Ấn Độ nằm trong ‘vùng ảnh hưởng’ của Hoa Kỳ và lý do hợp tác của Nga
NEW DELHI — Đã hai tuần kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức một cuộc điện đàm trực tuyến qua video để thảo luận về một loạt vấn đề trong nghị trình Hoa Kỳ-Nga, trong đó có mối lo ngại của Hoa Kỳ và các đồng minh về việc Nga điều quân đến biên giới Ukraine. Nhưng chỉ một ngày trước cuộc điện đàm đó, ông Putin đã có chuyến công du tốc hành đến Ấn Độ để dự cuộc họp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ông Radomir Romanov, một Quan chức Cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Đa phương và Tổ chức Quốc tế khu vực Á Châu-Thái Bình Dương tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, nói với The Epoch Times rằng bằng cách gặp ông Modi vào hôm 06/12, ông Putin đã phát đi một tín hiệu rất “đơn giản và dễ hiểu” tới ông Biden rằng ông ta có thể đàm phán với các quốc gia quan trọng với Hoa Kỳ bí mật sau lưng ông Biden.
Cuộc gặp thượng đỉnh ngắn gọn giữa ông Putin và ông Modi diễn ra vài giờ sau buổi khai mạc cuộc đối thoại 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai quốc gia. Tổng cộng, hai nước đã ký 28 thỏa thuận bao gồm các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ trong một số lĩnh vực trong đó có quốc phòng.
Hồi giữa tháng 11/2021, Moscow cũng bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng không S-400 mà New Delhi đã mua với giá 5.5 tỷ USD hồi năm 2018. Đơn vị đầu tiên của hệ thống phòng thủ này của Nga, mà Trung Quốc cũng đã khai triển dọc biên giới với Ấn Độ ở Ladakh, được dự kiến sẽ đi vào hoạt động tại Ấn Độ trước năm mới.
Tuy nhiên, việc mua sắm hệ thống S-400 phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ quốc Thông qua Trừng phạt (CAATSA), vốn đã được sử dụng để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Thương vụ mua lại này của Ấn Độ đã dẫn đến đồn đoán về việc Hoa Kỳ bỏ qua CAATSA cho Ấn Độ để ngăn nảy sinh căng thẳng giữa hai nước.
Ông Romanov nhìn nhận Ấn Độ là “vùng ảnh hưởng của phương Tây” và nói rằng trong các động lực đang tiến triển giữa Ấn Độ, Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ, và Nga, hai lĩnh vực của các cuộc đàm phán gần đây là quan trọng nhất: Ấn Độ mua vũ khí từ Nga, và động lực đang tiến triển trong khu vực về vấn đề Afghanistan.
Vũ khí
Trước chuyến thăm của ông Putin tới Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Bala Venkatesh Varma đã nói rằng Nga vẫn là một trong những nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho Ấn Độ và rằng các cuộc gặp song phương này sẽ bao gồm thảo luận về hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa hai nước cho thập niên tiếp theo.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga TASS hôm 01/11, ông Varma cho biết kim ngạch thương mại quốc phòng song phương giữa Ấn Độ và Nga hiện tại đã đạt 9-10 tỷ USD mỗi năm từ mức 2-3 tỷ USD trong năm 2018.
Ông Romanov nhấn mạnh rằng Ấn Độ là một trong năm khách hàng mua vũ khí lớn nhất từ Nga và hợp đồng quốc phòng cuối cùng giữa Ấn Độ và Nga đã được ký hồi tháng Hai khi New Delhi quyết định mở rộng phi đội gồm 59 chiến đấu cơ MiG-29 bằng cách mua thêm 21 chiến cơ.
“Đối với thương vụ này, chính phủ đã phân bổ 74.1 tỷ rupee (khoảng 979 triệu USD). Để tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, cả hai nước đã đồng ý giao dịch bằng tiền tệ quốc gia tương ứng của họ,” ông Romanov cho biết trong một email và nói thêm rằng chuyến thăm Ấn Độ của ông Putin ý muốn nói rằng “các thợ làm súng của Nga sẽ tha hồ hốt bạc ít nhất cho đến năm 2031.”
Ông Romanov cho hay Ấn Độ và Nga cũng đã cùng nhau sản xuất 700,000 bộ khẩu súng trường tấn công AK-203 của Nga tại thành phố Corva của Ấn Độ kể từ tháng 03/2019. Ông cho biết thêm rằng vì Ấn Độ là một “vùng ảnh hưởng của phương Tây”, nên việc mua vũ khí của Nga đã “làm giảm một phần” ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Nga cũng có mối quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng lớn mạnh với đối thủ của Ấn Độ là Pakistan, nước mà Ấn Độ đã có bốn cuộc chiến. Nga đang duy trì mối quan hệ âm thầm với Pakistan để không gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của họ với Ấn Độ. Nhưng trước mối quan hệ song phương ngày càng lớn mạnh của Ấn Độ với Hoa Kỳ, bao gồm cả việc ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự Ấn Độ-Hoa Kỳ năm 2008, thì Moscow đã trở nên nồng ấm hơn với Pakistan. Gần đây hơn, Nga và Pakistan cũng đã tham gia vào các cuộc tập trận chung.
Ông Romanov nói, “Giờ đây chúng ta có sự tham gia của Nga vào kế hoạch chống lại Pakistan … họ có thể bán vũ khí trên hai mặt trận và theo dõi trận chiến này từ trên cao.”
Ông nói thêm rằng hợp tác giữa Ấn Độ và Nga không nên giới hạn trong việc sản xuất chung vũ khí và Nga “phải thể hiện” rằng họ có thể là một “sự thay thế thực sự” cho cái mà ông gọi là “chủ nghĩa toàn cầu của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc”.
Afghanistan
Với sự rút quân của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan, và khoảng trống quyền lực tiếp theo được tạo ra ở nước này, ông Romanov nói rằng người Nga đã không “chiếm thế thượng phong” mà thay vào đó, họ đã trao quyền đó cho người Trung Quốc, tạo cơ sở mới cho sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ.
Khoảng trống quyền lực này ở Afghanistan đã tạo ra “một cuộc khủng hoảng tương đối khó kiểm soát, có thể bùng phát vượt ra khỏi Afghanistan theo một làn sóng nổ, [và] sẽ là một bài kiểm tra khó khăn đối với CSTO [Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể],” ông Romanov cho hay. “Nhưng tình hình này đã bị đóng băng do Điện Kremlin ủng hộ Taliban.”
CSTO là một liên minh quân sự liên chính phủ gồm sáu quốc gia hậu Xô Viết: Nga, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan.
Ông Romanov tin rằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã đang tồn tại ở Afghanistan “thông qua lực lượng Taliban phần nào có ảnh hưởng” và “xung đột âm ỉ có thể bùng phát trở lại”, tạo ra một cuộc khủng hoảng nội bộ cho cả Nga và Trung Quốc.
Ông Romanov nói, “Nhưng kể từ khi Trung Quốc giành được ưu thế trong trường hợp này, Ấn Độ theo đó đã đánh mất vị trí ấy, vì vậy Moscow đang cố gắng kéo cuộc chơi này sang cho Ấn Độ và theo đó, cho chính mình, để đồng thời 1) làm suy yếu vị thế của Trung Quốc, 2) củng cố lập trường ủng hộ Nga của Ấn Độ, và 3) củng cố trực tiếp vị thế của chính Nga, vốn đang cố gắng cắt đứt một số liên hệ với phương Tây bằng cách nắm lấy các ‘đòn bẩy’ của chính họ.”
Ông cho biết Nga có thể đạt được đòn bẩy trong tình huống này bằng cách đặt việc bình thường hóa mối liên hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết để hợp tác với Bắc Kinh.
Ông Romanov cho biết, “Nói theo cách của [Henry] Kissinger, thì New Delhi và Bắc Kinh nên gần Moscow hơn là gần nhau. Ấn Độ sẽ quan tâm đến việc hợp tác với chúng ta: điều này sẽ cho phép nước này hoàn thành các nhiệm vụ nâng cao vai trò của mình ở cả Đông và Tây Á.”
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và sự lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: