Ấn Độ cảnh báo ‘thế giới nên lo ngại’ về các hành động gần đây của Trung Quốc
Phó chủ tịch Đảng Bhartiya Janata (BJP), đảng cầm quyền của Ấn Độ, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng hành vi gây hấn gần đây của Trung Quốc đối với Ấn Độ là không logic, và thế giới nên lo ngại về chương trình nghị sự của chế độ Bắc Kinh.
Ông Baijayant Panda cũng là phát ngôn viên của BJP, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ New Delhi, “Cách mà họ đang tăng cường gây hấn… chuyện này không chỉ là về Ấn Độ. Bạn đã thấy hành vi hung hăng của họ đối với Đài Loan, đối với Nhật Bản, [và] các hoạt động ở Biển Hoa Đông”.
“Như vậy, hành vi này có vẻ theo một khuôn mẫu và thế giới nên lo ngại về điều đó.”
Ấn Độ và Trung Quốc đã lâm vào tình trạng căng thẳng biên giới kể từ ngày 15/6, sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lượng chưa rõ quân đội Trung Quốc đã thiệt mạng trong một cuộc chạm trán tay đôi trên các đỉnh núi Galwan thuộc dãy Himalaya ở khu vực Ladakh. Kể từ đó, cả hai nước đã đóng hàng chục nghìn quân ở hai bên biên giới.
Gần đây, Trung Quốc đã đề xuất giảm leo thang căng thẳng ở biên giới. Trung Quốc đã nói với Ấn Độ rằng họ sẽ rút lui khỏi lãnh thổ Ấn Độ ở bờ bắc hồ Pangong Tso nếu Ấn Độ rút khỏi một vị trí mà Trung Quốc muốn. Theo truyền thông Ấn Độ đưa tin, Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất này.
Ông Panda nói: “Chúng tôi thấy rằng trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một số bước đi rất bất thường. Chúng tôi đã thấy điều này vào năm 2017 khi họ thể hiện hành vi gây hấn tại Doklam. Và chúng tôi cũng đã chứng kiến các trường hợp nhỏ lẻ khác. Còn bây giờ, đây là một ví dụ rất lớn về hành vi gây hấn.”
Các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã ẩu đả hồi tháng 5 ở bang Sikkim, đông bắc Ấn Độ và vào năm 2017 đã từng xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng trong khu vực này khi Trung Quốc cố gắng kéo dài một con đường qua cao nguyên Doklam giữa Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc vốn do Bhutan cai quản nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền.
Nhà chức trách Bhutan đã tìm đến sự hỗ trợ của quân đội Ấn Độ, dẫn đến tình trạng bế tắc ở biên giới kéo dài 73 ngày. Sau nhiều tuần đàm phán, cả hai quốc gia đều rút lui, nhưng Trung Quốc từ đó đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ trong khu vực đó.
Quan hệ toàn cầu
Ông Panda nói với The Epoch Times rằng căng thẳng hiện tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên là mối quan tâm toàn cầu.
“Thế giới đã phát triển thành một thế giới đa cực kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đã có một thời kỳ chỉ có một thế giới đơn cực, nhưng Trung Quốc đã trỗi dậy,” ông cho biết và nói thêm rằng các nền dân chủ khác cũng có phần trong những động lực phát triển trong khu vực này.
Ông Panda cho rằng Ấn Độ có mối quan hệ đang phát triển với nhiều nền dân chủ khác nhau trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, và mức độ thân cận của Ấn Độ với các quốc gia này có thể gây lo ngại cho chế độ Trung Quốc.
“Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày càng gần gũi hơn. Ấn Độ và một số quốc gia lớn khác đang ngày càng gần gũi hơn. Ấn Độ đã được Tổng thống Hoa Kỳ mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7”, ông nói.
“Ấn Độ đã bị Trung Quốc phản đối về các cải cách của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vốn là điều mà Ấn Độ đang theo đuổi và các quốc gia khác như Nhật Bản và Brazil cũng đang theo đuổi.”
Ông cho biết tất cả những lý do này có thể giải thích cho hành vi thù địch của Trung Quốc, nhưng Ấn Độ không quan tâm đến “sự thù địch” như vậy.
“Ấn Độ không quan tâm đến sự thù địch. Ý định của Ấn Độ là có quan hệ hòa bình với tất cả các quốc gia, đặc biệt là với các nước láng giềng. Chúng tôi có một đường biên giới dài với Trung Quốc và một đường biên giới dài tranh chấp với Trung Quốc. Chúng tôi không quan tâm đến sự thù địch,” ông Panda cho biết và nói thêm rằng cũng có thể có những lý do lớn hơn thúc đẩy sự xâm lược của Trung Quốc.
Ông nói: “Thực tế là đây không phải là những hành động hợp lý, theo logic, dựa trên những hiểu biết đã có”.
Chế độ ở Bắc Kinh có nhiều thành tích về việc gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng khác nhỏ hơn ở châu Á thông qua “các tuyên bố” và “những hành động” khác nhau và đã quyết định đơn phương về cách thức duy trì các mối quan hệ này. Ông cho rằng hành vi như vậy không dựa trên logic hoặc đạo đức hay các thỏa thuận trước đó.
Ông nói, tuy nhiên, Ấn Độ khác với những quốc gia nhỏ hơn đó; đây là một quốc gia rộng lớn, với dân số ngang ngửa với Trung Quốc.
“Và đây là một Ấn Độ khác rồi. Đây không phải là Ấn Độ của năm 1962. Đây thậm chí không phải là Ấn Độ của những năm 1980 hay 90. Và Ấn Độ sẽ đảm bảo rằng lãnh thổ của chúng tôi được bảo vệ. Và Ấn Độ sẽ thực hiện bất cứ phản ứng cần thiết nào,” ông nói.
Ông Panda cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc gần đây đã đưa ra cảnh báo với một số hãng truyền thông Ấn Độ sau khi họ chúc mừng Đài Loan vào ngày Quốc khánh 10/10 của quốc gia này.
“Đại sứ quán Trung Quốc ở đây đã đưa ra những tuyên bố đại ý đang cố gắng ra lệnh cho giới truyền thông Ấn Độ về cách họ nên hành xử như thế nào và họ nên đưa tin gì. Thế đấy, điều này là rất thiếu chuyên nghiệp, bởi vì, ở các nước dân chủ, bạn không có quyền ra lệnh cho giới truyền thông,” ông nói.
Ông Panda cũng đưa ra giả thuyết rằng “có lẽ” hành vi của chế độ đó cũng có thể liên quan đến các vấn đề nội bộ ở Trung Quốc, “bởi vì thực sự không có lý do hợp lý nào để có một cuộc đối đầu như vậy với Ấn Độ,” ông nói.
Virus corona
Ông Panda chỉ ra “sự phẫn nộ ngày càng tăng về cách cư xử của Trung Quốc” liên quan đến đại dịch virus corona vốn bắt nguồn từ nước này, và ông nói rằng hành vi nói trên của chế độ này có thể là nhằm chuyển hướng sự chú ý của thế giới khỏi sự phẫn nộ đó.
Ông nói, Trung Quốc đã thể hiện hành vi gây hấn tương tự đối với các nước khác, và nhắc đến việc Úc là nước gánh chịu một số “bước đi khắc nghiệt” của Bắc Kinh kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc, giống như mối quan hệ của Ấn Độ và Trung Quốc, gần đây đã xuống đến mức thấp nhất. Kể từ mùa hè năm nay, chế độ Trung Quốc đã áp thuế 80% đối với lúa mạch Úc, cản trở việc nhập khẩu thịt bò Úc, bắt giữ một nhân viên truyền thông Úc, và cấm hai viện sĩ Úc đến Trung Quốc.
Kể từ khi bùng phát dịch virus corona, Trung Quốc đã cáo buộc Úc “tăng cường tấn công gián điệp chống lại” họ và cáo buộc nước này “xâm nhập, gián điệp và đánh cắp công nghệ”, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times đưa tin. Trong tình hình căng thẳng gia tăng giữa hai nước, Trung Quốc cũng đã ngừng mua than của Úc, Bloomberg đưa tin.
Thị trường tự do
Ông Panda nói trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Trung Quốc nên “biết điều hơn” với các thị trường tự do lớn như Ấn Độ.
Ông nói: “Thật kỳ lạ, bởi vì chúng ta đã chứng kiến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong vài năm, và thông thường, điều đó đáng lẽ có nghĩa là Trung Quốc nên biết điều hơn hoặc ít nhất là biết điều với các thị trường khác chẳng hạn như Ấn Độ. Đột nhiên, không cớ gì [Trung Quốc] tự dưng trở nên hung hăng hơn đối với các thị trường khác, rất vô lý.”
Trong khi Trung Quốc đã phát triển để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Trung Quốc lại đang vi phạm các quy tắc của tổ chức này, ông cũng nói.
“Nhưng mà, như ai cũng thấy, Trung Quốc thường không hành xử theo cùng một thứ logic như hầu hết các quốc gia trên thế giới đang tuân theo,” ông Panda nói. Trung Quốc đã hưởng lợi từ những quy tắc này mà những quy tắc này vẫn luôn chi phối thương mại toàn cầu, các giao dịch toàn cầu và quan hệ giữa các nước láng giềng.
“Và nó cũng chiêu mời quả báo, bởi vì Ấn Độ đã phải thực hiện các bước cấm hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc, đồng thời hủy bỏ và hoãn lại nhiều khoản đầu tư và hợp đồng khác của Trung Quốc ở Ấn Độ.”
Ấn Độ đã thể hiện “sự kiên nhẫn tột độ”, ông nói.
“Ấn Độ đã chứng tỏ rằng chúng tôi có ý chí bảo vệ lãnh thổ của mình, dù bằng các biện pháp quân sự hay kinh tế. Nhưng đồng thời, như bạn biết đấy, Ấn Độ cam kết dùng đàm phán như một phương cách để giải quyết những tranh chấp này,” ông Panda nói.
“Đó là niềm tin của Ấn Độ. Chúng tôi chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ chứ không phải là một động thái gây hấn”.