Ấn Độ cần tình yêu thương và sự ủng hộ hơn là những lời phán xét hay phân tích
Ý kiến bình luận
Đã hai tuần kể từ khi tôi bắt đầu đưa tin về đợt bùng phát COVID-19 hiện tại ở Ấn Độ. Thật là đau đớn, và tôi thường rơi nước mắt trong lúc viết. Điều đó cũng đã truyền cảm hứng khi chứng kiến những câu chuyện về lòng nhân ái, sự dũng cảm cùng tinh thần kiên định của con người chiến thắng nghịch cảnh.
Tôi đã có một chuyến đi lấy tin đến miền nam của Ấn Độ vào giữa tháng Tư năm nay, vài ngày trước khi làn sóng [dịch bệnh] bắt đầu. Tôi đã trở lại New Delhi cho kịp thời gian phong tỏa.
Có rất nhiều điều để viết và các bản tin về COVID-19 không nằm trong danh sách ưu tiên của tôi. Nhưng khi tôi chứng kiến những hình ảnh thu nhận từ phi cơ không người lái về những khu hỏa táng chật cứng những giàn thiêu, tôi đã quyết định đi ra ngoài. Những hình ảnh hiển thị qua camera của phi cơ không người lái như vậy có thể có trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất của một người về ngày tận thế theo đúng nghĩa đen. Đây có lẽ là lý do tại sao những điều khiến bản thân chấn động lại được truyền thông của chúng ta săn đón đến vậy.
Ấn Độ là một đất nước rộng lớn và kỳ bí – đất nước không bao giờ khiến quý vị thôi kinh ngạc, thách thức quý vị, làm quý vị ngạc nhiên. Vẻ đẹp của quốc gia này là ở chỗ quý vị không thể xem xét đất nước này, các khía cạnh của nó và các vấn đề của nó từ bất kỳ góc độ đồng nhất nào. Mỗi đối tượng và mỗi chủ đề đều mang nhiều tầng nghĩa, và bất kỳ nỗ lực nào hòng giải mã một cách vội vàng một luận điểm nào đó trên thực tế đều sẽ thất bại.
Tôi đã không được chuẩn bị cho những gì chứng kiến vào cái ngày mà tôi đã đi ra ngoài ấy, cái ngày sau thời điểm quốc gia này lần đầu tiên phá kỷ lục thế giới về số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày. Điều đó cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt cả một tuần.
Tôi đi từ sáng đến tối, tới thăm các bệnh viện, hầm mộ, khu hỏa táng và các trung tâm phân phối thực phẩm cho người vô gia cư và người nghèo. Ở Ấn Độ, hỏa táng là việc của gia đình và cộng đồng. Không kể đến tôn giáo, chúng tôi tập hợp lại để cùng tiếc thương, chia buồn và trợ giúp cho những gia đình đang đau buồn.
Các lễ hỏa táng của người Hindu – trong những hình ảnh được chụp từ phi cơ không người lái – cũng là thuộc các nghi lễ ở Ấn Độ. Cách thức một thi thể được mang đến khu hỏa táng, cách thức để thắp sáng giàn thiêu và ai là người thắp sáng – tất cả đều được định trước. Sự phong tỏa đã chia cắt chúng ta với nhau về thể chất.
Điều đó gây khó khăn cho việc thực hiện theo các nghi lễ của chúng ta.
Dù chúng ta đang phải chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca tử vong xung quanh mình, nhưng chúng ta không thể đau buồn vì nền văn hóa của chúng ta yêu cầu chúng ta phải làm như vậy.
Ngày tôi đi ra ngoài, tôi phải vượt qua những quan niệm văn hóa của mình để đi bộ qua những hàng giàn hỏa thiêu. Thật bàng hoàng khi nhận ra ai đó đang được sưởi ấm bởi một thi thể đang bốc cháy. Giật mình lúc đi bên giàn thiêu khi những hộp sọ nổ tung. Người ta bắt đầu cảm thấy tê tái khi chứng kiến mọi người ở khắp mọi nơi đi lại trong sự im lặng trang nghiêm, giữa một trăm giàn thiêu.
Tôi không thể lấy hết can đảm để chụp những tấm hình trong bầu không khí tang tóc như vậy, và tôi cũng được yêu cầu một cách lịch sự là không nên làm thế. Vì vậy, tôi cho rằng đó có thể là lý do tại sao một số nhiếp ảnh gia đã thả camera bằng phi cơ không người lái để chụp lại quang cảnh này.
Nhưng từ bên ngoài, tôi có thể trèo tường nhìn trộm vào lò hỏa táng, và ngay trước mắt mình, tôi thấy một người đàn ông trung niên đang châm lửa cho vợ anh ta. Bằng những nghi lễ đang được làm, tôi có thể nhận ra rằng cô ấy là vợ của ông.
Thật tồi khi tọc mạch vào sự riêng tư của ai đó – để xem những khoảnh khắc cuối cùng họ ở bên nhau. Tôi bị cuốn theo câu chuyện đang diễn ra trước mặt, trong khi bám vào cành cây để giữ thăng bằng. Dường như họ vẫn đang âm thầm giao tiếp với nhau. Người đàn ông có vẻ rất đàng hoàng. Từ xa tôi đã rơm rớm nước mắt, nhưng ông ấy dường như đã đang thực hiện phần việc của mình một cách hết sức tận tâm và đầy tình yêu thương.
Năm ngoái, trong thời gian bị phong tỏa, tôi đã ở New York, và tôi đã gọi đến 25 lò hỏa táng và tìm cách nói chuyện được với năm nơi, hai nơi trong số đó là những cuộc trò chuyện chi tiết. Ở New York bắt buộc phải hỏa táng tất cả các thi thể COVID-19 trong các lò hỏa táng điện, và các cơ sở hỏa táng đó kín cổng cao tường, không giống như những cơ sở mở ở Ấn Độ.
Những lò hỏa táng đó không cho phép các gia đình thực hiện các nghi lễ; việc hỏa táng được thực hiện chỉ bằng cách nhấn nút. Ở Ấn Độ, tôi chứng kiến mọi người thực hiện những nghi lễ cầu kỳ cho những người thân yêu của họ, và vì vậy, nỗi đau đớn càng lộ rõ hơn.
Tôi cũng đã bắt gặp những người trong khu vực cách ly đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho thân nhân bị tử vong vì nhiễm COVID-19 ở các bệnh viện. Những hồ sơ đó đang chất đống trong hộp thư đến của tôi!
Vào tháng Hai, tôi đã đến thăm Varanasi và kể về một câu chuyện về nhà hỏa táng lâu đời nhất trên thế giới, nơi người Ấn Độ từ khắp nơi đổ về để hỏa táng những người thân của họ vì họ tin rằng chết ở thành phố cổ Kashi có thể giải thoát linh hồn. Thế nên, bằng một cách nào đó, khi những người qua đời hoặc được hỏa táng ở Kashi, phần nào có sự bảo đảm về một điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra ở thế giới bên kia.
Tuy vậy, những gì đã diễn ra ở Delhi trong hai tuần qua là điều không thể hiểu được. Điều đó nằm ngoài tầm hiểu biết trong văn hóa của chúng ta về cái chết. Chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra! Chúng ta đang ở trong tình trạng chấn động về mặt văn hóa và chúng ta chưa nhận thức được điều đó vì nó vẫn chưa kết thúc.
Giống như tất cả mọi thứ kỳ bí của Ấn Độ, lần này đã được tiếp thêm sinh lực rất nhiều, vì hết thảy đều được mở ra cho phần còn lại của thế giới xem. Đây là cách mà điều đó nên diễn ra trong một nền dân chủ, phải vậy không?
Tuy nhiên, những ngày này, niềm hy vọng của Ấn Độ được đặt vào những người ứng cứu khẩn cấp khác nhau, những người đã tình nguyện đi ghép nối các bệnh nhân với các giường bệnh, tìm bình oxy, cung cấp thuốc COVID-19, sắp xếp các cuộc tư vấn với bác sĩ, cung cấp khẩu phần ăn và sát cánh cùng những người gặp nạn bằng mọi cách có thể.
Họ là tương lai của Ấn Độ. Họ chiến thắng trên giàn thiêu trong câu chuyện về Ấn Độ, về mọi ranh giới chính trị, và về các thuyết âm mưu chỉ cố gắng tạo ra sự hoảng sợ và phóng đại những thách thức của chúng ta.
Ấn Độ ngày nay cần sự ủng hộ, sự bền chí và tình yêu thương của thế giới hơn bất kỳ sự phán xét hay phân tích nào. Bằng việc thấu hiểu những gì đang xảy ra với Ấn Độ những ngày này, thế giới cũng sẽ hiểu ra những gì đang xảy ra với chính nó.
Trong sự tồn tại mang tính hội nhập của chúng ta, bất kỳ biến cố nào cũng đều là cánh cửa để mở ra những điều lớn lao hơn.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Venus Upadhayaya
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: