Ấn Độ sẽ điều 4 tàu chiến vào Biển Đông, thách thức ‘lằn ranh đỏ’ của Trung Cộng
Bộ Quốc phòng Ấn Độ vào hôm thứ Hai (2/8) đã thông báo rằng, Ấn Độ sẽ triển khai một hạm đội đặc nhiệm gồm 4 tàu chiến đến Biển Đông trong vòng hai tháng để tiến hành các cuộc tập trận quân sự cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.
Hạm đội đặc nhiệm này bao gồm một Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường, một Khinh hạm mang tên lửa dẫn đường, một Khinh hạm chống ngầm và một Khinh hạm mang tên lửa dẫn đường hạng nhẹ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố rằng hạm đội này sẽ rời Ấn Độ vào đầu tháng 8, nhưng không cho biết thời gian cụ thể.
Trong thời gian triển khai kéo dài 2 tháng, hạm đội này của Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với các nước như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia và Úc. Ngoài ra, họ còn tham gia cuộc tập trận quân sự của Bộ Tứ Kim cương – “Malabar-21” ở Tây Thái Bình Dương cùng với Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ.
Phía Ấn Độ cho biết trong tuyên bố của mình rằng: “Dựa trên các lợi ích hàng hải chung và cam kết đối với tự do hàng hải trên biển, những hoạt động hàng hải này sẽ tăng cường sức mạnh tổng hợp và khả năng phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các đồng minh”.
Trung Cộng sợ cuộc đối thoại của Bộ tứ
Kênh truyền thông Ấn Độ TimesNowNews đưa tin vào hôm thứ Hai rằng, đây là một tín hiệu thách thức từ phía Ấn Độ đối với Trung Cộng.
Trong những tuần gần đây, Biển Đông đã trở thành một điểm nóng cho các hoạt động hải quân của nhiều quốc gia. Đức đã cử một tàu chiến đến Biển Đông vào hôm thứ Hai để gia nhập hàng ngũ cùng các nước phương Tây khác và mở rộng sự hiện diện quân sự của Đức ở trong khu vực. Đây là hành động đầu tiên của Đức trong gần hai thập kỷ qua.
Vào tuần trước, Hàng không mẫu hạm của Anh đã đi ngang qua khu vực biển rộng 1.3 triệu dặm vuông này. Hạm đội hành động trên biển của Hoa Kỳ và quân đội của Trung Cộng cũng đã liên tiếp có các cuộc tập trận tại đây.
Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, biến vô số bãi đá ngầm và bãi cát trong khu vực này thành các hòn đảo nhân tạo, sau đó phòng thủ chặt chẽ bằng tên lửa, đường băng và các hệ thống vũ khí.
Theo CNN đưa tin, ông Collin Koh, một chuyên viên nghiên cứu về các vấn đề hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore đã nói rằng: Ấn Độ hằng năm đều tiến hành một đợt triển khai như vậy, đây là “lần xuất hiện bắt mắt nhất của Hải quân Ấn Độ ở phía đông eo biển Malacca”.
“Sự xuất hiện của hạm đội này ở Biển Đông, ngay cả khi ở ngoài ranh giới 12 hải lý của mỗi vị trí mà Trung Quốc chiếm đóng cũng đã đủ đáp ứng cho mục tiêu chiến lược của New Delhi, nó cho thấy họ dự định sẽ tiếp tục tham gia vào các sự vụ ở trong khu vực Tây Thái Bình Dương này”.
Tuyên bố của Ấn Độ cho biết: “Ngoài việc dừng chân định kỳ ở các bến cảng, hạm đội đặc nhiệm này sẽ hoạt động với hải quân của các nước đồng minh để xây dựng mối quan hệ quân sự và phát triển khả năng tương tác trong khi hành động trên biển cũng như trong chiến tranh”.
Vào tháng 6/2020 đã xảy ra một cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Trung Quốc tại Galwan – khu vực nằm trên biên giới giữa hai nước. 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này. Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng.
Kể từ khi cuộc đụng độ này xảy ra, Ấn Độ đã luôn hy vọng sẽ nối lại “đối thoại an ninh giữa bộ tứ”. Đây là mối quan hệ an ninh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Sau khi Bộ tứ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 3 năm nay, tờ Washington Post đã đăng một bài báo cho biết, Liên minh Bộ tứ đang nỗ lực để “đảm bảo rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tính giao thương và có sức sống, tuân theo luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và giải quyết các tranh chấp theo phương thức hòa bình cùng các nguyên tắc cơ bản khác, và tất cả các quốc gia trong khu vực đều có thể đưa ra lựa chọn chính trị của riêng mình mà không bị ép buộc”.
Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Cộng nói rằng, “đối thoại an ninh giữa bộ tứ” là một “tai họa ngầm” nhằm át chế Trung Cộng, là phiên bản Ấn Độ – Thái Bình Dương của “NATO”.
Hoa Kỳ và Ấn Độ hợp tác để kiềm chế Trung Cộng
Trung Cộng thường xuyên hặm hực với các lực lượng hải quân nước ngoài xuất hiện trên Biển Đông. Trước việc triển khai Hàng không mẫu hạm ở trong khu vực này gần đây của Anh quốc, các kênh truyền thông của Trung Cộng đã cáo buộc phía Anh đang cố gắng làm sống lại “thời kỳ hoàng kim của Đế quốc Anh”, đồng thời muốn kích động Hoa Kỳ tiếp tục gây rắc rối.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tập trung sự chú ý tại khu vực Á Châu, coi đây là nền tảng trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của chính phủ và luôn hoan nghênh sự xuất hiện của các đồng minh và các đối tác dân chủ ở trong khu vực.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin sang thăm Singapore vào tháng trước, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác. Ông nói: “Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy rằng những người bạn của chúng ta đã thiết lập một mối quan hệ an ninh bền chặt hơn với nhau, và đã tăng cường hơn nữa một loạt quan hệ đối tác, nhờ đó đã kiềm chế được sự xâm lược của Trung Cộng”.
“Việc khai triển các tàu hải quân của Ấn Độ là nhằm nhấn mạnh phạm vi hoạt động, mong muốn sống hòa bình và đoàn kết với các đồng minh, đồng thời đảm bảo trật tự trong lĩnh vực hàng hải và tăng cường các liên kết hiện có giữa các nước trong khu vực Ấn Độ Dương với Ấn Độ”, ông Lloyd Austin nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Cộng cho biết vào hôm thứ Ba rằng, các nước riêng lẻ đang xúi giục gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đồng thời gửi một số lượng lớn tàu chiến và máy bay tiên tiến đến để tiến hành khiêu khích, phá vỡ hòa bình và ổn định ở trên Biển Đông.
Do Lí Ngôn, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: