học hỏi
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ nên tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc phát triển khả năng tự lực bền vững trong sản xuất quốc phòng cũng như tạo ra một môi trường khuyến khích cho sự đổi mới cũng như cho nhân tài ở cả trong và ngoài nước.
Ông Trigunayat cho biết Ấn Độ nên noi gương sản xuất quốc phòng nội địa của Hoa Kỳ, Pháp, Israel, và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Hoa Kỳ đã sớm đi đầu – sự dẫn đầu này đã được tinh chỉnh thêm về mặt công nghệ do kết quả của sức ép bao trùm lĩnh vực không gian và biển. Chúng tôi cũng có thể học hỏi từ người Pháp, những người từng phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ trong những năm 50 và 60, nhưng sau đó đã trở nên tự chủ và trở thành nhà xuất cảng lớn các hệ thống vũ khí chất lượng cao và các chiến đấu cơ bao gồm Rafale và Eurofighter, cũng như Airbus,” ông nói.
“Cuối cùng, chúng ta phải tán dương người Israel vì sức mạnh công nghệ của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Hãy nhìn Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực phi cơ không người lái và các tài sản hải quân, bao gồm cả các tàu tuần tra cao tốc [của họ].”
Ông Ravi Batra, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc gia Hoa Kỳ về Các vấn đề Nam Á từ năm 2007, nói rằng Ấn Độ nên noi gương khả năng tự lực sản xuất quốc phòng của Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ bản thân Ấn Độ nên noi gương theo người bạn thân nhất không thể chia lìa của mình-khi Thủ tướng Modi gọi chúng tôi là không thể chia lìa,” ông Batra-người đã tham dự phiên họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ mà tại đó Thủ tướng Modi đã diễn thuyết, gọi Hoa Kỳ là “không thể chia lìa” khỏi Ấn Độ – cho hay.
Ông Batra từng là cố vấn toàn cầu từ năm 2018 đến năm 2020 cho Antonov, công ty sản xuất và dịch vụ máy bay quốc doanh Ukraine. Ông nói rằng Ấn Độ nên làm việc để tìm kiếm nhân tài trong nước và cũng nên hoan nghênh nhân tài quốc tế- và sau đó tự làm gương để tôn vinh sự xuất sắc và đổi mới, như cách Hoa Kỳ đã làm.
Ông Batra nói với The Epoch Times, “Vì vậy, Ấn Độ nên có một chính sách nhập cư để tưởng thưởng cho mọi người, ghi nhận họ, tôn vinh họ khi họ mang đến những ý tưởng mới lạ, những ý tưởng sáng tạo, có thể khiến Ấn Độ đi trước thời gian và thế hệ.”
Nhu cầu cải cách thể chế
Một bài báo được xuất bản trong ấn bản gần đây của tờ Raksha Anirveda, một tạp chí hàng quý của Ấn Độ về các vấn đề quốc phòng và hàng không vũ trụ, cho biết Ấn Độ cần cải cách thể chế để đạt được một “bước nhảy vọt” trong khả năng tự lực quốc phòng.
Ông R. Chandrashekhar, thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Liên hợp, đã viết rằng Ấn Độ đã mở cửa lĩnh vực quốc phòng của mình cho khu vực tư nhân cách đây hai thập kỷ với mục tiêu đạt được khả năng tự lực. Tuy nhiên, thị trường quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới sau Ả Rập Xê-út này vẫn tiếp tục chủ yếu dựa vào nhập cảng và kiểm soát của chính phủ.
Ông Chandrashekhar nói, “Mặc dù có một số ‘cải cách’ đã được khởi xướng trong những năm gần đây, nhưng câu hỏi vẫn là tại sao ‘bước nhảy vọt’ trong sản xuất quốc phòng dường như là một giấc mơ xa vời.”
Ông cho biết sản xuất quốc phòng là một cam kết dài hạn về đầu tư và thời gian, và kết quả phụ thuộc vào cách thức chăm chút các mối quan hệ đối tác lâu dài.
“Các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Pháp, những quốc gia hiện đang đi đầu trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, đã phát triển văn hóa ‘hòa nhập’ trong việc chính phủ của họ hợp tác với khu vực tư nhân. Một môi trường tin tưởng lẫn nhau và trao đổi thường xuyên để xác định và giải quyết các vấn đề nổi cộm là cần thiết và cần được thể chế hóa,” ông nói.
Có một nhu cầu lớn hơn trong việc kích hoạt những đổi mới, và để làm được điều này và đạt được tinh hoa trong sản xuất, thì chính phủ Ấn Độ cần tận dụng thác tiềm năng của khu vực tư nhân, cũng như thành lập một tập đoàn tài chính quốc phòng Ấn Độ có khả năng gọi vốn và duy trì một dòng tiền mặt ổn định, ông nói.
Đã có các đề xuất được đưa ra về việc tạo ra một cơ chế tài chính quốc phòng theo mô hình của Tập đoàn Tài chính Đường sắt Ấn Độ (IRFC)-có khả năng gọi vốn thông qua trái phiếu. Bằng cách làm cho trái phiếu đáo hạn trong vòng khoảng 10 năm, chính phủ có thể tạo điều kiện tài trợ cho ngành công nghiệp này thông qua giai đoạn khởi động của mình.
Venus Upadhayaya
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: