AI đem đến những lợi ích và rủi ro nào
Kết cục đáng sợ là, các tổ chức tin tức có thể sử dụng AI để viết tin bài, và sa thải hàng trăm ký giả.
Khi nghĩ về trí tuệ nhân tạo, hay AI, tôi nhớ lại một câu nói của bậc thầy kinh doanh người Mỹ Mark Cuban, “Phải mất 20 năm mới thành công chỉ sau một đêm.”
Trong trường hợp của AI thì ông ấy sai gấp mấy lần.
Đã 74 năm kể từ khi ông Alan Turing viết “Computing Machinery and Intelligence” (Máy Điện toán và Trí thông minh) và 68 năm kể từ khi thuật ngữ này được tạo ra, nhưng hiện nay mới là lúc mọi người đang bàn luận về AI … kể cả các ký giả.
Tại sao?
Vì sợ hãi. Trên lý thuyết, sự cải tiến khoa học luôn khiến con người lo lắng. Trên thực tế, nào ai biết ai sẽ vì điều đó mà mất việc?
Cuốn sách mỏng “Frankenstein: or, The Modern Prometheus” (Frankenstein: tức là, Thần Prometheus Thời hiện đại) của tiểu thuyết gia Mary Shelley đã thấm dần vào văn hóa đại chúng như một câu chuyện cảnh báo đối với sự lạc quan về kỹ thuật, và gợi lại những cội nguồn cổ xưa hơn nhiều.
Thần Prometheus đã bị các vị thần Hy Lạp trừng phạt vì ông ban cho con người kỹ thuật ban sơ nhất trong số những kỹ thuật tiên tiến. Đó là lửa.
Cũng chính các vị thần này đã trừng phạt nhân loại khi cử nàng Pandora đến trái đất. Người phụ nữ này vô tình thả tất cả những tai ương của trần thế bay ra khỏi chiếc hộp mà nàng được giao.
Tình huống của Pandora đã lặp lại đối với HAL, con robot nắm quyền điều khiển sinh sát trong bộ phim 2001: A Space Odyssey (2001: Chuyến Du hành Không gian) hay Skynet, mạng robot diệt chủng trong loạt phim Terminator (Kẻ hủy diệt).
Phần đông nhân loại vẫn sợ kỹ thuật ngay từ đầu, lo lắng rằng trí tuệ nhân tạo cũng có thể có được ý thức nhân tạo, hoặc phe nào đó có thể phá hoại trí tuệ nhân tạo để tạo ra một mối đe dọa hủy diệt thế giới.
Tạm gác những nỗi sợ đó sang một bên, tại sao AI lại đe dọa công việc của tôi?
AI đã nỗ lực cải thiện hiệu suất bằng cách đảm nhận những công việc mà con người hiện đang làm. Hầu hết những cải tiến kỹ thuật đều cải thiện hiệu suất công việc mặc dù người ta có thể không nhận ra trước.
Máy dệt bằng điện đã chiếm lấy công việc của hàng ngàn thợ dệt, và họ có thể thấy điều đó sắp xảy ra. Theo cách tương tự, máy điện toán để bàn, và giờ thì máy điện toán xách tay, đã loại bỏ đầu tiên là hàng ngàn thư ký, rồi sau đó là văn thư, thậm chí cả những văn thư chuyên nghiệp.
Liệu đây có phải là một tin xấu?
Chúng ta có thể không còn những công việc giống như cách đây 100 năm, nhưng trong nhiều hoàn cảnh thì chúng ta lại có thêm những công việc khác.
AI là gì?
Có lẽ cách nghĩ tốt nhất về AI là khai phá dữ liệu tự động. Vì vậy, thay vì con người tìm kiếm các bản mẫu trong một tập dữ liệu thì một chương trình máy điện toán sẽ thực hiện việc đó.
Sự náo động gần đây chủ yếu là xuất phát từ các Mô hình Ngôn ngữ Lớn (LLM), như ChatGPT của OpenAI, một phiên bản đã được tích hợp vào Bing của Microsoft, vậy nên quý vị có thể sử dụng loại AI này khi tìm kiếm trên Internet.
LLM thêm một giao diện người giả đàm thoại vào hệ thống, cho phép quý vị có thể hỏi những người giả này bằng từ ngữ và câu nói thông thường và rồi chúng sẽ trả lời. Quý vị còn có thể tranh luận với chúng.
Có một khái niệm gọi là Phép thử Turing.
Turing đưa ra giả thuyết rằng một cỗ máy thực sự thông minh nếu quý vị có thể trò chuyện với nó và không hề nói với nó rằng nó là một chiếc máy điện toán.
Tôi đã đang nói chuyện với ChatGPT về các khía cạnh của bài viết này mà giống như là đang trò chuyện với một người máy giao tiếp C3P0 có lối ăn nói cứng nhắc trong bộ ba phim Chiến tranh Giữa các Vì Sao.
Vì vậy cũng xem như tôi đã làm qua Phép thử Turing, nhưng kết quả đã chứng tỏ rằng Phép thử Turing là không phù hợp.
Những câu trả lời tôi nhận được đều ỔN, và có thể giúp người ta đạt 4 điểm, thậm chí là 5 điểm (trên 7) trong năm thứ nhất hoặc năm thứ hai đại học, nhưng đến năm thứ ba thì giảng viên sẽ chấm điểm khắt khe hơn nhiều.
Câu hỏi mà phép thử này đặt ra cho tôi không phải là liệu AI có thông minh hay không. Nếu quý vị không thể phân biệt một học sinh bình thường với AI thì có lẽ cậu học sinh bình thường đó không thông minh, ngay cả khi cậu ấy tiếp tục có được bằng cấp để điều hành một công ty lớn hoặc một cơ quan hành chính.
Các hãng thông tấn nhảy lên chuyến tàu AI
Chà, kết cục đáng sợ là các tổ chức tin tức có thể sử dụng chúng (AI) để viết tin bài, và sa thải hàng trăm ký giả.
Tệ hơn nữa, AI hiện đã được sử dụng để viết nội dung cho các trang web, nên cũng có thể sẽ thiếu các việc làm thay thế đòi hỏi kỹ năng viết.
Chắc chắn có điều gì đó đằng sau nỗi sợ này. Kể từ năm 1984, số người làm trong lĩnh vực Thông tin, Truyền thông và Viễn thông đã giảm 43% tính theo đầu người. Con số đó chưa phản ánh đầy đủ sự suy giảm này.
Thực tế là từ năm 1984 đến năm 2007 (khoảng thời gian có số lượng việc làm cao nhất), con số này đã gia tăng ở mức 19% bình quân đầu người.
Kể từ đỉnh điểm đó, 17 năm qua đã chứng kiến mức giảm 71%. Xét về con số tuyệt đối thì số liệu không quá tệ khi con số ngày nay vẫn giống như năm 1995, nhưng trong khoảng thời gian đó lực lượng nhân công đã tăng đến 78%.
Có lẽ mọi chuyện rồi sẽ đến mức tồi tệ hơn. Nỗi lo sợ này không phải là không có cơ sở khi tập đoàn truyền thông News Corporation ở Úc đang cắt giảm 600 vị trí.
Cách chúng ta sản xuất tin tức hiện không được tiết kiệm lắm, nên đâu đó sẽ phải cho thấy có sự cắt giảm chi phí nếu không thì các tổ chức hiện tại của chúng ta sẽ phá sản mất thôi.
Sau đó có một kết thúc có phần lạc quan.
Theo tin tức gần đây, Vox and The Atlantic đã ký thỏa thuận với OpenAI, News Corp cũng vậy. Những thỏa thuận này là đầy hứa hẹn vì OpenAI sẽ trả tiền cho các hãng truyền thông để có quyền truy cập vào các trang tin tức và kho lưu trữ của họ.
Gần đây, tôi đã viết rằng các tổ chức tin tức vô lý thế nào khi mong đợi truyền thông xã hội và các công cụ tìm kiếm như Facebook, Twitter, và Google trả tiền cho họ vì đã hiển thị những liên kết đến các bài báo tại những nền tảng này trong khi các tổ chức truyền thông thu về phần lớn lượng truy cập từ những nền tảng đó, vốn quảng cáo cho họ một cách hiệu quả.
Đó là toàn bộ mục đích của một công cụ tìm kiếm và ở một mức độ thấp hơn là mạng xã hội, và đó là lý do mà các tổ chức truyền thông hết sức quan tâm đến việc quản lý các trang web của mình sao cho thân thiện với việc khám phá và hiển thị trên các nền tảng đó.
Các công cụ tìm kiếm thực sự là một dạng AI nguyên thủy.
Những công cụ tìm kiếm này đánh cắp dữ liệu trên mạng, sau đó sắp xếp và phân phối cho người dùng, thường tùy thuộc vào công cụ, cá nhân hóa kết quả dựa trên các tìm kiếm trước đó của người dùng.
LLM cũng làm tương tự nhưng ở mức phức tạp hơn, và chúng trình bày nội dung như thể đó là sản phẩm do chính chúng tạo ra, làm dấy lên một vấn đề bản quyền hợp pháp. Vì vậy, [các hãng AI] trả một ít tiền cũng là công bằng thôi.
Ngoài ra, hầu hết các trang truyền thông ngày nay đều chỉ cho truy cập miễn phí vào một phần nội dung trên trang của họ. LLM sẽ giúp tăng thêm giá trị cho các bài báo của mình nếu chúng có thể truy cập nội dung đó, và nếu chúng muốn truy cập thì chắc chắn cũng phải trả lệ phí.
Trong trường hợp này, các hãng truyền thông thực sự đã tìm ra một cách để cung cấp và bán một số nội dung của mình, đem về một ít thu nhập để đem lại lợi ích cho nhân viên và cổ đông.
Điều này cũng giúp giải quyết một vấn đề của LLM. Các chatbot đã bị phát hiện mắc lỗi – sai sự thật, và thậm chí là gợi ra ảo giác – [chúng] hoàn toàn bịa chuyện.
Ngoài ra còn có một rủi ro là khi nội dung trên Internet thiên vị cho cánh tả, các hệ thống AI cũng sẽ đi theo các câu trả lời của cánh tả. Khi truy cập vào các nguồn tin tức đáng tin cậy từ nhiều quan điểm khác nhau, AI có thể tham khảo các nguồn bên ngoài để trở nên trung lập và cung cấp một sản phẩm công bằng hơn cho người dùng của mình.
Những hạn chế của AI
Hiện giờ, tôi đã sử dụng AI được 20 năm, giúp tôi có được chỗ đứng ban đầu trong nghề làm báo.
Khi tôi mới bắt đầu viết về các chiến dịch vận động chính trị, tôi không muốn viết bài theo kiểu vô vị như hầu hết các kỷ giả khác, kiểu như đem những tin đồn mà tôi nhặt nhạnh xung quanh những phòng họp đầy quyền lực, hay ở các bữa tiệc nướng chiều Chủ Nhật với bạn bè tường thuật lại như những sự kiện có thật.
Vì vậy, tôi đã nghĩ ra một cách để tập trung làm nghiên cứu nhóm bằng cách sử dụng Internet cùng với ông Mike Kaiser, cựu Giám đốc Sở Lao động tiểu bang Queensland và là thành viên nghị viện trong thời gian ngắn, và cũng là người viết bình luận.
Chúng tôi đã thu thập dữ liệu trực tuyến qua các cuộc khảo sát gồm hàng ngàn câu trả lời cho các câu hỏi mở.
Các câu hỏi như, “Vấn đề chính đối với quý vị trong cuộc bầu cử liên bang này là gì?” Đây giống như một phiên bản khoa học đồ sộ về dư luận, một hình thức báo chí khi quý vị cử một ký giả đến một địa điểm công cộng để hỏi người dân xem họ nghĩ gì.
Việc phân tích khối lượng dữ liệu to lớn đó không hề dễ dàng cho đến năm 2004, tôi tình cờ bắt gặp Leximancer. Được phát triển tại Đại học Queensland, phần mềm này tìm kiếm sự xuất hiện của các từ ngữ và mức độ liên kết chặt chẽ của những từ ngữ này với những từ ngữ khác. Phần mềm có thể phát hiện ra những mối liên hệ khó có thể phát hiện được bằng cách khác.
Leximancer có thể kiểm tra dữ liệu và cung cấp những bản đồ từ ngữ hiển thị từ các câu hỏi khảo sát của tôi về mức độ mà các vấn đề ảnh hưởng đến lá phiếu.
Đột nhiên với một ngân sách rất ít ỏi, tôi có được tin tức tình báo bầu cử tốt nhất trong nước, độc lập với các đảng chính trị lớn, những nơi đã chi hàng triệu dollar để có được tin tức này, và tôi có thể viết những bài báo chính xác và sâu sắc cho các tờ báo lớn.
ChatGPT và những thứ tương tự sẽ mang lại nhiều cơ hội như vậy.
Chẳng hạn, có lẽ AI sẽ viết ra được một số bài chuyên sao chép “toàn là sự thật” của các hãng tin tức.
Nhưng vẫn sẽ phải có người đi kiểm tra bản sao đó, bởi vì quý vị không thể tin tưởng hoàn toàn vào tính chính xác của AI, và có vẻ sẽ không có lợi trước tòa khi nói rằng quý vị đã xuất bản ở chế độ tự động khi gặp một vụ kiện phỉ báng.
Và AI phải sao chép dữ liệu từ nơi nào đó khác, vốn dĩ sẽ được những người có kỹ năng làm báo viết cho những tổ chức khác. AI sẽ có thể sẽ chuyển công việc từ các tổ chức tin tức sang mặt tối của quan hệ công chúng.
Trên thực tế, những người làm công việc liên quan đến ngôn từ có lẽ không phải là những người gặp rủi ro mất việc cao nhất, mà là những người tìm ra và viết mã. AI vẫn đang được sử dụng để viết mã máy điện toán. Trong lĩnh vực này thì rõ ràng là AI có khả năng linh hoạt, và còn biết kiểm tra mã (lĩnh vực mà nó giỏi hơn nhiều).
Tác giả Luke Burgis còn cho rằng AI có thể dẫn đến một thị trường đầu cơ giá lên trong lĩnh vực nhân văn vì không giống như con người, AI không thể thấu hiểu những nhiệm vụ yêu cầu nó tạo ra những mối quan hệ mà trước đây nó chưa có.
Nếu ông Burgis nói đúng thì sẽ cần một phương pháp giảng dạy khác về nhân văn. Hiện tại, các khoa nhân văn có xu hướng bị chi phối bởi lập luận của nhà cầm quyền, đây cũng là lý do tại sao thuyết chủng tộc trọng yếu đã quá dễ dàng tràn ngập đến vậy.
Có lẽ điều mà AI sẽ dẫn đến là một cuộc cải tổ trong lối suy nghĩ của con người — cho rằng những ý tưởng sáng tạo cần phải được ưa thích hơn việc ăn cắp ý tưởng được chú thích ở cuối trang, bởi vì máy móc rất thông thạo việc này.
Xét cho cùng, sau khi mọi tai ương đã được thả ra thì dưới đáy hộp của nàng Pandora vẫn còn lại Hy vọng.