Ai là kẻ hậu thuẫn đằng sau vụ tấn công khủng bố của ISIS-K ở phi trường Kabul
Vụ tấn công khủng bố tại phi trường Kabul, Afghanistan vào ngày 26/8 đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Đây là cuộc tấn công đã được ISIS-K lên kế hoạch. Tổ chức khủng bố này được thành lập cách đây 6 năm và đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa nguy hiểm trên thế giới. Giống như Taliban, các nguồn tài trợ của ISIS-K đến từ các hoạt động nằm ngoài phạm vi hạn chế của hệ thống tài chính toàn cầu. Những nguồn tài trợ nào đằng sau nó đang là chủ đề được quan tâm.
ISIS-K, có tên đầy đủ là Nhà nước Hồi giáo Khorasan, được thành lập vào năm 2015 bởi hàng trăm phần tử vũ trang Tehrik-i-Taliban Pakistan cùng các phần tử cực đoan khác, trong đó cũng có các thành viên của Taliban.
ISIS-K là chi nhánh tại Afghanistan của các lãnh đạo ISIS ở Syria và Iraq. Sau khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh ném bom các vùng lãnh thổ chính của ISIS trong những năm gần đây và khiến ISIS mất vùng lãnh thổ cuối cùng ở Syria vào tháng 3/2019, ISIS đã chuyển dần phiến quân sang Afghanistan.
Tờ Fox News đưa tin rằng, giống như Taliban, các nguồn tài trợ của ISIS-K chủ yếu đến từ các hoạt động nằm ngoài phạm vi hạn chế của hệ thống tài chính toàn cầu. Theo một bản ghi nhớ được giải mật từ Bộ trưởng Bộ Tài chính, tiền mặt của ISIS-K đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các khoản đóng góp địa phương, thuế, tống tiền và một vài hỗ trợ tài chính từ tổ chức cốt lõi ISIS.
Bộ Tài chính tuyên bố rằng mặc dù Tehrik-i-Taliban Pakistan cùng quân đội Afghanistan đã giành lại quyền kiểm soát tỉnh Nangarhar giàu tài nguyên thiên nhiên vào năm 2019, khiến ISIS-K không thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, nhưng tổ chức này đã được cấp vốn từ ISIS vào đầu năm 2020.
Bản ghi nhớ cho biết: “ISIS-K đã bảo lưu được một số của cải dự trữ và chuyển tiền dựa vào hệ thống Hawala, đặc biệt là ở Kabul và Jalalabad”. Hawala là một hệ thống chuyển tiền không chính thức và cũng được coi là một hệ thống chuyển tiền ngầm.
Một quan chức an ninh của Iraq vào năm 2019 ước tính rằng, ISIS huy động được khoảng 1 triệu USD mỗi ngày thông qua việc khai thác các mỏ dầu ở Iraq và Syria, cộng với việc đánh thuế những người dân sống dưới sự cai trị của nó.
Một quan chức của Bộ Tài chính cho biết, mặc dù ISIS không còn kiểm soát được các mỏ dầu riêng lẻ, nhưng một nguồn thu chính của nó là tống tiền các tuyến đường cung cấp dầu ở trong khu vực. Ngoài ra, tổ chức này vẫn còn giữ được một lượng lớn tiền mặt, vốn được tích lũy trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực của nó.
“Những gì chúng tôi biết là ISIS đã tích lũy được rất nhiều tiền mặt và các tài sản khác”, nhà kinh tế thâm niên Howard Shatz của Tập đoàn Rand Corporation nói với Tạp chí The Atlantic, “Chúng tôi không biết tất cả những thứ đó (tiền mặt và tài sản) đã đi đâu”.
Ít nhất một phần trong đó đã được sử dụng để đầu tư vào các doanh nghiệp thương mại hợp pháp. Một văn bản ghi chép được tìm ra sau cuộc đột kích vào thành phố Erbil ở Iraq cho thấy, ISIS đã đầu tư vào mọi lĩnh vực, từ bất động sản cho đến đại lý xe hơi.
Trương Đình, Lâm Nghiên
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: