Ấn Độ sẽ cho phép xuất cảng các lô hàng lúa mì đã đăng ký trước hôm 13/05
Ấn Độ đã “nới lỏng một chút” sắc lệnh cấm xuất cảng lúa mì sau khi có tin tức rằng hàng ngàn xe tải chở đầy lúa mì đã bị mắc kẹt tại các cảng kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực từ hôm 13/05.
Bộ Thương mại cho biết hôm thứ Ba, “Đã có quyết định rằng bất cứ nơi nào các lô hàng lúa mì đã được giao cho Hải quan kiểm tra và đã được đăng ký vào hệ thống của họ vào hoặc trước hôm 13/05/2022, những lô hàng đó sẽ được phép xuất cảng.”
Ấn Độ cũng sẽ thông quan toàn bộ lô hàng 61,500 tấn lúa mì được giao cho Ai Cập, theo yêu cầu của chính phủ Ai Cập về việc chất hàng lúa mì tại cảng Kandla. Khoảng 44,340 chuyến hàng lúa mì đã được bốc hàng.
Tờ The Indian Express đưa tin, hơn 4,000 xe tải chở lúa mì đã mắc kẹt trong một hàng dài bên ngoài cảng Kandla sau khi chính phủ nước này cấm xuất cảng lúa mì hôm 13/05 để bảo đảm an ninh lương thực và kiểm soát lạm phát.
Một số đại lý cho rằng lệnh cấm xuất cảng lúa mì của Ấn Độ đã khiến 1.8 triệu tấn ngũ cốc bị kẹt tại các cảng, khiến các thương nhân phải đối mặt với thiệt hại nặng nề do triển vọng bán tại thị trường nội địa yếu hơn.
Một thương nhân tại Mumbai nói với Reuters rằng lệnh cấm xuất cảng có thể buộc họ phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với các lô hàng cho khách hàng ngoại quốc.
Thương nhân này cho biết, “Chúng tôi mua lúa mì từ các thương nhân và chuyển đến các cảng. Mục đích của chúng tôi là thực hiện các cam kết xuất cảng, nhưng chúng tôi không thể làm trái chính sách của chính phủ. Vì vậy, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố bất khả kháng.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã kêu gọi Ấn Độ xem xét lại quyết định cấm xuất cảng lúa mì, lo ngại rằng nước này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực, với cuộc chiến Nga-Ukraine không có hồi kết.
Bà Thomas-Greenfield cho biết tại một cuộc họp báo hôm 16/05: “Chúng tôi đã xem báo cáo về quyết định của Ấn Độ. Chúng tôi khuyến khích các nước không hạn chế xuất cảng vì chúng tôi nghĩ rằng bất kỳ hạn chế nào đối với xuất cảng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.”
Bà nói thêm: “Ấn Độ sẽ là một trong những quốc gia tham gia cuộc họp của chúng tôi tại Hội đồng Bảo an và chúng tôi hy vọng rằng họ có thể, khi họ nghe thấy những lo ngại đang được đưa ra từ các quốc gia khác, rằng họ sẽ xem xét lại lập trường đó.”
Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, trước đó tuyên bố rằng họ đã chuẩn bị để lấp đầy khoảng trống cung cấp lương thực do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra, nhưng đợt nắng nóng gay gắt đã cắt giảm sản lượng và đẩy giá nội địa lên mức cao kỷ lục.
Chính phủ Ấn tuyên bố rằng lệnh cấm xuất cảng của họ sẽ không áp dụng trong trường hợp thương mại tư nhân đã thực hiện các cam kết trước thông qua thư tín dụng và trong các tình huống được cấp phép theo yêu cầu của các quốc gia khác “để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của họ”.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times