Ai hưởng lợi từ việc hạ cấp nền giáo dục Hoa Kỳ? Trung Quốc
Theo tác giả người Mỹ Alan Lakein, lập kế hoạch để “đưa tương lai vào hiện tại nhằm giúp quý vị có thể làm được gì đó ngay từ bây giờ.” Nếu quý vị muốn tậu một ngôi nhà mới trong năm năm tới, hãy bắt đầu tiết kiệm ngay hôm nay. Để đạt được một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong tương lai, thì cần phải có những sinh viên tốt nghiệp được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghề nghiệp cao. Đây lại là tin tốt cho Trung Quốc.
Mới tháng trước, Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET), một tổ chức cố vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã công bố một bản báo cáo khá ấn tượng. Khi nói đến việc đào tạo sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ khối STEM (science, technology, engineering, and mathematics – khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), các tác giả lưu ý rằng, Trung Quốc đang vượt mặt Hoa Kỳ một cách nhanh chóng. Để giải thích rõ hơn cho những người chưa biết, STEM là khối ngành liên quan đến “tích hợp dạy và học” của các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Nói cách khác, nó liên quan đến việc hiểu biết sâu về những lĩnh vực tạo nên cuộc sống của chúng ta như hiện nay, và những vấn đề quan trọng sống còn đối với sự tiến bộ của nhân loại. Báo cáo nhấn mạnh rằng, kể từ “giữa những năm 2000, Trung Quốc đã liên tục đào tạo được nhiều tiến sĩ khối ngành STEM hơn Hoa Kỳ, một chỉ số quan trọng về khả năng cạnh tranh trong tương lai của một quốc gia trong các lĩnh vực STEM.”
Khoảng cách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, như họ nói, “có thể sẽ ngày càng xa trong năm năm tới”. Các trường đại học Trung Quốc, từng được biết đến với nạn đạo văn tràn lan và các phương pháp giảng dạy đáng nghi ngại, rõ ràng là đang trở nên tốt hơn. Phát hiện của các tác giả “cho thấy chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Trung Quốc đã được nâng cao trong những năm gần đây, và việc gia tăng số lượng tiến sĩ của Trung Quốc hiện nay phần lớn đều đến từ các trường đại học có chất lượng cao”. Các tác giả dự đoán rằng, nếu các mô hình tuyển sinh hiện tại tiếp tục theo quỹ đạo này, thì “đến năm 2025, các trường đại học của Trung Quốc sẽ đào tạo được hơn 77,000 tiến sĩ khối ngành STEM mỗi năm, so với con số khoảng 40,000 ở Hoa Kỳ.” Với hơn “3/4 tiến sĩ Trung Quốc” tốt nghiệp về chuyên ngành STEM, hệ thống giáo dục “cường tráng” của Trung Quốc đe dọa phá vỡ “an ninh quốc gia và kinh tế dài hạn” của Hoa Kỳ.
Tại sao báo cáo này lại quan trọng đến vậy, và lý do để chính phủ ông Biden cần phải đọc báo cáo này?
Từ phần mềm phát hiện ung thư đến phần mềm chống virus, từ việc không kích đến việc giao hàng bằng phi cơ không người lái, từ du hành vũ trụ đến du lịch hàng không, xã hội hiện đại đều gắn bó chặt chẽ với các môn học của STEM. Đây không phải là tin tốt đối với Hoa Kỳ, nơi đang cho thấy các tiêu chuẩn giáo dục ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường đại học ưu tú đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Một số nhà giáo dục Hoa Kỳ xem toán học là một môn học mang tính phân biệt chủng tộc. Một số người cho rằng toán học cần phải đối mặt với “quá khứ gia trưởng, thượng tôn da trắng” của nó. Điều này thực sự có nghĩa là gì? Chủ nghĩa duy nghiệm (nhấn mạnh vai trò của trải nghiệm) đã trở thành điều không thể chấp nhận của nhiều người khuynh tả. Khoa học không phân biệt chủng tộc. Mặc dù khoa học có thể được thực hiện bởi những người phân biệt chủng tộc, điều quan trọng là phải nhận thức được sự khác biệt. Một chiếc xe hơi có thể được điều khiển bởi một kẻ bài ngoại, nhưng chúng ta không gọi nó là một chiếc xe hơi bài ngoại. Tiếp tục bài tập ngắn để nói ra điều hiển nhiên, toán học không phân biệt chủng tộc. Không có toán học, không điều gì là có thể. Quan trọng hơn, không ai được trả tiền. Bất kể người có màu da như thế nào, tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ toán học. Trong một tác phẩm gần đây cho tạp chí Quillette, các tác giả – ba nhà toán học “là những người trẻ tuổi nhập cư vào Hoa Kỳ” – mô tả những “nỗ lực trên toàn quốc nhằm giảm bớt sự chênh lệch giữa các chủng tộc, dù có mục đích tốt như thế nào” chỉ góp phần làm suy yếu “mối liên hệ giữa sự xứng đáng và việc được nhận nhập học.” Khi mọi thứ, kể cả toán học và khoa học, được nhìn nhận qua lăng kính của chủng tộc, thì đất nước sẽ bị tổn hại.
Bộ ba này than vãn về “tình trạng bi thảm” của “hệ thống giáo dục toán học” K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12). Họ lập luận rằng một số lượng ít ỏi các trẻ em theo học tại các trường công lập Hoa Kỳ được chuẩn bị cho sự nghiệp trong lĩnh vực STEM. Không lấy gì làm gì ngạc nhiên khi điều này khiến Hoa Kỳ quá “liên tục phụ thuộc vào nguồn nhân tài nước ngoài, đặc biệt là đến từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hàn Quốc, và Ấn Độ”. Đây là hệ quả của “chương trình giảng dạy ngày càng thay đổi, chuyển từ kiến thức toán học thực tiễn sang các khóa học về công bằng xã hội và chính trị sắc tộc”, và dự đoán xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục.
Hoa Kỳ là nơi có rất nhiều trường đại học xuất sắc. Tuy nhiên, việc sở hữu những học viện phi thường như vậy sẽ chẳng ích lợi gì nếu chúng không được dùng để nuôi dưỡng những bộ óc phi thường. Nếu Hoa Kỳ có bất kỳ cơ hội nào để cạnh tranh với Trung Quốc, thì cần phải có những thay đổi nghiêm túc và cần được thực hiện nhanh chóng.
Đáng buồn thay, những thay đổi duy nhất mà chúng ta đang chứng kiến lại là những thay đổi có hại. Nếu vẫn còn ngờ vực, hãy để tôi đưa quý vị đến tiểu bang Oregon. Gần đây, Thống đốc Kate Brown đã ký Dự luật 744 của Thượng viện tiểu bang thành luật. Trong năm năm tới, tất cả học sinh trung học tại tiểu bang Oregon để tốt nghiệp sẽ không cần phải chứng minh khả năng thành thạo trong các kỹ năng đọc, viết và toán học. Theo các báo cáo, dự luật được đưa ra để giúp “những người da đen, những nam nhân, nữ nhân hoặc người chưa quyết định giới tính gốc Mỹ Latin (Latina, Latino và Latinx), người bản địa (người da đỏ), người Á Châu, người từ các Đảo Thái Bình Dương, người Bộ lạc và sinh viên da màu ở tiểu bang Oregon”. Tự hỏi việc tự hạ thấp tiêu chuẩn tốt nghiệp làm thế nào có thể giúp ích cho bất kỳ ai.
Nhiều nhà giáo dục có tư tưởng cấp tiến quyết tâm “định dạng lại” phương thức giảng dạy trong trường học của các môn như toán và khoa học. Nhưng chúng không cần được “định dạng lại”. Chúng cần được để yên và cần được giảng dạy đúng cách. Hoa Kỳ hiện đứng hàng thứ 31 về trình độ toán học trên 79 quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc xếp hàng thứ nhất về trình độ toán học. Giờ đây, với chỉ số thông minh trung bình của trẻ em Hoa Kỳ tiếp tục suy giảm và việc tự hạ cấp nền giáo dục đang được thực thi ồ ạt, khoảng cách về trình độ dự đoán sẽ ngày càng rộng thêm. Nếu không có đủ sinh viên tốt nghiệp khối ngành STEM, Hoa Kỳ định cạnh tranh với Trung Quốc như thế nào? Đây là một câu hỏi quan trọng cần phải có câu trả lời ngay lập tức.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết bài luận. Tác phẩm của ông đã được những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo uy tín khác xuất bản. Ông cũng là cộng tác viên của tạp chí CoinDesk.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: